Ngày 6/1 năm tới, Quốc hội Mỹ sẽ tổ chức cuộc họp chung của Thượng viện và Hạ viện. Theo nhận định từ luật sư Ivan Raiklin chuyên về Hiến pháp Mỹ thì vẫn có khả năng thay đổi số phiếu đại cử tri của các bang, vấn đề sẽ phụ thuộc vào việc liệu Phó Tổng thống Mike Pence có thực hiện các quyền hạn do Hiến pháp cấp hay không, nếu trường hợp này xảy ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay.

mike pence shutterstock 1683083968
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. (Ảnh: Valerio Pucci / Shutterstock).

Theo trang National File (Hồ sơ Lưu trữ Quốc gia Mỹ), căn cứ vào Điều 12 của Hiến pháp Mỹ, “Nếu trước ngày thứ Tư của tuần cuối cùng tháng 12, Chủ tịch Thượng viện hoặc Giám đốc Cơ quan Lưu trữ Mỹ không nhận được Bản chứng nhận và danh sách bầu cử của tiểu bang theo như quy định trong Điều 9 và 11 của Hiến pháp Mỹ, trong khi cuộc họp bầu cử đã được tổ chức. Trong trường hợp này Chủ tịch Thượng viện phải yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ bang gửi Bản chứng nhận theo cách nhanh nhất có thể…”.

Luật sư Raiklin trích dẫn Hiến pháp Mỹ và Bộ luật Mỹ chỉ ra rằng Phó Tổng thống Pence có quyền buộc Nghị viện các tiểu bang thu lại quyền lực mà Hiến pháp trao cho để không chấp nhận các lá phiếu được chứng nhận do Bộ trưởng Nội vụ các bang đã ký, mà tự chỉ định cử tri đoàn để tổ chức bỏ phiếu. Động thái này có thể kích hoạt cuộc bầu cử dự phòng tại Quốc hội Mỹ, và Tổng thống Donald Trump có cơ hội thắng cử cao.

Ngoài đội ngũ pháp lý của Tổng thống Trump và các luật sư độc lập ở nhiều bang đã đệ đơn cáo buộc gian lận bầu cử, một số bang cũng đã gửi cho Quốc hội Mỹ danh sách thành viên cử tri đoàn thay thế.

Không chỉ thế, các đảng viên Cộng hòa ở Pennsylvania và Arizona đã yêu cầu Quốc hội Mỹ không chấp nhận các lá phiếu chứng nhận có chữ ký của Bộ trưởng Nội vụ bang vì chúng có thể đại diện cho kết quả bầu cử sai lệch.

Luật sư Raiklin cho rằng Phó Tổng thống Pence có quyền yêu cầu các bang này gửi bản chứng nhận cử tri đoàn chính thức khác ngay trước ngày 6/1. “Ông Pence có thể buộc cơ quan lập pháp tiểu bang rút lại quyền hiến định của họ, tổ chức cuộc họp và tự chỉ định phiếu cử tri đoàn, bởi vì Tòa án Tối cao Liên bang đã không giải quyết vấn đề này”, luật sư này cho biết.

Theo ông Raiklin, nếu ông Pence từ chối chứng nhận kết quả của các bang có vấn đề, thì Hiến pháp cho phép loại bỏ phiếu đại cử tri ở những bang này. Trong trường hợp này thì TT. Trump sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với tỷ lệ phiếu cử tri đoàn 232: 227. Không có vấn đề gì về việc kích hoạt một cuộc bầu cử dự phòng.

Mặc dù nhiều học giả pháp lý chỉ ra vấn đề không rõ ràng về cách thức chấp nhận phiếu bầu của Đại cử tri đoàn, nhưng các kênh truyền thông lớn cũng khẳng định ông Biden đã giành được đa số phiếu đại cử tri vào ngày 14/12 và sẽ được chốt vào ngày 20/1. Nhưng ông Raiklin cho biết, ông có thể thách thức bất kỳ luật sư nào để xác minh sự thật này. “Nếu ai có phân tích pháp lý khác, hãy chứng minh điều đó”, ông cho hay.

Trong trường hợp Hạ viện và Thượng viện bế tắc về việc liệu có nên loại bỏ số phiếu đại cử tri tại các bang chiến trường hay không, Phó Tổng thống Pence có quyền ra quyết định không chấp nhận số phiếu đó và tiếp theo Đảng Cộng hòa thúc đẩy một cuộc bầu cử dự phòng thì chiến thắng của TT. Trump phụ thuộc kết quả cuộc bầu cử này.

Nếu không có ứng cử viên nào được 270 phiếu, như vậy khả năng chiến thắng trong cuộc bầu cử dự phòng của TT.Trump khá cao, vì khi đó Hạ viện sẽ bỏ phiếu theo hình thức mỗi bang một phiếu.

TT. Trump và các đảng viên Cộng hòa tại Thượng viện và Hạ viện đã chuẩn bị cho thách thức liên quan về Cử tri đoàn vào ngày 6/1, khi đó có khả năng dẫn đến cuộc bầu cử dự phòng. Ông Raiklin cho biết điều này sẽ giúp nước Mỹ tránh khỏi những rủi ro gần như khó lường.

Trước đó, hai chuyên gia luật John Yoo và Robert J. Delahunty trong một bài viết trên “The American Mind” từ hồi tháng Mười đã đưa ra nhận định rằng Phó Tổng thống Mike Pence có thể chiếu theo Tu chính án 12, Hiến pháp Hoa Kỳ để bác bỏ các đại cử tri còn gây tranh cãi và mở đường cho Hạ viện bỏ phiếu chọn người đứng đầu Tòa Bạch Ốc.

Trong bài viết ngày 19/10, ông John Yoo – giáo sư luật tại Đại học California-Berkeley và ông Robert J. Delahunty – giáo sư luật tại Đại học St. Thomas, lập luận rằng ông Mike Pence – chủ tọa của phiên họp quốc hội hỗn hợp về đại cử tri – có thể từ chối “kiểm đếm” các phiếu bầu đại cử tri của các các bang còn đang tranh cãi về bầu cử.

Hai học giả luật cho rằng mặc dù Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri 1887 dường như tạo ra “các bến cảng an toàn” cho báo cáo về các phiếu Cử tri Đoàn của các tiểu bang, nhưng đạo luật này chính bản thân nó có thể là vi hiến, bởi vì theo Tu chính án 12, “Chủ tịch Thượng viện [tức Phó Tổng thống], sẽ thay mặt cho các đại biểu của Thượng viện và Hạ viện, mở tất cả các bản chứng nhận phiếu đại cử tri của các bang và các phiếu bầu này sau đó sẽ được kiểm đếm”.

Hai ông Yoo và Delahunty nói rằng: “không rõ là ai sẽ ‘kiểm đếm’ các lá phiếu đại cử tri và tính hợp lệ của các lá phiếu này sẽ được xác nhận như thế nào. Nhiều thập kỷ qua, các nhà chính trị và học giả pháp lý đã đưa ra những câu trả lời khác nhau về những câu hỏi mang tính hiến pháp này. Chúng tôi cho rằng vai trò của Phó Tổng thống không chỉ đơn thuần là người mở các lá phiếu và sau đó đưa chúng cho ai đó kiểm đếm. Mặc dù Tu chính án 12 mô tả việc kiểm đếm ở thể bị động, nhưng cách diễn đạt này có vẻ như vạch ra một tiến trình đơn lẻ và liên tục, trong đó Phó Tổng thống vừa mở phiếu, vừa đồng thời đếm phiếu”.

Việc kiểm tra lỗi hay gian lận trong khi kiểm phiếu là những hành động mà Phó Tổng thống thực hiện công khai “thay mặt” cho Quốc hội, ông Yoo và ông Delahunty viết, và nếu việc “kiểm đếm” các lá phiếu đại cử tri là trách nhiệm của Phó Tổng thống, “thì trách nhiệm không thể tách rời với điều đó – việc xác nhận tính hợp lệ của các lá phiếu này – cũng phải thuộc về Phó Tổng thống. Nếu cách hiểu này là đúng, thì Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri là vi hiến. Quốc hội không thể sử dụng đạo luật này để chỉ đạo cách thức mà nhánh hành pháp hay tư pháp phải thực hiện trách nhiệm riêng biệt của họ: Chẳng hạn, Quốc hội không thể bắt buộc các thượng viện tương lai nên thực hiện một phiên luận tội như thế nào. Tương tự, chúng tôi nghĩ cách hiểu đúng hơn cả là Phó Tổng thống sẽ quyết định các danh sách cử tri đoàn cạnh tranh do các nhà lập pháp và các thống đốc lựa chọn hoặc quyết định liệu có kiểm đếm các phiếu bầu vẫn còn đang liên quan đến việc kiện tụng hay không”.

Trong kịch bản này, chẳng hạn, khi đếm đến các đại cử tri của bang Pennsylvania, ông Pence có thể lựa chọn “đếm” danh sách đại cử tri do cơ quan lập pháp do Đảng Cộng hòa kiểm soát gửi lên, chứ không đếm danh sách đại cử tri do Thống đốc Tom Wolf của Đảng Dân chủ chọn.

Trao đổi với người dẫn chương trình radio John Batchelor vào ngày 24/10, ông Yoo cho hay: “Theo quan điểm của tôi, Phó Tổng thống Pence khi mở các lá phiếu và đếm chúng, ông ta sẽ quyết định lá phiếu nào là hợp lệ và lá phiếu nào là không hợp lệ”.

Trí Đạt

Xem thêm: