60 năm sau chuyến bay lịch sử của Yuri Gagarin, ngành công nghiệp vũ trụ của Nga vẫn chưa thể tạo ra điểm nhấn đáng chú ý, trong khi CEO SpaceX Elon Musk đã có những bước tiến vượt bậc.

Elon Musk
Ông Elon Musk. (Ảnh: Par Naresh777/Shutterstock)

“Quá khứ cần phải được nhớ đến. Bạn nên tự hào về nó nhưng không thể sống dựa vào điều đó”, nhà du hành vũ trụ Fyodor Yurchikhin cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2020 liên quan đến ngành công nghiệp vũ trụ của Nga.

Cách đây 60 năm, cụ thể là vào ngày 12/4/1961, Yuri Gagarin đã trở thành người đầu tiên du hành vào vũ trụ, trong chuyến bay lịch sử kéo dài 108 phút, qua đó đánh dấu sự thành công vang dội của Liên Xô cũ trong lĩnh vực công nghiệp vũ trụ.

Trước đó, vào ngày 4/10/1957, Liên Xô đã phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới có tên là Sputnik 1, khiến cho các quốc gia phương Tây cảm thấy bất ngờ. Trong khi đó, Mỹ phóng vệ tinh đầu tiên có tên là Explorer 1 vào ngày 1/2/1958.

Trong thời điểm hiện tại, Tổng thống Vladimir Putin không phải là người đam mê việc du hành trong không gian vũ trụ, những có thể ông vẫn nhận thức được tác động về quân sự và địa chính trị của một chương trình không gian. Nga đã không còn duy trì được vị thế trong ngành vũ trụ như trước kia. Lĩnh vực này của Nga đã chịu tổn thất đến từ các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Bên cạnh đó, chế độ quan liêu đã làm kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trong nghành vũ trụ.

Trong phần lớn thập kỷ qua, tàu vũ trụ Soyuz của Nga vẫn được Mỹ sử dụng để đưa người lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Dẫu vậy, công việc này đang dần đi đến hồi kết.

Những thế hệ tên lửa mới của Nga đã gặp rất nhiều khó khăn trên các phương diện như sức sáng tạo, kinh phí và kỹ thuật. Sứ mệnh phóng tàu thăm dò Phobos-Grunt lên sao Hỏa của Nga hồi năm 2011 đã thất bại hoàn toàn. Cùng năm đó, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phóng thành công tàu thăm dò Curiosity lên Hành tinh Đỏ.

Không phải Nga, cái tên mới đang được NASA tích cực hợp tác là SpaceX, công ty của tỷ phú Elon Musk. Mới đây, SpaceX đang vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, trong đó có Blue Origin của ông Jeff Bezos, để giành được hợp đồng trị giá 2,9 triệu USD của NASA nhằm chế tạo tàu đổ bộ để đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng.

Tiền cũng chính là vấn đề của Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos). Theo nhà phân tích độc lập Pavel Luzin, chi phí mà Nga dành cho các chương trình không gian, bãi phóng tên lửa và hệ thống định vị GLONASS trong năm 2020 là 2,4 tỷ USD, tức chỉ bằng một nửa so với năm 2013.

Bên cạnh đó, việc Mỹ không thường xuyên trả tiền thuê tàu Soyuz chở người lên ISS cũng góp phần làm sụt giảm chi phí trong các chương trình không gian của Nga. Có thể nói, ông Elon Musk đang là đối thủ đáng gờm trong ngành công nghiệp vũ trụ của Nga.

Roscosmos cũng đã tìm cách thay đổi, tuy nhiên, các kế hoạch của họ không diễn ra như mong đợi. Tổ hợp bãi phóng tên lửa Vostochny tại Viễn Đông được xây dựng nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc của Nga với bãi phóng Baikonur ở Kazakhstan. Dẫu vậy, các chuyên gia cho biết địa hình và khu vực đại dương xung quanh có thể gây nguy hiểm cho các đợt hạ cánh khẩn cấp.

Cách vận hành của Nga hiện tại khiến cho việc tạo ra một “SpaceX của Nga” trở nên không khăn. Ngay cả nỗ lực của Nga nhằm tạo ra cụm công ty khởi nghiệp về không gian kiểu như Thung lũng Silicon cũng chứng kiến thất bại nhiều hơn thành công.

“Về lâu về dài, thì tài năng, văn hóa tổ chức sẽ chiến thắng kinh nghiệm và các di sản”, nhà nghiên cứu không gian kiêm tác giả Eric Berger cho biết cách thức SpaceX thu hút nhân tài trong cuốn sách Liftoff của mình. Nếu không có sự thay đổi phù hợp về chính trị và cấu trúc kinh tế, thì Yuri Gagarin có lẽ sẽ là di sản duy nhất trong ngành vũ trụ của Nga.

Theo Bloomberg,

Phan Anh

Xem thêm: