Ngày 22/3 vừa qua, bên lề khóa họp lần thứ 49 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, một cuộc họp với sự góp mặt của các chính trị gia, luật sư, bác sĩ, học giả và nhà hoạt động trong các tổ chức phi chính phủ tới từ 11 quốc gia đã được tổ chức. Cuộc họp với chủ đề “Tình trạng vi phạm nhân quyền leo thang trong thế kỷ 21: Cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ người sống do nhà nước hậu thuẫn” (Escalation of Human Rights Violations in the 21st century: State-sponsored Forced Organ Harvesting of Living People) đã thảo luận để tìm kiếm giải pháp nhằm ngăn chặn tội ác thu hoạch nội tạng đang xảy ra tại Trung Quốc, do Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn.

Cuộc họp có sự góp mặt của Dân biểu Hoa Kỳ Steve Chabot; thành viên thuộc Tiểu ban Nhân quyền Nghị viện Châu Âu Peter van Dalen; thành viên Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng Bỉ Annick Ponthier; thành viên Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Đài Loan và Ủy viên Giám sát Điền Thu Cẩn; Chủ tịch Tổ chức Tự do tín ngưỡng CAP Thierry Valle; luật sư nhân quyền David Matas; chủ tịch Ủy ban “Tuyên ngôn thế giới về chống và ngăn chặn thu hoạch nội tạng” Theresa Chu… cùng nhiều chuyên gia khác.

Các thành viên tham gia đã thảo luận để thúc đẩy một dự luật nhằm tạo ra “mạng lưới trừng phạt quốc tế” để chống lại “hành động tàn bạo ác độc chưa từng có” do chế độ cộng sản Bắc Kinh thực hiện. Dự luật này sẽ hình sự hóa bất kỳ ai tham gia vào hoạt động cưỡng bức lấy nội tạng, bao gồm: lấy nội tạng của người khác trái với ý muốn của họ; lưu trữ hoặc vận chuyển các cơ quan nội tạng đó; vận hành các cơ sở để tổ chức phẫu thuật cấy ghép các nội tạng đó; tiếp nhận nội tạng đó; hoặc quảng cáo, tài trợ, môi giới, hay kiếm lợi từ những hành vi này.

Theo luật sư nhân quyền Đài Loan Theresa Chu, biện pháp này được đề xuất với mục đích cấp bách nhằm ngăn chặn tình trạng thu hoạch tạng ở cấp quốc gia, khi trong nhiều năm, các cơ quan quốc tế đã làm rất ít để giải quyết vấn nạn này. Bà Theresa Chu cho biết các nạn nhân chính của tội ác cưỡng bức thu hoạch tạng do Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn là người tập Pháp Luân Công. Những người theo tập phương pháp thực hành tâm linh này đã bị đàn áp tại Trung Quốc kể từ năm 1999. Bà Theresa Chu cho biết bà đã bảo vệ các nạn nhân là người tập Pháp Luân Công trong khoảng 20 năm.

Luật sư Theresa Chu cũng là người trải nghiệm trực tiếp sự “im lặng” của các cơ quan quốc tế trước tội ác thu hoạch nội tạng. Vào gần 10 năm trước, bà đã gặp gỡ các quan chức Liên Hợp Quốc để trình bày bản kiến ​​nghị có chữ ký của khoảng 1,5 triệu người từ 53 quốc gia và khu vực, kêu gọi Liên Hợp Quốc lên án nạn thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc. Trong cuộc họp, bà Chu đã trình bày với các quan chức Liên Hợp Quốc về hệ thống “trại tử thần” “trại tập trung bí mật” nơi các tù nhân Pháp Luân Công bị “giết hại bằng cách cưỡng bức thu hoạch nội tạng”. Bà cũng cho biết những trại tập trung này tồn tại ở hầu hết mọi thành phố trên khắp Trung Quốc và nhắc nhở các quan chức về trách nhiệm điều tra và xác định vị trí các trại này.

Bên lề khóa họp LHQ: Thúc đẩy hình sự hóa tội ác thu hoạch tạng
Luật sư nhân quyền Đài Loan Theresa Chu. (Ảnh: Epoch Times)

“Các quan chức không nghi ngờ về nguồn gốc của các cáo buộc về ‘trại tử thần’. Họ chú ý lắng nghe buồn bã, ghi chép, nhưng không phản hồi”, bà Chu kể lại trong cuộc họp vào ngày 22/3.

Liên Hợp Quốc đã không hề lên án tội ác này kể từ đó. Mãi đến năm ngoái, các chuyên gia nhân quyền có liên quan đến tổ chức này mới bày tỏ mối quan tâm của họ đối với những cáo buộc “đáng tin cậy” về việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng (Xem bài: Các chuyên gia LHQ báo động tình trạng cưỡng bức mổ cướp nội tạng đang diễn ra ở TQ), nhưng đây không phải là một lên án chính thức từ Liên Hợp Quốc. Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc từng nêu vấn đề này với chính quyền Trung Quốc vào năm 2007, nhưng sau khi không nhận được phản hồi minh bạch, hội đồng này cũng không thực hiện bất kể bước tiến đáng kể nào.

Luật sư Theresa Chu bày tỏ, trước sự “thờ ơ và không hành động” của cơ chế tài phán quốc tế, “mỗi người có lương tâm cần thực hiện bất kỳ biện pháp dân chủ và hợp pháp nào” để ngăn chặn hành vi thu hoạch nội tạng tàn bạo.

Các nhà lập pháp tới từ Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan và Đài Loan đã đồng ý tại hội thảo rằng vấn đề thu hoạch nội tạng nhận được quá ít sự chú ý.

“Hành động đê hèn này cho phép Trung Quốc duy trì một chế độ gần như là ‘ghép tạng theo nhu cầu’”, Hạ nghị sĩ Hoa Kỳ Steve Chabot nói. Ông mô tả đây là “một trong những hành động man rợ nhất trong lịch sử loài người.”

Bên lề khóa họp LHQ: Thúc đẩy hình sự hóa tội ác thu hoạch tạng
Hạ nghị sĩ Steve Chabot. (Ảnh: Public Domain)

Peter van Dalen, thành viên Ủy ban Nhân quyền Nghị viện Châu Âu, cho biết ông muốn vấn đề “thu hoạch nội tạng bất hợp pháp” trở thành vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh Châu Âu và Trung Quốc vào ngày 1/4 sắp tới. Hội nghị này vốn được tổ chức để thảo luận về thỏa thuận thương mại bị đình trệ do lo ngại về hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh.

Thu day hinh su hoa toi thu hoach tang 03
Peter van Dalen, thành viên Ủy ban Nhân quyền Nghị viện Châu Âu. (Ảnh: Tjeerd Olie, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Tiến sĩ Torsten Trey, giám đốc điều hành của tổ chức Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng DAFOH, nhận xét trong khi quốc tế phẫn nộ về hành vi của Nga đối với Ukraine, chúng ta cũng cần phải lưu ý về số nạn nhân bị giết để lấy nội tạng trong hơn 23 năm qua tại Trung Quốc. “Tất cả mọi người đều thực sự sốc khi theo dõi thảm kịch và thiệt hại về nhân mạng ở Ukraine, nhưng chúng ta sẽ phản ứng như thế nào nếu nhìn thấy tất cả hàng trăm nghìn người bị thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc trên mạng xã hội và TV?”

Ông Trey cho rằng đứng trước hành vi này, “im lặng không phải là trung lập. Im lặng có nghĩa là một người đã quyết định không chủ động lựa chọn điều thiện lương.”

Thu day hinh su hoa toi thu hoach tang 02
Tiến sĩ Torsten Trey. (Ảnh: Epoch Times)

Được biết trong thời gian diễn ra cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2021, 5 tổ chức phi chính phủ ở Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Á, bao gồm tổ chức “Tự do tín ngưỡng CAP” (CAP Freedom of Conscience), “Hiệp hội Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng” (DAFOH), “Ủy ban Xem xét Du lịch Cấy ghép Tạng” (TTRA), “Hiệp hội Đạo đức Cấy ghép Nội tạng” (KAEOT) và “Hiệp hội Chăm sóc Quốc tế cho Cấy ghép Tạng” (TAICOT) đã đồng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Chống Thu hoạch Nội tạng trong 6 lĩnh vực ở 19 quốc gia và công bố “Tuyên ngôn thế giới về chống và ngăn chặn thu hoạch nội tạng sống”. (Xem chuyên đề: Hội nghị thượng đỉnh chống nạn cưỡng bức thu hoạch tạng)

Theo The Epoch Times tiếng Anh
Xem lại toàn bộ cuộc họp tại đây.
Minh Nhật biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: