Theo CNN đưa tin, ngày 12/9 một gia đình 4 người Ý đến du lịch tại Naples đã không may bị tai nạn rơi xuống miệng núi lửa và 3 người đã thiệt mạng.

nuilua 111
Lực lượng cứu hộ tại hiện trường vụ tai nạn (Ảnh chụp màn hình Youtube)

Gia đình có 4 thành viên sống tại Turin, Italy này đã đến Naples du lịch và đi leo núi. Cậu con trai 11 đột nhiên vượt qua hàng rào chắn đi vào vùng nguy hiểm của Solfatara di Pozzuoli, một trong 40 thành viên của siêu núi lửa Campi Flegrei ở phía tây Naples. Do hít phải khí độc từ những khe hở quanh đó bốc lên, cậu bé đã bị ngộ độc, ngất xỉu và ngã xuống đất.

Cha cậu bé 45 tuổi và người mẹ 42 tuổi đã nhanh chóng chạy tới khu vực cấm để cứu con trai mình. Đúng lúc ấy, mặt đất đột ngột sụt xuống và hở ra một miệng núi lửa. Cả ba người đã không may rơi xuống đó.

nuilua 2
Một gia đình ba người không may bị thiệt mạng (Ảnh chụp màn hình Youtube)

Cậu con trai út ở phía sau hàng rào chắn nhìn thấy cha mẹ và anh trai rơi xuống hố vô cùng sợ hãi, khóc to và kêu cứu các vị khách du lịch khác. Tuy nhiên, do vụ tai nạn xảy ra trong khu vực cấm nên họ cũng không dám vào, phải báo cho cảnh sát đến cứu hộ. Khi lực lượng cứu hộ đưa được 3 người này ra khỏi miệng núi lửa có đường kính 3m, họ đều đã thiệt mạng.

Ông Luca Cari, phát ngôn viên của lực lượng cứu hộ quốc gia cho hay: “Hoặc là đã có một vụ nổ nhỏ, hoặc đơn giản là trọng lượng của những người này khiến mặt đất bị sụt, và họ ngã xuống hố.” Ba nạn nhân này tử vong có thể do ngạt thở hoặc do khí nóng bốc lên từ mặt đất.

nuilua 3
Khí nóng bốc lên từ miệng núi lửa (Ảnh chụp màn hình Youtube)

Solfatara là một trong nhiều miệng núi lửa ở khu vực Campi Flegrei cách Naples 20 km về phía tây, mở cửa cho khách du lịch tham quan từ năm 1900. Tai nạn trên xảy ra ở Bocca Grande (Big Mouth), lỗ phun khí lớn nhất tại khu vực, nơi người La Mã cổ đại gọi là nhà của thần lửa. Solfatara sau lần bùng nổ gần đây nhất vào năm 1198, cho đến nay vẫn là một miệng núi lửa cạn. Mặt đất ở khu vực này phát ra hơi nước nóng tới 160 độ C và các loại khí độc như Hydrogen sulfide (H2S).

Rất nhiều khách du lịch từng đến tham quan các khu vực lân cận núi lửa, và cũng nhiều cư dân sống ở đây suốt hơn 40 năm nhưng chưa từng có một bi kịch nào như vậy xảy ra. Một công nhân địa phương làm việc gần đó, anh Diego Vitagliano kể lại: “Tôi nhìn thấy một đứa trẻ vừa chạy vừa khóc. Tôi không nghĩ rằng đó là lúc mình chứng kiến thảm kịch tồi tệ nhất trong cuộc đời.”

Minh Ngọc

Xem thêm: