Ngày 4/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên tiếng thúc giục Trung Quốc trao quyền tự do cho truyền thông tại Thế vận hội Mùa đông 2022 ở Bắc Kinh, dự kiến sẽ bắt đầu sau ba tháng nữa.

Embed from Getty Images

“Chúng tôi kêu gọi các quan chức Trung Quốc không hạn chế quyền tự do đi lại và tiếp cận của các nhà báo, cũng như đảm bảo họ được an toàn và có thể đưa tin tự do, kể cả tại Thế vận hội Olympic và Thế vận hội Paralympic của người khuyết tật,” ông Ned Price phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ.

Trước đó, nhiều tổ chức và nhóm hoạt động đã kêu gọi Mỹ tẩy chay Thế vận hội Mùa đông, vì những lo ngại về nhân quyền tại quốc gia cộng sản, đặc biệt là tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ và cộng đồng thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương. Dù vậy, ông Price gần như không nhắc những lời kêu gọi tẩy chay Thế vận hội, mặc dù có đề cập đến vấn nạn vi phạm nhân quyền.

Ông nói: “Chúng tôi hiểu rất rõ ràng vị trí của chúng tôi đối với những gì đang diễn ra ở Tân Cương, và những vi phạm nhân quyền đã và đang diễn ra tại CHND Trung Hoa.”

Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh luôn hùng hồn bác bỏ những cáo buộc như vậy trên các nền tảng truyền thông nhà nước, đồng thời cấm các phóng viên phương Tây tiếp cận đất nước và ngăn cản họ đưa tin về cách họ đối xử với các cộng đồng thiểu số tại Tân Cương.

Phát ngôn viên Price đã bình luận về quyền tự do truyền thông ở Trung Quốc, sau khi Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài tại Trung Quốc (FCCC) nêu rõ những khó khăn mà các nhà báo nước ngoài phải đối mặt khi muốn đưa tin về Thế vận hội sắp tới.

“FCCC lo ngại về sự thiếu minh bạch và rõ ràng từ Ban tổ chức Thế vận hội Olympic Bắc Kinh (BOCOG) cũng như Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), liên quan đến báo cáo về Thế vận hội ở Trung Quốc,” câu lạc bộ này nêu vấn đề trong một bài đăng trên Twitter.

“Trong năm qua, đoàn báo chí nước ngoài đã liên tục bị cản trở trong việc đưa tin về các hoạt động chuẩn bị cho Thế vận hội Mùa đông, bị từ chối tham dự các sự kiện thường lệ và bị ngăn cản đến các địa điểm thể thao ở Trung Quốc,” tuyên bố nhấn mạnh.

“Các câu hỏi lặp đi lặp lại của các thành viên của chúng tôi đối với BOCOG về cách truyền thông quốc tế có thể đưa tin về Thế vận hội vẫn luôn nhận được những hồi đáp mâu thuẫn hoặc hoàn toàn bị lờ đi.”

Hồi tháng 3, tại một cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không nêu chi tiết về cam kết cho phép truyền thông được hoạt động hoàn toàn tự do khi đưa tin về Thế vận hội 2022.

Trong báo cáo thường niên của mình, FCCC cũng khẳng định Trung Quốc đã mượn cớ ngăn chặn virus corona nhằm đe dọa và hạn chế thị thực của báo giới nước ngoài vào năm 2020, dẫn đến “sự suy giảm nhanh chóng về tự do truyền thông”.

Thậm chí, hồi tháng 7, các hãng truyền thông nhà nước của Trung Quốc còn đăng những lời chỉ trích gay gắt đối với các phóng viên Hoa Kỳ và phóng viên nước ngoài khác, những người đã đưa tin về trận lũ lụt kỷ lục ở miền Trung Trung Quốc khiến hơn một triệu người phải di tản. Các nhân viên truyền thông từ BBC và Los Angeles Times còn nhận được những lời đe dọa giết người.

Cũng trong một phát biểu trước đó vào tháng 7, ông Ned từng bày tỏ: “Chính phủ CHND Trung Hoa tuyên bố hoan nghênh các kênh truyền thông nước ngoài hỗ trợ công việc của họ, nhưng hành động của họ lại cho thấy một câu chuyện hoàn toàn khác.”

Minh Ngọc (Theo Reuters)

Xem thêm: