Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào ngày 8/11 sẽ bầu ra 435 ghế trong Hạ viện và 35 ghế trong Thượng viện. Ngoài chủ đề về sinh kế của người dân, chính sách đối với Trung Quốc nhắm vào Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng trở thành một chủ đề quan trọng trong chiến dịch tranh cử.

shutterstock 2165174421
(Nguồn: WESTOCK PRODUCTIONS/ Shutterstock)

Ông Dean Chen, Phó giáo sư Chính trị học tại Cao đẳng Ramapo ở New Jersey (Ramapo College of New Jersey), nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng: “Trung Quốc (ĐCSTQ) là một vấn đề quan trọng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này. Khi hai phe tranh cử đang có sự phân hóa cao và cuộc bầu cử trở nên cấp bách, thì cần phải tìm ra một vấn đề đủ nổi bật, đủ hấp dẫn để thu hút sự chú ý của cử tri. Kẻ thù và đối thủ bên ngoài có nhiều khả năng khiến cử tri địa phương đoàn kết lại để ủng hộ một ứng cử viên cụ thể.”

Ông Frank Sesno, giám đốc các chương trình chiến lược tại Đại học George Washington và cựu giám đốc Trung tâm Tin tức Washington của CNN, cho rằng Trung Quốc đã được xác định là một mối đe dọa an ninh quốc gia, không chỉ là một đối tượng cạnh tranh mà còn là đối thủ. “Kiểu trình bày và phân tích này đang trở nên mạnh mẽ hơn, và cả 2 đảng đều đang làm như vậy”.

Một số ứng cử viên đã nói rõ lập trường của họ đối với ĐCSTQ. Ông JD Vance, một ứng cử viên Đảng Cộng hòa cho ghế Thượng viện Ohio, cho biết trong chiến dịch tranh cử của mình: “Chúng ta không thể mềm mỏng với Trung Quốc nữa, và chúng ta phải ngừng gửi cơ hội việc làm của người Mỹ cho những người thù hận chúng ta.”

Đối thủ của ông Vance, ứng cử viên Dân chủ Tim Ryan, không tỏ ra yếu thế, “Đây là cuộc đọ sức của chúng ta với Trung Quốc. Trung Quốc đã đánh cắp công việc sản xuất của chúng ta, và giờ là lúc chúng ta phải chống trả”, ông nói. Cả hai ứng cử viên này đều ủng hộ việc tiếp tục thực thi Mục 301 trong việc áp thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc.

“Hãy cứng rắn với Trung Quốc” (Get tough on China) là khẩu hiệu tranh cử quan trọng trên trang web tranh cử của ông Mehmet Oz, một nhân vật nổi tiếng ở Mỹ và là ứng cử viên tranh cử vào Thượng viện Đảng Cộng hòa tại tiểu bang Pennsylvania. Bác sĩ Mehmet Oz là người dẫn chương trình sức khỏe nổi tiếng “The Dr. Oz Show”.

Ứng cử viên Thượng viện Cộng hòa tiểu bang Missouri và là Tổng chưởng lý của tiểu bang, ông Eric Schmitt, đã sử dụng quảng cáo tranh cử để tiết lộ mối quan hệ đầu tư của đối thủ tranh cử với Trung Quốc. 

Dân biểu Dân chủ Angie Craig tại Khu vực bầu cử số 2 của tiểu bang Minnesota, kỳ vọng sử dụng thái độ cứng rắn với ĐCSTQ để nghênh chiến đối thủ tranh cử. 

Tại tiểu bang Arizona, người thách thức Đảng Cộng hòa Blake Masters coi sinh viên Trung Quốc ở Mỹ là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Đối thủ của ông, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Mark Kelly, là một trong những người thúc đẩy chính của dự luật chip vừa được thông qua.

Nếu Đảng Cộng hòa giành lại Hạ viện, họ sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc

Cuộc thăm dò năm nay của Pew cho thấy 82% người Mỹ có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc, đây là một con số cao kỷ lục. Dư luận Mỹ đặc biệt lo ngại về tình hình nhân quyền ngày càng xấu đi ở Trung Quốc.

Để thuận theo ý kiến ​​của công chúng, các ứng cử viên nên tiếp tục có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc. Các chuyên gia chỉ ra rằng cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa đều nhất trí cứng rắn với ĐCSTQ về nguyên tắc, nhưng Đảng Dân chủ đã hạn chế một chút từ ngữ của mình, đồng thời cố gắng nhấn mạnh giao tiếp với ĐCSTQ thông qua các biện pháp ngoại giao. Đảng Cộng hòa cấp tiến hơn và dường như có lập trường rõ ràng hơn trong vấn đề Đài Loan.

Báo cáo mới nhất từ ​​FiveThirtyEight, một trang web thăm dò ý kiến ​​của Mỹ, cho thấy có khoảng 70% khả năng Đảng Cộng hòa có thể nắm lại Hạ viện.

Bà Ashton của công ty rủi ro chính trị Eurasia Group nói rằng nếu Đảng Cộng hòa thành công trong việc giành lại Hạ viện, họ sẽ tập trung nhiều hơn vào hỗ trợ cho Đài Loan, sử dụng biện pháp quả đấm sắt để đảm bảo rằng công nghệ của Mỹ không tràn vào Trung Quốc, và cắt đứt Mỹ khỏi các đầu tư vào các công ty Trung Quốc có mối quan hệ với Chính phủ Trung Quốc.

“Nói một cách tổng thể, các đề xuất hiện tại của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện tích cực hơn đề xuất của Đảng Dân chủ. Tôi nghĩ một khi Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, các đề xuất này sẽ được đẩy xa hơn và có lập trường cứng rắn hơn trước sức ép của Nhà Trắng”, bà nói.

Ông Frank Sesno của Đại học George Washington nói rằng nếu Đảng Cộng hòa nắm lại Quốc hội, sự cứng rắn đối với Trung Quốc sẽ tiếp tục nâng cấp. Và nếu Đảng Cộng hòa làm chủ Nhà Trắng vào năm 2024, xu hướng này sẽ còn rõ rệt hơn.

Bà Ashton nói thêm rằng thái độ hiện tại của Quốc hội Mỹ đối với Trung Quốc khiến bà có chút lo lắng.

“Điều đáng lo ngại nhất là hiện tại chỉ có một tiếng nói về vấn Trung Quốc. Cho dù bạn đang nói chuyện với Đảng Dân chủ hay đang nói chuyện với Đảng Cộng hòa, khi nói về Trung Quốc, về cơ bản bạn sẽ nhận được câu trả lời cứng rắn đối với vấn đề Trung Quốc”, bà nói .

Bà nói thêm: “Điều đó cũng có nghĩa là trong bố cục chính trị của chúng ta, có thể thiếu không gian đủ để thảo luận chi tiết hơn về chính sách đối với Trung Quốc nên là như thế nào. Các nhà lập pháp sẽ bị chỉ trích mềm mỏng với Trung Quốc nếu họ đề xuất bất kỳ chính sách nào không có vẻ cứng rắn, cấp tiến và diều hâu.”

Sự gia tăng hàng năm của các dự luật liên quan đến Trung Quốc (ĐCSTQ) trong Quốc hội Mỹ

Đối kháng với ĐCSTQ đã trở thành một sự đồng thuận lưỡng đảng hiếm hoi trong Quốc hội Mỹ, và năm bầu cử này cũng không phải là ngoại lệ.

Trước năm 2017, khoảng 200 đến 250 dự luật về Trung Quốc đã được đưa ra trong mỗi kỳ khóa Quốc hội. Con số này đã tăng vọt kể từ năm 2017. Quốc hội khóa trước có 639 dự luật liên quan đến Trung Quốc, và Quốc hội khóa hiện tại có hơn 700 dự luật.

Chính quyền Biden gần đây đã thông qua một số dự luật quan trọng về Trung Quốc, bao gồm “Đạo luật CHIPS và Khoa học” (CHIPS and Science Act), “Đạo luật Năng lực phòng vệ quan trọng Quốc gia” (National Critical Capability Defense Act) và “Đạo luật Ngăn chặn Lao động cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ” (Uyghur Forced Labor Prevention Act).

Đạo luật Chip sẽ cung cấp 52,7 tỷ USD đầu tư vào sản xuất, nghiên cứu và phát triển chip bán dẫn trong nước Mỹ, để đối kháng các khoản trợ cấp lớn của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp chip. “Đạo luật Năng lực phòng vệ quan trọng Quốc gia” sẽ thiết lập một cơ chế xem xét các công ty Mỹ đầu tư ra nước ngoài, nhằm hạn chế các công ty Mỹ đầu tư vào các công ty công nghệ Trung Quốc. “Đạo luật Ngăn chặn Lao động cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ” cấm các sản phẩm lao động cưỡng bức từ Tân Cương nhập cảnh vào Mỹ. Các dự luật quan trọng này đã được các nhà lập pháp của Đảng Dân chủ và Cộng hòa ủng hộ cao.

Sự ủng hộ cứng rắn của khu vực Trung Tây nước Mỹ đối với Trung Quốc đặc biệt rõ ràng

VOA chỉ ra rằng các ứng cử viên từ một số tiểu bang lớn ở Trung Tây có cơ hội cao hơn để chơi một “quân bài cứng rắn đối với Trung Quốc”.

Ông Dan Schnur, giáo sư khoa học chính trị tại phân hiệu Berkeley của Đại học California phân tích, lý do là Trung Tây từ trước đến nay là một cơ sở sản xuất, và nhiều công việc sản xuất đã bị mất vào tay các nước khác trong vài thập kỷ qua. Vì vậy, các công nhân cổ cồn xanh không nghĩ rằng toàn cầu hóa là tốt cho họ, và các ứng cử viên của lưỡng đảng sẽ cố gắng tận dụng loại tâm lý này.

Bà Anna Ashton, Giám đốc Chương trình Các vấn đề Doanh nghiệp Trung Quốc của Eurasia Group, cho biết các cử tri ở Trung Tây liên kết trực tiếp mức sống ngày càng giảm của họ với việc “không đủ cứng rắn với Trung Quốc” hoặc “để Trung Quốc chiếm tiện nghi”.

“Không chỉ là liên quan đến chính trị Mỹ, mà hành vi của Trung Quốc (ĐCSTQ) đang đổ thêm dầu vào lửa. Chính sách Tân Cương của Trung Quốc, các mối đe dọa đối với Đài Loan, luận điệu chủ nghĩa dân tộc, nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập Cận Bình và Chính phủ Trung Quốc đang ngày càng phát triển một giọng điệu dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ …”, chuyên gia liên lạc chính trị Frank Sesno nói với VOA.