Ngày 1/4, an ninh đã được thắt chặt tại thủ đô Colombo, Sri Lanka sau vụ biểu tình biến thành đụng độ xảy ra đêm trước ở gần nhà riêng của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa.

Reuters dẫn lời một nhân chứng cho biết, hàng trăm người biểu tình đã tụ tập gần tư dinh của Tổng thống Rajapaksa ở ngoại ô Colombo vào cuối ngày thứ Năm và bị cảnh sát dùng hơi cay và vòi rồng trấn áp. Nhiều nguồn tin cho biết ông Rajapaksa không ở trong nhà vào thời điểm đó.

Những người biểu tình, một số đội mũ bảo hiểm xe máy, đã phá dỡ một bức tường và ném gạch đá vào cảnh sát. Một chiếc xe bus đã bị thiêu rụi trên tuyến đường chính dẫn đến nhà riêng của Tổng thống. Một cư dân mạng cho biết, việc phóng hỏa chiếc xe bus được hậu thuẫn bởi cảnh sát như một nỗ lực xúi giục bạo loạn. Cảnh sát Colombo cho biết đã bắt giữ 45 người.

Đảo quốc 22 triệu dân này đang phải vật lộn với tình trạng mất điện tới 13 giờ mỗi ngày vì chính phủ không có đủ ngoại tệ để nhập khẩu nhiên liệu như dầu hay than đá để vận hành nhà máy điện. Sri Lanka đã cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng từ tháng 3/2020 nhằm tích trữ ngoại tệ để trả 51 tỷ USD nợ nước ngoài. Tuy nhiên, việc này lại dẫn đến cảnh thiếu hụt nhiều hàng hóa và khiến giá cả tăng cao.

Chủ nợ lớn nhất của nước này là Trung Quốc.

Dự trữ ngoại hối của Sri Lanka đã giảm 70% sau 2 năm, chỉ còn lại 2,31 tỷ USD tính đến tháng Hai năm nay, buộc chính quyền Tổng thống Rajapaksa phải tìm kiếm sự trợ giúp từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các quốc gia khác, bao gồm cả chủ nợ Trung Quốc.

Theo Reuters, một phát ngôn viên của IMF sẽ bắt đầu thảo luận với các nhà chức trách Sri Lanka về một chương trình cho vay khả thi trong những ngày tới.

Bộ trưởng Bộ Điện lực Pavithra Wanniarachchi nói với các phóng viên rằng, chính phủ sẽ cho tắt đèn đường khắp cả nước để tiết kiệm điện. Điều này giáng thêm vào nỗi đau của người dân, vốn đã phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn các mặt hàng thiết yếu và lạm phát phi mã.

Lạm phát lương thực đạt 30,2% trong tháng 3, tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ qua. Nhiều tờ báo ngừng xuất bản, các kỳ thi bị tạm hoãn do thiếu giấy nhập khẩu. Một số bệnh viện đã thông báo ngừng các cuộc phẫu thuật không khẩn cấp vì không đủ thuốc men và các hóa chất để xét nghiệm.

Bộ trưởng Wanniarachchi cho biết mực nước tại các hồ chứa cung cấp cho các dự án thủy điện đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, và dự kiến việc cắt điện sẽ kéo dài đến tận tháng 5.

“Chúng tôi không thể làm gì khác được”, bà nói.

Theo một số chuyên gia, cuộc khủng hoảng kinh tế của Sri Lanka là kết quả tổng hợp của việc sập bẫy nợ vì tham gia vào sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ, mất đi nguồn thu từ du lịch do tác động của đại dịch Viêm phổi Vũ Hán và khả năng quản lý tài chính yếu kém của chính quyền Rajapaksa.

Vốn dĩ giới chức Sri Lanka cho rằng tình hình dịch bệnh sẽ dần được cải thiện trong năm nay, ngành du lịch sẽ phục hồi và mặt hàng chè có thể bán được; đồng thời dự kiến trong năm nay, ​​ngành du lịch và chè có thể giúp họ thu được hơn 260 triệu USD ngoại hối. Không ngờ cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã giáng đòn mạnh vào hai ngành này.

Phong Vân (t/h)