Làn sóng biểu tình chống phong tỏa ở Trung Quốc không chỉ khơi dậy tinh thần đoàn kết của lưu học sinh, mà còn nhận được sự ủng hộ từ Mỹ, Anh và Liên Hợp Quốc.

Nhà Trắng nói rằng mọi người đều có quyền biểu tình ôn hòa, và người Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Vương quốc Anh kêu gọi Chính phủ Trung Quốc lắng nghe dư luận. Liên Hợp Quốc kêu gọi Bắc Kinh không tùy tiện bắt giữ những người biểu tình ôn hòa, và phải minh bạch trong việc đáp ứng các mối quan tâm của công chúng.

VIDEO: Người Trung Quốc nổi giận, biểu tình lan rộng khắp đất nước

VIDEO: Cuộc biểu tình chấn động Thượng Hải ngày 27 tháng 11

VIDEO: Cảnh sát Trung Quốc bắt phóng viên BBC đưa tin về biểu tình Thượng Hải

Nhà Trắng: Chính sách zero-COVID khó ngăn chặn virus, người Trung Quốc có quyền biểu tình

Hôm thứ Hai (28/11), một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi đã nói rằng zero-COVID không phải là chính sách mà chúng tôi tìm kiếm ở Hoa Kỳ.”

“Như chúng tôi đã nói, chúng tôi tin rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ) sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn chủng virus này với chiến lược zero-COVID của mình.”

“Từ lâu, chúng tôi đã nói rằng ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới, mọi người đều có quyền biểu tình ôn hòa. Điều này bao gồm cả ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”

Anh: Người dân Trung Quốc đang bày tỏ sự bất bình, chính quyền nên lắng nghe tiếng nói của người dân

Hôm thứ Hai (28/11), Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho biết, Chính phủ Trung Quốc nên “chú ý” đến các cuộc biểu tình chống lại “chính sách zero-COVID” nghiêm ngặt của họ, và những hạn chế đối với quyền tự do.

“Tôi nghĩ thế giới nên chú ý đến, Chính phủ Trung Quốc cũng vậy,” ông Cleverly nói.

“Rõ ràng là chính người dân Trung Quốc rất bất mãn với những gì đang xảy ra, và với những hạn chế mà Chính phủ Trung Quốc áp đặt lên họ.”

“Đây là tiếng nói của người dân Trung Quốc với chính phủ của họ. Tôi nghĩ rằng Chính phủ Trung Quốc cần lắng nghe tiếng nói của người dân mới là điều đúng đắn.”

Liên Hiệp Quốc: Không một ai nên bị giam giữ tùy tiện vì các cuộc biểu tình ôn hòa

Hôm thứ Hai (28/11), Liên Hợp Quốc kêu gọi chính quyền Trung Quốc không giam giữ những người biểu tình ôn hòa, khi ĐCSTQ cố gắng ngăn chặn các cuộc biểu tình trên khắp đất nước.

“Chúng tôi kêu gọi chính quyền phản ứng với các cuộc biểu tình phù hợp với luật và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Không một ai nên bị giam giữ tùy tiện vì biểu đạt ôn hòa”, ông Jeremy Laurence, phát ngôn viên của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết.

“Cho phép tranh luận rộng rãi trong toàn xã hội, đặc biệt là với những người trẻ tuổi, có thể giúp định hình các chính sách công, đảm bảo chúng được hiểu rõ hơn và cuối cùng hiệu quả hơn.”

“Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải minh bạch trong việc giải quyết các mối quan tâm của công chúng, và rút kinh nghiệm từ thảm kịch sau vụ hỏa hoạn thương vong đáng tiếc tại một tòa nhà chung cư ở Khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc, nơi phần lớn Tân Cương đã bị áp đặt lệnh phong tỏa zero-COVID nghiêm ngặt kể từ tháng Tám.”

Hiệp hội phóng viên nước ngoài tại Trung Quốc lên án ĐCSTQ cản trở công việc của các nhà báo

Phóng viên Ed Laurence của BBC đã bị cảnh sát ĐCSTQ giam giữ và đánh đập khi anh đưa tin về cuộc biểu tình phản đối “chính sách zero-COVID” ở đường Trung lộ Urumqi, Thượng Hải.

Laurence đã được đưa ra khỏi hiện trường, và bị giữ trong vài giờ trước khi được thả.

“BBC cực kỳ quan ngại về cách đối xử với nhà báo Ed Lawrence, người đã bị bắt và bị còng tay trong khi đang đưa tin về các cuộc biểu tình tại Thượng Hải”, một phát ngôn viên của BBC nói trong một tuyên bố phát đi hôm 27/11.

“Anh ấy đã bị giữ nhiều giờ trước khi được thả ra. Trong khi bị bắt, anh đã bị cảnh sát đấm đá. Điều này xảy ra trong khi anh đang làm việc với tư cách là một nhà báo được công nhận”, vị phát ngôn viên của BBC nói thêm.

Hôm thứ Hai (28/11), người phát ngôn chính thức của Thủ tướng Anh cho biết, tin tức về vụ đánh đập một nhà báo BBC ở Trung Quốc là “gây sốc và không thể chấp nhận được”.

Người phát ngôn nhấn mạnh rằng các nhà báo phải có khả năng làm việc trong một môi trường “không sợ bị đe dọa”.

Hiệp hội phóng viên nước ngoài tại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố: “Các nhà báo từ các cơ quan truyền thông khác nhau đã bị cảnh sát quấy rối khi đưa tin về các cuộc biểu tình (ở Trung Quốc), ít nhất 2 nhà báo đã bị giam giữ”.

Hiệp hội Nhà báo cũng cho biết họ “rất thất vọng và buồn bã” với những trở ngại ngày càng tăng mà các nhà báo nước ngoài đang phải đối mặt, khi đưa tin ở Trung Quốc và sự hung hăng của cảnh sát đối với họ.

“Trong một vụ việc đặc biệt gây sốc, một nhà báo người Anh đã bị nhiều cảnh sát vật xuống đất và dẫn đi.”

Theo luật pháp Trung Quốc, các nhà báo nước ngoài “có quyền đưa tin không hạn chế ở Trung Quốc”, Hiệp hội Nhà báo lưu ý.

Tối ngày 27/11, rất nhiều người Anh gốc Hoa (bao gồm cả du học sinh Trung Quốc) đứng trước Đại sứ quán của ĐCSTQ ở London phản đối chính sách zero-COVID hà khắc, và tưởng niệm các nạn nhân của vụ hỏa hoạn ở Urumqi, Tân Cương. Họ hô vang những khẩu hiệu như “Tập Cận Bình, hãy hạ đài!”, “ĐCSTQ, hãy hạ đài!”

Hòa nhịp vào làn sóng phẫn nộ trên toàn quốc, hơn 50 trường cao đẳng và đại học tại Trung Quốc đã phát động biểu tình phản đối thể chế toàn trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), hưởng ứng “Cách mạng giấy trắng”.

Nói về sự kiện lớn này tại Trung Quốc, giáo sư Feng Chongyi từ Đại học Công nghệ Sydney (Úc) cho hay trên Epoch Times vào ngày 27/11, rằng hoạt động cho thấy điểm khác biệt quan trọng là hiệu ứng dây chuyền chứ không chỉ mang tính đơn lẻ.

Phong trào xuống đường chống lại nhà cầm quyền toàn trị ĐCSTQ có thể cuối cùng đã bắt đầu, phong trào này sẽ sản sinh ra một nhóm anh hùng của thời đại, những người này sẽ thay đổi Trung Quốc. Có thể buổi bình minh của sự chuyển đổi hiến pháp tại Trung Quốc đang mở ra.

Bình Minh (t/h)

VIDEO: Người dân quận Hải Châu phá vỡ phong tỏa, lực lượng phòng dịch lùi bước

VIDEO: Cuộc biểu tình chấn động Thượng Hải ngày 27 tháng 11