Ngày 3/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có bài phát biểu trong đó nêu rõ mối quan hệ của Hoa Kỳ với chế độ Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden. Ông cũng gọi đây là “thử thách địa chính trị lớn nhất thế kỷ 21”.

Embed from Getty Images

Trong một bài phát biểu tại Bộ Ngoại giao, ông Blinken đã phác thảo chính sách đối ngoại của chính quyền Biden, nhấn mạnh rằng đó là chìa khóa cho cách tiếp cận của chính quyền mới. Ông Blinken nói: “Chúng tôi sẽ đấu tranh cho công việc và quyền lợi của người Mỹ, bảo vệ và ưu tiên lợi ích của tất cả người lao động Mỹ.”

Nói về đối ngoại với các quốc gia, ông Blinken cho biết, thách thức mà chế độ Trung Quốc đặt ra khác với thách thức mà các nước khác như Nga và Triều Tiên đặt ra.

Hai quốc gia hiện vẫn đang có xung đột về ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, các hoạt động kinh tế của Bắc Kinh, Hồng Kông, Đài Loan và vấn nạn nhân quyền ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.

Ông Blinken cho rằng, Trung Quốc là quốc gia duy nhất có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để có thể thực sự thách thức khả năng của Hoa Kỳ trong việc định hình hệ thống “quy tắc, giá trị và mối quan hệ” toàn cầu.

Trong số các ưu tiên hàng đầu của Bộ Ngoại giao mà ông Blinken liệt kê, ông đặc biệt nhấn mạnh vào mối quan hệ Mỹ – Trung. “Mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc sẽ mang tính cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể, và đối đầu khi phải diễn ra. Mẫu số chung là sự cần thiết phải phối hợp với Trung Quốc từ một vị thế mạnh mẽ.”

Chính quyền Biden hiện đang xem xét toàn bộ các chính sách nhằm ứng phó một loạt các mối đe dọa do chế độ Trung Quốc gây ra từ thời cựu Tổng thống Trump. Tính đến nay, chính quyền mới vẫn chưa hề công bố bất kỳ hành động chính sách cụ thể nào. Hiện tại, lưỡng đảng đều ủng hộ việc đối đầu với những thách thức từ Trung Quốc, đồng thời, chính quyền Biden cũng phải đối mặt với áp lực nặng nề từ Đảng Cộng hòa để tiếp tục các chính sách cứng rắn với Trung Quốc.

Trong khi đó, chế độ Trung Quốc đã yêu cầu chính quyền Biden hủy bỏ các chính sách cứng rắn với Trung Quốc của cựu Tổng thống Trump và không “can thiệp” vào những gì chế độ này gọi là các vấn đề “lằn ranh đỏ”. Các vấn đề này có thể kể đến như vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, đàn áp ở Hồng Kông và gây hấn quân sự đối với Đài Loan. Chính quyền Trump hồi tháng 1 đã công khai tuyên bố hành động tàn ác của chế độ Trung Quốc ở Tân Cương là tội ác diệt chủng.

Về cơ bản, chính quyền mới muốn hoàn toàn đoạn tuyệt với cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Donald Trump bằng cách tái tương tác với các đồng minh và tập trung vào ngoại giao đa phương. Ông Blinken nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ phối hợp với các đồng minh để đối đầu với chính quyền Bắc Kinh: “Điều đó đòi hỏi phải [tích cực] tiến hành ngoại giao và [tham gia] vào các tổ chức quốc tế, bởi vì chúng ta rút lui ở đâu thì Trung Quốc lấp đầy [ở đó]”. Đây có thể coi là một cách tiếp cận khác biệt của chính quyền mới so với thời cựu Tổng thống Trump.

Ông Blinken tuyên bố, cách tiếp cận của tân chính quyền cũng “đòi hỏi phải bảo vệ các giá trị của chúng ta khi nhân quyền bị lạm dụng ở Tân Cương hoặc khi nền dân chủ bị chà đạp ở Hồng Kông”.

Ông Blinken từng bày tỏ sự đồng thuận với người tiền nhiệm Mike Pompeo trong việc lên án cuộc diệt chủng người Hồi giáo ở Tân Cương của chính quyền Trung Quốc, nhưng ông không sử dụng thuật ngữ này trong bài phát biểu của mình.

Ngoài ra, ông cũng nêu rõ, chế độ Trung Quốc đang cạnh tranh bằng cách “đầu tư vào công nhân, công ty Mỹ và đòi hỏi một sân chơi bình đẳng”.

Ông Blinken cũng khẳng định chính quyền mới sẽ “sử dụng mọi công cụ để ngăn các quốc gia đánh cắp tài sản trí tuệ của chúng ta hoặc thao túng tiền tệ của họ để có được lợi thế bất công”, mặc dù không đề cập cụ thể đến Trung Quốc.

Chính quyền cựu Tổng thống Trump đã cố gắng buộc chế độ Trung Quốc cải cách một loạt các hành vi thương mại không công bằng thông qua cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, dẫn đến việc 2 nước ký kết thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 vào tháng Giêng năm ngoái. Dù vậy chính quyền ĐCSTQ đã không thực hiện được các cam kết mua hàng theo thỏa thuận. Và tính đến nay, chính quyền Biden vẫn chưa cho biết họ sẽ giải quyết hiệp định thương mại này theo hướng nào.

Minh Ngọc (T/h)

Xem thêm: