Fox News, căn cứ theo các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ ImageSat International nhận định rằng đầu tháng Sáu này Trung Quốc đã loại bỏ hệ thống tên lửa đất đối không khỏi đảo Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa, trên biển Đông.

ten lua Trung Quoc 2
So sánh hình ảnh vệ tinh chụp hôm 20/5 và 3/6 cho thấy hệ thống tên lửa đã được loại bỏ. (Ảnh qua ImageSat International)

Trước đó, vào 20/5, Fox News đã phân tích các hình ảnh vệ tinh và loan báo rằng Trung Quốc đã lắp đặt hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không tại đảo Phú Lâm mà họ chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa, biển Đông.

Các hình ảnh vệ tinh từ ImageSat International hôm 20/5 cho thấy xuất hiện hai hệ thống phóng tên lửa mới ở phía bắc của một hòn đảo Trung Quốc đang kiểm soát. Vị trí của hệ thống tên lửa có thể là HQ-9 được phủ bằng lưới ngụy trang nằm gần sát cạnh một hệ thống radar đã được chế độ Bắc Kinh lắp đặt từ trước.

Sau khi xác thực thông tin, phía Mỹ đã lập tức phản ứng bằng việc hủy bỏ lời mời Trung Quốc tham gia tập trận hải quân đa phương trên Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018.  Hải quân Trung Quốc từng tham gia tập trận RIMPAC hai lần gần nhất vào các năm 2014 và 2016.

Theo Fox News, những hình ảnh vệ tinh chụp hôm Chủ Nhật (3/6) cho thấy hệ thống tên lửa HQ-9 và các lưới ngụy trang đã được dỡ bỏ.

Chưa rõ liệu đó có phải là hoạt động tập trận tạm thời của Trung Quốc và họ đã loại bỏ tên lửa khi tập trận xong hay động thái này của chế độ Bắc Kinh là do trực tiếp chịu sức ép từ Mỹ khi Washington nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc quân sự hóa các đảo trên biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã nói rằng quyết định của chính phủ Trump trong việc hủy lời mời Trung Quốc tham gia tập trận RIMPAC 2018 trong hè này là “đáp trả ban đầu” trước các hoạt động của Bắc Kinh trên biển Đông. Tướng Mattis đã gọi hành động này của Mỹ là “hậu quả tương đối nhỏ”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt nghiêm khắc hơn trong tương lai.

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Singapore hôm thứ Bảy (2/6), Bộ trưởng Mattis cho hay: “Bất chấp những tuyên bố của Trung Quốc là trái ngược, thì việc lắp đặt các hệ thống vũ khí này là hướng trực tiếp tới nhu cầu quân sự nhằm mục đích đe dọa và áp bức”.

Trước đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Christopher Logan khẳng định: “Chúng tôi có bằng chứng rõ ràng rằng Trung Quốc đã triển khai các tên lửa chống hạm, hệ thống tên lửa đất đối không (SAM), và các thiết bị làm nhiễu điện tử đến các đảo tranh chấp trong khu vực đảo tranh chấp trên biển Đông”.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng hành động khiêu khích nêu trên của Trung Quốc làm dấy lên căng thẳng trên biển Đông sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết với Tổng thống Donald Trump về việc không quân sự hóa các đảo tranh chấp.

Cũng trong tháng Năm, theo CNN, Trung Quốc đã cho triển khai oanh tạc cơ H-6K diễn tập cất, hạ cánh từ đảo Phú Lâm, Hoàng Sa và ném bom vào các mục tiêu giả định trên biển.

Phía Mỹ, ngoài việc hủy lời mời Trung Quốc tham gia tập trận RIMPAC 2018, cũng tăng cường tuần tra biển Đông. Hôm Chủ Nhật (27/5), hai tàu chiến Mỹ đã thực hiện hoạt động “tự do hàng hải” trên biển Đông, gần các đảo do Trung Quốc kiểm soát tại Hoàng Sa. Chế độ Bắc Kinh, yêu sách hầu hết biển Đông, đã phát đi tuyên bố Mỹ đi vào lãnh hải Trung Quốc mà không xin phép.

Chúng tôi thực hiện Hoạt động Tự do Hàng hải theo thông lệ và thường xuyên như chúng tôi đã làm trong quá khứ và sẽ tiếp tục tiến hành trong tương lai”, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Chris Logan tuyên bố.

Ngoài ra, hôm 31/5, một tướng lĩnh cao cấp của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã lên tiếng cảnh báo về khả năng phá hủy các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trên biển Đông.

CNN cho biết trong một cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc hôm 31/5, khi được một phóng viên hỏi về khả năng của Mỹ trong việc “thổi bay” một trong các đảo nhân tạo gây tranh cãi của Trung Quốc, Tướng ba sao Kenneth McKenzie, giám đốc Bộ Tổng tham mưu liên quân Mỹ trả lời: “Tôi chỉ muốn nói với bạn rằng quân đội Mỹ đã có nhiều kinh nghiệm trong việc phá hủy các hòn đảo nhỏ ở Tây Thái Bình Dương”.

CNN nhận định những phát ngôn nêu trên của Tướng McKenzie rất có sức nặng vì ông là một trong những sĩ quan cao cấp nhất tại Bộ Quốc phòng Mỹ. Với vài trò giám đốc Bộ Tổng tham mưu liên quân Mỹ, Tướng ba sao McKenzie là phụ tá cao cấp cho Tổng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng bốn sao Joseph Dunford. Tướng McKenzie thường xuyên tham gia các cuộc họp quan trọng với cả Tướng Dunford và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Tướng McKenzie đã nói rõ rằng quân đội Mỹ đã “chuẩn bị” để “bảo vệ lợi ích của Mỹ và các đồng minh trong khu vực”.

Tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cũng khẳng định: “Chắc chắn rằng: Mỹ là ở đây tại Ấn Độ – Thái Bình Dương. Đây là khu vực ưu tiên của chúng tôi”.

Tân Bình (T/h)

Xem thêm: