Việc binh sĩ Mỹ thiệt mạng ở Afghanistan là kịch bản ác mộng đối với Tổng thống Joe Biden trong bối cảnh ông đang phải chật vật để hoàn thành cuộc di tản người Mỹ khỏi Afghanistan. Có thể nói, ông Biden đã phải chứng kiến một “cơn ác mộng” hôm thứ Năm (26/8) khi các vụ nổ bom liều chết bên ngoài sân bay Kabul khiến ít nhất 13 lính Mỹ thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Embed from Getty Images

Sáng 26/8, vụ tấn công diễn ra đúng thời điểm ông Biden tập trung tại Phòng Tình huống của Nhà Trắng cùng các cố vấn quân sự và ngoại giao hàng đầu của mình để cập nhật về nỗ lực sơ tán sau khi vụ nổ diễn ra bên ngoài sân bay ở thủ đô Afghanistan.

Nhóm cố vấn đã không rời Phòng Tình huống cho đến hơn 2 giờ sau đó. Tiếp theo, ông Biden di chuyển đến Phòng Bầu dục. Và trong bài phát biểu sau đó, ông Biden đã bày tỏ: “Chúng tôi [cảm thấy] bị xúc phạm cũng như rất đau đớn.” Ông Biden dường như phải cố kìm nước mắt và giọng nói của ông lạc đi trong xúc động khi ông đề cập tới “những anh hùng” Mỹ đã tử nạn. “Đây là một ngày khó khăn,” ông nhấn mạnh.

Ông thề sẽ “săn lùng” những kẻ tấn công và gọi những người lính đã chết là “những anh hùng”. “Họ đơn giản là một phần của cái mà tôi gọi là rường cột của nước Mỹ, họ là xương sống của nước Mỹ,” ông Biden nhấn mạnh.

Nhà nước Hồi giáo đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công khiến hàng loạt dân thường thiệt mạng.

Trong khi đó, ông Biden vẫn đang phải đối mặt với những lời chỉ trích về việc sơ tán người Mỹ khi Taliban nhanh chóng tiếp quản Afghanistan, trong bối cảnh lực lượng Mỹ rút lui sau hai thập kỷ. Chỉ vài ngày trước các cuộc tấn công, ông Biden đã gửi đi thông điệp rằng Hoa Kỳ sẽ rời khỏi Afghanistan để đảm bảo an toàn tính mạng cho quân nhân Hoa Kỳ.

Số người chết của quân đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến Afghanistan kể từ năm 2001 là khoảng 2.500 người.

Thương vong của quân đội Mỹ hôm 26/8 là thương vong đầu tiên ở Afghanistan kể từ tháng 2/2020 và có thể coi là ngày chết chóc nhất đối với quân đội Mỹ tại đó trong suốt một thập kỷ.

Nhiều người đã chỉ trích và đổ lỗi cho cuộc sơ tán vội vã, có nguy cơ khiến những người Mỹ đang kẹt lại Afghanistan gặp nguy hiểm. Theo các quan chức Hoa Kỳ, hiện vẫn còn khoảng 1.000 người Mỹ ở Afghanistan.

“Đây là cơn ác mộng mà chúng tôi sợ hãi – và đó là lý do trong nhiều tuần, các nhà lãnh đạo quân đội, tình báo và quốc hội từ cả hai đảng đã cầu xin tổng thống đứng lên chống lại Taliban và đẩy lùi vòng vây sân bay,” Thượng nghị sĩ Cộng hòa Hoa Kỳ Ben Sasse cho hay.

“Khi chúng ta chờ đợi thêm thông tin chi tiết, một điều rõ ràng là: Chúng ta không thể tin tưởng Taliban trong việc đảm bảo an ninh của người Mỹ,” Thượng nghị sĩ Dân chủ Robert Menendez (tiểu bang New Jersey), Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện nhận định.

Ông Biden đã lùi mục tiêu rút quân vào tháng 5 do cựu Tổng thống Donald Trump đề ra sang ngày 31/8. Tuy nhiên, dưới áp lực từ các quan chức Lầu Năm Góc, những người cảnh báo rằng rủi ro an ninh từ các chiến binh Hồi giáo đang gia tăng tại sân bay, ông Biden đã từ chối lùi ngày rút quân xa hơn nữa, bất chấp áp lực từ các quốc gia đồng minh.

Ông Biden thậm chí từng phát biểu rằng Hoa Kỳ từ lâu đã đạt được mục đích ban đầu khi tấn công Afghanistan vào năm 2001: loại bỏ tận gốc các tay súng al-Qaeda và ngăn chặn một cuộc tấn công khác vào Hoa Kỳ giống sự kiện ngày 11/9/2001.

Chủ mưu của cuộc tấn công đó, thủ lĩnh al Qaeda Osama bin Laden, đã bị một nhóm quân đội Mỹ tiêu diệt ở nước láng giềng Pakistan vào năm 2011. Những kẻ cầm quyền Taliban của Afghanistan đã nuôi dưỡng các chiến binh al Qaeda trước khi bị Mỹ lật đổ vào năm 2001.

Một cố vấn giấu tên của ông Biden nói rằng, tổng thống đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn hơn nữa, bao gồm cả sự chia rẽ nội bộ của Đảng Dân chủ đang ngày càng trầm trọng hơn.

Sau khi cựu TT Trump dàn xếp một thỏa thuận hòa bình với Taliban trước khi rời nhiệm sở, ông Biden và đội ngũ của mình vẫn giữ liên lạc thường xuyên với nhóm Taliban nhằm nỗ lực đảm bảo một cuộc di tản suôn sẻ. Nhưng kết quả không khả quan như mong đợi, và hiện cơn ác mộng đã diễn ra.

Minh Ngọc (Theo Reuters)

Xem thêm: