Nghị viện mới của Châu Âu sẽ được đánh dấu bởi sự phân mảnh đầy mầu sắc của các trường phái chính trị từ cực tả đến cực hữu thể hiện cho một Châu Âu đầy hoài nghi và ngày càng chia rẽ sâu sắc.

nigel farage 1
Nigel Farage, lãnh đạo Đảng Brexit tại Anh, vui mừng trước chiến thắng trong cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu (Ảnh: Youtube)

Cử tri trên khắp châu Âu trong tuần qua đã tới hòn phiếu để bầu nghị viện Châu Âu, cơ quan lập pháp duy nhất mà các công dân EU được quyền bầu chọn trực tiếp.

Theo Vox, kết quả năm nay cho thấy một sự thật rõ ràng: người dân EU muốn thay đổi. Liên minh của 2 phe chính trị ôn hòa là trung tả và trung hữu đều đánh mất thế đa số tuyệt đối của mình lần đầu tiên kể từ năm 1979, khi cuộc bầu cử nghị viện Châu Âu lần đầu tiên được tổ chức.

Thay vào đó, cử tri bày tỏ ủng hộ cho cả những đảng phái cực tả, như Đảng Xanh với thông điệp thúc đẩy môi trường và các đảng phái cực hữu mang thông điệp dân túy và hoài nghi EU.

Thuận theo xu hướng toàn cầu, một số cử tri bày tỏ chán nản đối với hệ thống chính trị già cỗi, mặc dù các đảng ủng hộ EU vẫn dẫn đầu.

Dưới đây là 5 điểm quan trọng sau cuộc bầu cử này.

1) Đảng Xanh trở thành câu chuyện thành công ít ai ngờ tới

Hôm thứ Sáu (24/5), nhiều sinh viên trên khắp thế giới tổ chức đình công để đòi hỏi chính phủ mạnh tay hơn trong các chính sách môi trường. Chủ Nhật vừa rồi, Đảng Xanh trỗi dậy trở thành một thế lực mới trong chính trị khối EU.

Tại Đức, Đảng Xanh đứng thứ 2 trong cuộc bầu cử, chiếm tới 20% phiếu bầu, đánh bại đảng trung tả Dân Chủ Xã hội (SPD). Tại Phần Lan, Đảng Xanh cũng đạt 12%, và tại Pháp, đảng này đứng thứ ba với khoảng 13% số phiếu.

Tổng cộng, Đảng Xanh sẽ giữ khoảng 70 ghế trong số 751 ghế Nghị viện Châu Âu, tăng so với con số 51% trong cuộc bầu cử trước năm 2014.

2) Các đảng dân túy cánh hữu trở thành lực lượng mạnh mẽ

Theo Vox, cuộc bầu cử nghị viện Châu Âu trở thành bài thử cho sự trỗi dậy của những người cánh hữu, theo chủ nghĩa dân tộc và dân túy cũng như ôm giữ mối hoài nghi với khối EU.

Kết quả bầu cử cho thấy các đảng cánh hữu sẽ chiếm khoảng 25% số ghế trong Nghị viện Châu Âu, tăng 5% so với nghị viện trước. Đây là con số tốt nhất từ trước đến nay của phong trào này, tuy nhiên không mạnh mẽ như kỳ vọng.

Tại Ý, Đảng Lega của Salvini thống trị hòm phiếm, thắng đến 34% tổng số phiếu, một mức tăng rất lớn so với con số 6% năm 2014. Tại Pháp, Đảng Mặt Trận Quốc gia của bà Le Pen vượt mặt liên minh trung dung – cải cách của Tổng thống Emmanuel Macron.

Tuy không nhìn thấy cơn sóng thần của các đảng phái dân túy, nhưng có một thực tế là các đảng chống EU này sẽ tồn tại trong chính thể chế của EU. Một câu hỏi được đặt ra là liệu các đảng phái khác có thể thuyết phục họ để hợp tác trong Nghị viện Châu Âu trong khi mà họ luôn có tính toán riêng tư nhằm thúc đẩy lợi ích quốc gia và làm suy yếu EU hay không?

3) Liên minh trung tả, trung hữu truyền thống đánh mất thế đa số đã tồn tại 40 năm.

Đảng trung hữu Nhân Dân Châu Âu (EPP) và Liên minh Cấp tiến Xã hội và Dân chủ (S&P) cơ bản đã thống trị Nghị viện Châu Âu từ năm 1979, đã phải chấp nhận thất bại đau đớn đầu tiên.

Cuộc bầu cử cuối tuần qua đã chấm dứt 40 cầm quyền của liên minh này. Các đảng mới như đảng Xanh và phe dân túy đã trở thành một lực lượng lớn mạnh đe dọa tới sự thống trị của giới chính trị truyền thống tại EU.

4) Brexit không thỏa thuận sẽ xảy ra?

Đáng lẽ giờ này Anh Quốc không tham gia kỳ bầu cử nghị viện Châu Âu này, bởi họ đáng lẽ phải rời khỏi EU rồi.

Tuy nhiên do đấu đá trong chính trị nước Anh, điều này vẫn chưa xảy ra, và dân Anh vẫn phải đi bầu. Do đó, cuộc bầu cử nghị viện Châu Âu này, cũng như tất cả những gì xảy ra ở Anh ngày nay, đều trở thành cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, cuộc tranh luận đang ngày càng chia rẽ nước Anh kể từ ngày nó bắt đầu.

Nigel Farage, cựu lãnh đạo đảng Anh Quốc độc lập (UKIP) và Đảng Brexit mới thành lập của ông đã đứng đầu trong cuộc bầu cử này, chiếm 31% tổng số phiếu tương đương 29 ghế của Anh trong Nghị viện EU.

Đảng Dân chủ Tự Do, một đảng mạnh mẽ ủng hộ nước Anh ở lại EU và đang yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý, đạt 20% phiếu bầu, đứng thứ hai.

Kết quả này không có nhiều ý nghĩa lắm đối với EU, bởi Anh sẽ rời EU vào ngày 31/10/2019 (hạn chót hiện tại của Brexit) và khi đó, những nghị sĩ này của Anh sẽ không phục vụ hết một năm của nhiệm kỳ 5 năm của mình.

Tuy nhiên, kết quả này lại có ý nghĩa đối với chính trị trong nước Anh. Đảng Brexit của Farage đã giành thắng lợi trước cả Đảng Bảo thủ và Đảng Lao động – dấu hiệu cho thấy người Anh cũng đã chán ngán hệ thống quan liêu của EU.

Đảng Brexit cũng mang tới đe dọa cho Đảng Bảo Thủ, đảng phái đã cam kết thực hiện Brexit cho người Anh nhưng đến nay vẫn thất bại. Thủ tướng Anh Theresa May vì lý do này mà tuyên bố sẽ sớm từ chức, và bất kỳ ai thay thế bà từ Đảng Bảo thủ sẽ phải chịu áp lực dẫn dắt Anh rời khỏi EU bằng bất kỳ giá nào, dù có thỏa thuận với EU hay không.

Một Brexit không thỏa thuận sẽ không tốt cho EU, nhưng thậm chí còn tệ hơn đối với Anh Quốc. Trong kịch bản này, Anh sẽ ngay lập tức ngừng là thành viên của khối này. Tất cả các quy định mà Anh từng có khi là thành viên sẽ đột ngột bốc hơi mà không có quá trình trung gian. Điều này sẽ gây ra cú sốc lớn đối với nền kinh tế, những bối rối không đáng có cho người dân và giới doanh nghiệp cũng như sự suy sụp ngắn hạn trong chuỗi cung ứng thực phẩm, thuốc men và các loại hàng hóa khác từ nước trong khối tới Anh và ngược lại.

EU đã nói họ không muốn một Brexit không thỏa thuận, tuy nhiên đó sẽ là đích đến mặc định nếu người kế nhiệm bà May không tìm ra giải pháp làm hài lòng của Quốc hội Anh lẫn nghị viện EU.

5) Cuộc bầu cử nghị viện Châu Âu vẫn là 28 câu chuyện của mỗi nước thành viên.

Mỗi cử tri bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này, bất kể đến từ nước nào, đều bỏ phiếu cho những người đại diện cho họ trong cơ quan lập pháp trung ương của cả khối EU. Tuy nhiên, cuộc bầu cử này giống với câu chuyện của 28 cuộc bầu cử riêng lẻ hơn là một cuộc bầu cử lớn của cả Châu Âu.

Tại Anh, nó được xem như cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. Pháp thì chứng kiến lại cuộc so găng giữa bà Le Pen và ông Macron, mặc dù lần này, người ta đã thấy được những sai lầm trong năm đầu tiên ông Macron cầm quyền. Tây Ban Nha chứng kiến sự nổi dậy của phe cánh tả Đảng Công Nhân Xã hội Chủ nghĩa. Tại Ý, phe cánh hữu của lãnh đạo dân túy Salvini củng cố quyền lực sau cuộc bầu cử 2018. Đức chứng kiến sự thất vọng của người dân đối với liên minh các đảng trung tả và trung hữu của bà Angela Merkel, đã chuyển sang ủng hộ Đảng Xanh.

Do đó, mặc dù hàng triệu người Châu Âu đi bỏ phiếu cho cơ quan trung ương của cả khối EU, mối quan tâm của họ lại gần với mâu thuẫn chính trị và chia rẽ nội bộ tại quê nhà hơn nhiều những lợi ích của cả khối Châu Âu.

Trọng Đức

Xem thêm: