Ngày 23/2, ông Joe Biden và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã công bố lộ trình cho mối quan hệ hợp tác Hoa Kỳ-Canada, trong đó cam kết chống “nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống”, biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19, nhưng bỏ qua vấn đề về dự án đường ống Keystone XL.

Embed from Getty Images

Trong phần mở đầu, hai nhà lãnh đạo tuyên bố: “Lộ trình cho mối quan hệ hợp tác đổi mới giữa Mỹ-Canada được công bố hôm nay thiết lập một kế hoạch chi tiết cho nỗ lực đầy tham vọng và của cả hai chính phủ nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 cũng như ủng hộ sự thịnh vượng chung của chúng ta. Nó tạo dựng quan hệ đối tác về biến đổi khí hậu, thúc đẩy an ninh y tế toàn cầu, thúc đẩy hợp tác về quốc phòng và an ninh, đồng thời tái khẳng định cam kết chung về sự đa dạng, bình đẳng và công bằng.”

Phần đầu lộ trình ưu tiên cho việc ứng phó với đại dịch COVID-19, nhất trí tăng cường các nỗ lực toàn diện và liên ngành nhằm kiểm soát đại dịch, hợp tác trong các biện pháp ứng phó về sức khỏe cộng đồng và ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai.

Hai quốc gia cũng cam kết “tiến hành các phương thức phối hợp dựa trên các tiêu chí khoa học và sức khỏe cộng đồng khi xem xét các biện pháp nhằm giảm bớt các hạn chế tại khu vực biên giới Canada-Mỹ trong tương lai”.

Bản lộ trình còn đề cập đến lĩnh vực năng lượng, nhưng đặt trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu, đã cam kết “tăng cường hợp tác về chuyển đổi năng lượng bền vững và công bằng, đổi mới năng lượng sạch, và giao thông vận tải phát thải các-bon thấp”.

Một điểm đáng chú ý nữa trong lộ trình là sự “phối hợp hợp tác giữa Hoa Kỳ và Canada nhằm gia tăng tham vọng phù hợp với Thỏa thuận Paris và các mục tiêu khác.” Lộ trình cũng công nhận “những lợi ích kinh tế và an ninh năng lượng quan trọng của mối quan hệ năng lượng song phương, cũng như cơ sở hạ tầng đã được tích hợp sẵn.” Nhưng đáng chú ý là nó không hề đề cập đến việc ông Biden hủy bỏ giấy phép dự án xây dựng Keystone XL, đường ống dẫn dầu từ Canada đến Mỹ, tạo ra hàng chục nghìn việc làm ở khu vực biên giới của cả 2 quốc gia.

Ngoài ra, bản lộ trình dường như báo hiệu sự đảo ngược chính sách của cựu Tổng thống Donald Trump khi muốn mở Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia Bắc Cực (ANWR) nhằm phát triển dầu khí: “Các nhà lãnh đạo cũng nhận ra tầm quan trọng về mặt sinh thái của Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia Bắc Cực. Đặc biệt, họ đã đồng ý phối hợp cùng nhau để giúp bảo vệ các khu vực sinh sản của đàn tuần lộc Porcupine, loài động vật vốn được coi là vô giá đối với văn hóa và sự sinh tồn của các dân tộc Gwich’in và Inuvialuit.”

Tuần lộc Porcupine thường sinh đẻ ở Khu vực 1002 của ANWR – cũng chính là khu vực có trữ lượng dầu và khí đốt tiềm năng lớn nhất. Các đảng viên Dân chủ đã phản đối sự phát triển công nghiệp ở khu vực này trong nhiều thập kỷ, bất chấp những tiến bộ công nghệ của ngành năng lượng nhằm giảm thiểu tác động môi trường .

Lộ trình cũng cam kết chống ‘phân biệt chủng tộc có hệ thống’ ở cả hai quốc gia: “Thủ tướng Canada và Tổng thống Mỹ đã thảo luận về cam kết chung của họ trong việc giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc có hệ thống, định kiến ​​vô thức, phân biệt đối xử trên cơ sở giới, các rào cản đối với người khuyết tật và toàn bộ các hình thức phân biệt đối xử khác.” Vấn đề cải cách lực lượng cảnh sát cũng được tập trung trong lộ trình này.

Về vấn đề nan ninh, ngoài vấn đề quan hệ với Trung Quốc, lộ trình cũng đề cập đến sự hợp tác chống lại “chủ nghĩa cực đoan bạo lực trong nước” “các nhóm thù địch”. Theo đó, cả hai nước sẽ “cùng bắt tay nhằm đẩy mạnh hỗ trợ việc xây dựng năng lực” ở các quốc  gia Trung Mỹ, cái nôi của đa số người di cư đến Mỹ và Canada.

Minh Ngọc

Xem thêm: