Cuối tháng 12 vừa qua, ông Benedict Rogers, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo thủ Anh, nhà sáng lập tổ chức phi chính phủ Hong Kong Watch, đã gửi một lá thư ngỏ tới Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình, nêu ra các yêu cầu về nhân quyền đối với chế độ cộng sản Trung Quốc. Đồng thời, ông Rogers cũng tuyệt thực trong vòng 24 giờ vào đêm Giáng Sinh để kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý đến các tù nhân lương tâm và những người bị bức hại trên khắp Trung Quốc.

Benedict Rogers: Thảm kịch nhân quyền TQ khiến "tâm hồn và lương tâm thao thức mỗi đêm"
Ông Benedict Rogers. (Ảnh qua China Tribunal)

Nhà hoạt động nhân quyền người Anh lúc đầu đã dự định tổ chức một hoạt động nâng cao nhận thức trong một cái lồng trong 12 giờ bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở London vào đêm Giáng Sinh. Tuy nhiên, vì những hạn chế mới ban hành do dịch virus Trung Cộng (COVID-19) ở London, ông Rogers đã hoãn kế hoạch này. Thay vào đó, ông Rogers đã tuyệt thực vào đêm Giáng Sinh và công bố một bức thư ngỏ.

Trong bức thư ngỏ gửi ông Tập Cận Bình cùng “tất cả những con người đang phải chịu sự thống trị đàn áp của ĐCSTQ”, Benedict Rogers nêu ra 12 yêu cầu đối với chế độ và đối với cả cộng đồng quốc tế.

12 yêu cầu của ông Rogers tập trung vào một loạt các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc:

  1. Trả lại tự do cho Hồng Kông và các tù nhân chính trị Hồng Kông, đặc biệt là Jimmy Lai, Joshua Wong, Anges Chow, Ivan Lam và 12 thanh niên Hồng Kông bị giam giữ tại Thẩm Quyến.
  2. Chấm dứt việc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ.
  3. Chấm dứt sự tàn bạo ở Tây Tạng.
  4. Chấm dứt việc bức hại Kitô giáo và Pháp Luân Công tại Trung Quốc.
  5. Chấm dứt việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
  6. Trả tự do cho Gui Minhai, một Hoa kiều quốc tịch Thụy Điển bị bắt cóc ở Thái Lan và bị án tù 10 năm tại Trung Quốc.
  7. Trả tự do cho Michael Kovrig và Michael Spavor, hai con tin người Canada đang bị giam giữ tại Trung Quốc.
  8. Trả tự do cho Li Ming Che, một nhà hoạt động nhân quyền Đài Loan đang bị giam giữ tại Trung Quốc.
  9. Chấm dứt lao động khổ sai tại các chuỗi cung ứng toàn cầu và “Nói không với thương mại diệt chủng” (#NoGenocideTrade).
  10. Chấm dứt hành vi tra tấn tại Trung Quốc.
  11. Gửi tới thế giới tự do – chấm dứt việc sách nhiễu của Trung Cộng [khi có quốc gia nào dám lên tiếng về vấn đề nhân quyền Trung Quốc].
  12. Gửi tới thế giới tự do – mua rượu của Úc [vì Trung Cộng tuyên bố ngưng nhập rượu Úc sau khi Úc lên tiếng về Trung Cộng] và đứng lên phản đối sự sách nhiễu của Trung Cộng.

Ông Rogers chia sẻ:

“Tôi không thể ở bên mẹ vào Giáng Sinh này do đại dịch. Nhưng có rất nhiều người trên khắp Trung Quốc bị chia cắt khỏi gia đình và những người thân yêu của họ vì sự đàn áp vô nhân đạo của ĐCSTQ.”

“Giáng Sinh năm nay, có những người đang bị giam giữ trong tù ở Hồng Kông và trên khắp Trung Quốc, những người không thể ở bên cha mẹ, vợ chồng, người thân và bạn bè của họ – và tệ hơn, họ đang sống trong điều kiện tồi tệ và bị tra tấn về thể xác lẫn tinh thần, và bị cưỡng ép trở thành nô lệ. Là một người có lương tri, tôi không thể tận hưởng lễ Giáng Sinh mà không nhớ đến những người anh chị em bất đồng chính kiến Hồng Kông, Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, Kitô giáo, Pháp Luân Công và những người bất đồng chính kiến.”

“Điều nhỏ bé tôi có thể làm là hy sinh vài giờ trong đêm Giáng Sinh của mình trong một cử chỉ biểu tượng cho tình đoàn kết và kêu gọi thế giới lên tiếng cho họ, kêu gọi thế giới đối đầu với những vi phạm nhân quyền tàn bạo của chế độ Trung Quốc. Tôi hy vọng những người khác sẽ tham gia cùng tôi trên khắp thế giới, ít nhất là trên phương diện tinh thần, cho những yêu cầu của tôi.”

Trong bức thư ngỏ, ông Rogers nói rằng mục đích của hành động này là “để người dân Trung Quốc – và đặc biệt là những người bị chế độ giam cầm – biết rằng họ không bị lãng quên và không đơn độc. Và khi họ ngồi trong phòng giam hoặc trại tập trung ở những nơi khác nhau trên khắp Trung Quốc vào đêm Giáng Sinh này, tôi hy vọng họ có thể biết rằng có những người trong thế giới tự do đang gọi tên họ, kêu gọi thả họ, đảm bảo rằng thế giới sẽ không bỏ qua những lời kêu gọi của họ”.

“Ngoài tất cả các tù nhân lương tâm trên khắp Trung Quốc, còn có những thảm kịch lớn khiến tâm hồn và lương tâm của tôi thao thức mỗi đêm: cuộc diệt chủng của người Duy Ngô Nhĩ, sự tàn bạo ở Tây Tạng, cuộc đàn áp người theo Kitô giáo, người tập Pháp Luân Công và các tôn giáo khác, sự đàn áp xã hội dân sự, luật sư, blogger, nhà báo, những người tố giác và bất đồng chính kiến, những lời hứa bị phá vỡ, tự do bị phá vỡ ở Hồng Kông, cưỡng bức thu hoạch nội tạng dã man, tra tấn và lao động nô lệ. Những điều này phải chấm dứt.”

Benedict Rogers vốn là một người gắn bó với Trung Quốc từ năm 18 tuổi, dạy học ở Bắc Kinh, làm đồ án tốt nghiệp về tín ngưỡng ở Trung Quốc, và trở thành nhà báo lâu năm ở Hồng Kông. Ông đã bị Bắc Kinh cấm thị thực vào năm 2017, và hai tháng sau đó quyết định cùng sáng lập tổ chức phi chính phủ Hong Kong Watch nhằm theo dõi tình hình nhân quyền tại Hồng Kông.

Trong nhiều năm, Benedict Rogers đã cố gắng cảnh báo các nhà hoạch định chính sách Anh quốc về tình hình nhân quyền tồi tệ ở Trung Quốc. “Tôi cảm thấy gần như là một tiếng nói cô độc, là tiếng kêu khóc nếu không mất tích nơi sa mạc thì chắc chắn là bị lãng quên bên lề”, ông viết. “Những kẻ đề xướng về cái gọi là ‘Kỷ nguyên Vàng’ của mối quan hệ Trung-Anh đã khiến tôi phát cáu. Tuy nhiên, bây giờ thế giới đang thức tỉnh và nhận ra thực tế rằng ĐCSTQ không chỉ là mối nguy hiểm đối với chính người dân Trung Quốc mà còn đối với tất cả chúng ta.”

Theo UCANews
Minh Nhật biên tập

Xem thêm: Benedict Rogers: Đã đến lúc tính sổ tội ác thu hoạch tạng

Mời xem video: