Báo cáo mới của một cơ quan tư vấn Mỹ cho biết máy bay không người lái (UAV) Iran cung cấp cho Nga đã sử dụng thiết kế và động cơ của Trung Quốc làm nhái của phương Tây. Phía nhà chức trách Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thiết lập chuỗi cung ứng cho phép Iran cung cấp UAV cho Nga, giúp các thiết kế máy bay đều được hoàn chỉnh hệ thống động cơ.

UAV Nga tai Kyiv
Máy bay không người lái (UAV) của Nga tấn công Kyiv hồi tháng 10. (Ảnh chụp màn hình video)

Theo báo cáo, vốn dĩ lâu nay ĐCSTQ đã không thể giải quyết được vấn đề động cơ UAV, nhưng bất ngờ có bước tiến bộ rất nhanh là do công ty động cơ máy bay Limbach của Đức đã để lộ công nghệ cho phía Trung Quốc vốn có sở trường đánh đổi thị trường lấy công nghệ. Báo cáo chỉ ra quá trình hợp tác giữa Trung Quốc và Iran đã được thực hiện bí mật.

UAV của Iran cung cấp cho Nga có động cơ từ Trung Quốc

Ngày 31/10, Viện Khoa học và An ninh Quốc tế (ISIS – một tổ chức nghiên cứu của Washington), đã công bố một báo cáo nghiên cứu mới chỉ ra các UAV dùng một lần của Iran mà quân đội Nga sử dụng dường như chứa động cơ mà Trung Quốc sao chép từ phương Tây.

Báo cáo cho biết: “Vấn đề Iran có thể sản xuất và cung cấp UAV cho quân đội Nga thì phía Trung Quốc (ĐCSTQ) có vai trò lớn hơn nhiều so với đánh giá trước đây. Công ty Trung Quốc đang cung cấp cho Iran bản sao các sản phẩm của phương Tây để sản xuất UAV”.

Viện trưởng Viện Chiến lược và Tài nguyên Quốc phòng Đài Loan, chuyên gia quân sự Su Ziyun nói với Epoch Times hôm 7/11 rằng: ĐCSTQ hỗ trợ Iran phát triển một số công nghệ UAV trước hết là để lôi kéo Iran. Mỹ đã tạm thời rút khỏi Trung Đông và ĐCSTQ đã nhân cơ hội biến Iran thành đồng minh quan trọng nhất ở Trung Đông, hai bên có thể hỗ trợ lẫn nhau trên lập trường của mỗi bên.

Thứ nữa là họ cũng có trao đổi lợi ích. Iran cung cấp dầu thô cho Trung Quốc và Trung Quốc cung cấp một số công nghệ cho Iran. “Điều đó tất nhiên là vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Nhưng biểu hiện bề ngoài của ĐCSTQ vẫn thường không nhất quán với bên trong, giống như việc họ cung cấp bệ phóng tên lửa cho Triều Tiên”, ông nói.

Sao chép động cơ UAV của phương Tây

ISIS báo cáo rằng những hình ảnh về chiếc UAV Witness-136 bị bắn rơi cho thấy nó chứa động cơ MD550 do Công ty UAV Macputer có trụ sở tại Bắc Kinh sản xuất, động cơ được mô phỏng theo mẫu L550e của công ty Limbach – Đức.

Năm 2012, Limbach thành lập chi nhánh tại Hạ Môn – Trung Quốc để sản xuất động cơ cho UAV và máy bay cánh cố định cỡ nhỏ. Công ty này tuyên bố là nhà sản xuất động cơ duy nhất có công nghệ cốt lõi đáp ứng cho các đối tác Trung Quốc.

Theo trang web của Limbach Hạ môn, hàng ngàn động cơ hàng không Limbach được sử dụng trên các loại máy bay khác nhau trên thế giới và đã hoàn thành hàng triệu giờ bay, loạt động cơ khí piston của họ thuộc hàng đầu quốc tế về công nghệ.

id13861310 007f68d8f8a6296e388d3a7d767c5853
(Ảnh chụp màn hình website)

Một trong những tác giả của báo cáo là Spencer Faragasso nói với Đài VOA rằng Trung Quốc đã lấy được thiết kế L550e của Limbach và biến nó thành động cơ MD550 của Trung Quốc, hai loại động cơ gần như giống hệt nhau, bên Trung Quốc chỉ điều chỉnh một chút về mã lực. Ông cho hay: “Những gì chúng tôi có thể đánh giá là các công ty Trung Quốc này đã luôn tham gia cung cấp thiết kế hoặc cung cấp động cơ hoàn chỉnh cho Iran, ví dụ Witness-136 là động cơ của Trung Quốc”.

Ngoài ra, thiết kế động cơ của một UAV Witness-131 khác lấy từ động cơ quay MDR208 của Macputer Bắc Kinh, còn MDR208 là bản sao chép động cơ AR-731 của Anh.

Ông cho biết phát hiện có ý nghĩa nhất của báo cáo là các thiết kế từ công ty phía phương Tây không rõ bằng cách nào rơi vào công ty Trung Quốc, còn ĐCSTQ đã cung cấp chúng cho Iran.

Tương tự, nhà bình luận Vương Hách (Wang He) nói rằng UAV của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng. Trong một thời gian dài trước đó, Trung Quốc không thể giải quyết được vấn đề công nghệ động cơ, họ luôn dùng mọi thủ đoạn để chiếm lĩnh được từ nước khác nhưng không có tiến triển gì. Làm thế nào mà UAV của Trung Quốc lại có những bước tiến nhảy vọt? Vấn đề nằm ở công ty Limbach của Đức đầu tư vào Trung Quốc! ĐCSTQ rất giỏi trong việc sử dụng thị trường đổi lấy công nghệ và các thủ đoạn đánh cắp khác khiến rất nhiều công nghệ khi đưa vào Trung Quốc thì sớm muộn gì cũng sẽ lọt vào đối tác Trung Quốc.

Ông nói: “Từ một số thông tin công khai hiện tại, chúng ta có thể rút ra nhận định cơ bản rằng sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc trong công nghệ UAV (đặc biệt là công nghệ động cơ) không thể tách rời việc ĐCSTQ có được từ các đối tác phương Tây, cho dù đó là cách hợp pháp hay bất hợp pháp”.

Chuỗi cung ứng UAV của ĐCSTQ đã thành hình

Đồng tác giả của báo cáo là Faragasso cũng nói với VOA rằng “Trung Quốc đã thiết lập một chuỗi cung ứng cho phép Iran có được bất kỳ thiết kế nào của hệ thống động cơ hoàn chỉnh cho các UAV mà họ sử dụng để cung cấp cho Nga”.

Ông Su Ziyun nói rằng chuỗi cung ứng vũ khí của ĐCSTQ tương đối hoàn chỉnh. Theo một báo cáo vào tháng 10 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm ở Thụy Điển, tỷ lệ chủ động chế tạo vũ khí của ĐCSTQ là khoảng 92%, cao nhất trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhưng nếu không có kinh nghiệm chiến đấu thực tế thì vấn đề hiệu quả có thể rất đáng thất vọng.

Tuy vậy, ĐCSTQ chưa thể hoàn toàn chủ động hoàn thiện, họ phải sao chép động cơ của các nước khác, từ máy bay phản lực lớn đến UAV nhỏ. Có thể nói hiện Trung Quốc đóng vai trò gián tiếp trong chuỗi cung ứng UAV này.

Ông Vương Hách cũng tin rằng chuỗi cung ứng UAV và chuỗi công nghiệp của ĐCSTQ đã được hình thành từ lâu. Ông nói: “ĐCSTQ đã hợp tác riêng với Iran trong nhiều năm, nếu ĐCSTQ muốn sử dụng Iran để phá rối tình hình thì sẽ cung cấp cho Iran một số phương tiện và một số công cụ gây rối, UAV là một trong những điểm mấu chốt. ĐCSTQ hoàn toàn có thể bí mật cùng với Iran thành lập ngành công nghiệp UAV”.

Do Iran bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt nên ĐCSTQ sẽ không làm theo cách trực tiếp và công khai, mọi sự hợp tác đều theo đường vòng và nhiều cách ngụy trang khác nhau. Ông tin rằng báo cáo của chuyên gia Mỹ là chuẩn xác, họ có chứng cứ mới tuyên bố. Vì vậy vấn đề ĐCSTQ cung cấp hỗ trợ cho Nga thông qua Iran giờ đã có một số bằng chứng. Do đó những động thái tiếp theo giữa Mỹ và ĐCSTQ sẽ rất căng thẳng.

ĐCSTQ cùng Nga và Iran hình thành “trục ma quỷ” mới?

Cộng đồng quốc tế sẽ nhìn nhận mối quan hệ giữa ĐCSTQ, Nga và Iran như thế nào sau khi công nghệ của ĐCSTQ sao chép từ phương Tây được cung cho Iran để bí mật viện trợ cho Nga? Ngay từ ngày 14/9 các nhà lập pháp Mỹ đã chỉ ra vấn đề “trục ma quỷ mới”.

Dân biểu Steve Chabot R-OH, thành viên Đảng Cộng hòa hàng đầu của tiểu ban Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, cho biết tại buổi điều trần rằng chuyến đi đầu tiên của ông Tập Cận Bình kể từ khi bùng phát COVID-19 là tham gia Hội nghị thượng đỉnh hàng năm của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), cho thấy tầm quan trọng của Trung Á đối với Bắc Kinh. Ông gọi ĐCSTQ, Nga và thành viên Iran mới của SCO là “trục ác quỷ thực sự mới”.

Về vấn đề này, nhà bình luận Vương Hách tin rằng có thể dân biểu Mỹ thu được một số thông tin tình báo nên mới có nhận xét đó. Điều này ở một góc độ khác cũng gây áp lực lên ĐCSTQ, hoặc thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế: Những động thái đáng sợ của ĐCSTQ trong một số chiến lược quốc tế.

Từ góc độ quan hệ quốc tế và chiến lược đối ngoại của Mỹ, hiện nay ĐCSTQ đã là địch thủ lớn nhất của Mỹ. ĐCSTQ luôn sử dụng nhiều phương tiện, sức mạnh và công nghệ khác nhau để hỗ trợ các nước đang đối đầu với Mỹ. Đã từ lâu ĐCSTQ, Iran và Triều Tiên đã hình thành một ‘Trục Ác’, nhưng quan chức Mỹ đã không sử dụng cách diễn đạt này vì nhiều lý do khác nhau.

Cuộc đối đầu giữa ĐCSTQ và Mỹ ngày nay nghiêm trọng hơn cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô cũ trong những năm 1980. Nếu giới chính trị Mỹ có thể học hỏi từ Tổng thống Reagan trước đây thì sẽ là lợi ích lớn cho Mỹ và thế giới.

Ông Vương Hách nói: “ĐCSTQ có tham vọng toàn cầu, tham vọng này sẽ dẫn đến đối đầu Trung-Mỹ trong xu thế toàn cầu hóa, theo đó trọng tâm là ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ngoài các quốc đảo Thái Bình Dương còn có hai điểm nóng: bán đảo Triều Tiên và chiến tranh Nga-Ukraine. Hiện ĐCSTQ có hai động thái ở Trung Đông: một là Ả Rập Xê-út định giá dầu bằng đồng Nhân dân tệ, thách thức vị thế đồng đô la Mỹ; hai là hỗ trợ cho Iran quấy phá, khiến Mỹ đau đầu về vấn đề hạt nhân và làm cho mọi thứ trở nên lớn hơn. Hành động của ĐCSTQ có những cân nhắc tổng thể nên Mỹ và cộng đồng quốc tế không thể ứng phó riêng lẻ mà phải có phản ứng tổng thể. Phương Tây phải đoàn kết, ĐCSTQ là một thách thức lớn đối với phương Tây và cộng đồng quốc tế”.

Chuyên gia Đài Loan Su Ziyun cũng cho hay: “Sự xuất hiện của các thành phần vũ khí nhái của ĐCSTQ trên chiến trường Ukraine chỉ là phần nổi của tảng băng, điều đó cho thấy ĐCSTQ là vấn đề của thế giới, không có vấn đề Đài mà chỉ có vấn đề ĐCSTQ”.

Ông tin rằng cốt lõi của trục này là Nga, Trung Quốc và Triều Tiên, bởi vì 3 nước này nối liền nhau. Vùng ngoại vi là một số nước Trung Á đóng vai trò đối tác kinh tế và thương mại, và đó là vai trò của Iran.

Ảnh hưởng của ĐCSTQ đang trong xu thế mở ra nhưng hiện đang dần bị bao vây từ Mỹ, Úc, Nhật Bản và Đài Loan đang thúc đẩy tăng cường hỗ trợ các quốc đảo Nam Thái Bình Dương và củng cố cơ sở hạ tầng của họ.

Tuy nhiên, nhà bình luận quân sự Nguyên Lạc Nghĩa (Qi Leyi) cho rằng sự tham gia của Iran thực sự là một xu hướng phát triển mới nhưng vẫn còn quá sớm để nói đến hình thành “trục ác quỷ” này – dù đang có dấu hiệu phát triển đó. Ít nhất thì họ đã ở cùng nhau và trên một nền tảng chung có vấn đề hợp tác quân sự, thậm chí bao gồm cả các cuộc tập trận trong tương lai sẽ được thể hiện trong khuôn khổ này.

Ông nói: “Thực sự có những dấu hiệu cho thấy đã đạt đến một kiểu liên minh; tuy nhiên có thể không đạt được như Mỹ, NATO và Nhật Bản, và bản chất là khác. Ông Putin cũng không đồng ý. Năm trước, ông Putin đã nói với truyền thông sẽ không hình thành liên minh quân sự với Trung Quốc (ĐCSTQ). Liên minh có quyền và nghĩa vụ, khi đó nước nào bị tấn công cũng coi như mình bị tấn công, muốn thực hiện cam kết như vậy là rất không dễ dàng. Do đó dù có thực tế về xu thế phát triển đó nhưng liệu có thể hình thành ‘trạng thái Trục’ hay không vẫn còn phải chờ xem”.