Honduras đã thay đổi quan hệ ngoại giao với Đài Loan và chuyển sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Thứ trưởng ngoại giao của Honduras gần đây xác nhận rằng ông đã nhiều lần thỉnh cầu Đài Loan [hỗ trợ] 2 tỷ USD để tái cơ cấu nợ nước ngoài, đầu tư vào các nhà máy địa phương và hỗ trợ xây dựng bệnh viện, nhưng ông không nhận được phản hồi tích cực từ Đài Loan. Bộ Ngoại giao Đài Loan lên tiếng làm rõ rằng tuyệt đối không có chuyện “đã đọc mà không hồi đáp”.

p3300681a791693096
Honduras thừa nhận rằng họ đã yêu cầu Đài Loan viện trợ 2 tỷ đô la Mỹ, nhưng không nhận được phản hồi tích cực. (Nguồn: Thông tấn xã Trung ương)

Theo Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) dẫn lời hãng truyền thông địa phương Proceso của Honduras đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao của Honduras, ông Antonio García, cho biết sau khoảng nửa năm đàm phán với Đài Loan, Đài Loan đã không thể đưa ra phản hồi tích cực. Xuất phát từ việc Chính phủ Honduras cần phải có câu trả lời cho người dân, nên đã quay sang tìm kiếm một giải pháp có lợi hơn.

Ông Antonio García thẳng thắn nói rằng ông đã thỉnh cầu Đài Loan 3 điều: tái cơ cấu nợ nước ngoài, đầu tư vào các nhà máy địa phương và hỗ trợ xây dựng bệnh viện. Ông nói rõ rằng đây không phải là yêu cầu Đài Loan gửi tiền cho Honduras, mà là hy vọng Đài Loan sẽ trả khoản nợ lãi suất cao thay cho họ, sau đó họ sẽ trả lại cho Đài Loan với lãi suất thấp, để họ có thể tiết kiệm hàng triệu đô la. Về đề nghị Đài Loan đến Honduras xây dựng nhà máy, phía Đài Loan nói đã trả lời rằng quyền kiểm soát nằm ở mỗi công ty. Còn về đề nghị hỗ trợ địa phương xây bệnh viện, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã đạt được đồng thuận tương đối.

Ông García cho biết, do yêu cầu hỗ trợ tài chính 2 tỷ USD của Đài Loan không nhận được phản hồi tích cực, nên Tổng thống Honduras, bà Xiomara Castro, đã quyết định chỉ thị cho Bộ Ngoại giao thảo luận về việc thiết lập quan hệ với Trung Quốc. Ông cho rằng Honduras nên theo gương thế giới, hầu hết các quốc gia bao gồm cả Mỹ đều có mối có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Ông García cũng giải thích rằng Honduras luôn biết ơn sự giúp đỡ không ngừng của Đài Loan, nhưng đôi khi cũng phải cân nhắc đến những cơ hội mà đất nước có được, do đó Tổng thống Xiomara Castro mới đưa ra quyết định này.

Ngày 24/3, phía Đài Loan cho biết có nhìn nhận thẳng thắn về việc Bộ trưởng Ngoại giao Honduras thừa nhận rằng đã từng yêu cầu Đài Loan viện trợ tài chính 2 tỷ đô la Mỹ, đồng thời nhấn mạnh Đài Loan tuyệt đối không phải là “đã đọc mà không trả lời” đối với đề xuất của Honduras, ngược lại là Honduras không hề có hồi đáp về đề xuất hỗ trợ của Đài Loan.

Bộ Ngoại giao Đài Loan chỉ ra rằng kể từ khi Tổng thống Honduras, bà Xiomara Castro, nhậm chức vào tháng 1 năm ngoái, Đài Loan đã tích cực thảo luận về các kế hoạch hợp tác song phương với Honduras dựa trên các ưu tiên hành chính của chính phủ, đồng thời đã nhiều lần bày tỏ với phía Honduras rằng Đài Loan sẵn sàng hỗ trợ nước này thúc đẩy xây dựng và phát triển trong khả năng viện trợ nước ngoài của mình.

Trước những khó khăn tài chính của Chính phủ Honduras, Bộ Ngoại giao Đài Loan đề cập rằng ngoài Đại sứ Đài Loan tại Honduras, Trương Tuấn Phi (Chun-fei, Chang), đã nhiều lần thương thảo với Bộ Ngoại giao Honduras, Thứ trưởng Ngoại giao Du Đại Lôi (Alexander Tah-ray Yui) còn đích thân đến Honduras để thuyết minh về phương án hồi đáp của Đài Loan.

Bộ Ngoại giao Đài Loan nhấn mạnh nước này luôn phản hồi tích cực với các đề xuất của chính quyền Honduras trong khả năng của mình và hoàn toàn không có chuyện “đọc rồi không quay lại” như bên kia nói, ngược lại, chính quyền Honduras chưa bao giờ hưởng ứng kế hoạch trợ giúp của Đài Loan. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Đài Loan cũng đã nhiều lần hẹn gặp Đại sứ Honduras tại Đài Loan, là ông Harold Burgos, để đích thân giải thích, yêu cầu ông truyền đạt một cách trung thực về thành ý của Đài Loan về phương án và sự hỗ trợ của Đài Loan đối với Honduras.

Bộ Ngoại giao Đài Loan nhấn mạnh, Đài Loan luôn phản hồi tích cực với các đề xuất của Chính phủ Honduras trong khả năng của mình và hoàn toàn không có chuyện “đọc rồi không hồi đáp” như đối phương (phía Honduras) nói; ngược lại, Chính phủ Honduras chưa bao giờ hồi đáp về phương án hỗ trợ mà Đài Loan đưa ra.

Mồi lửa thay đổi bang giao giữa Đài Loan và Honduras:  Dự án xây đập Patuca

Bang giao giữa Đài Loan và Honduras có sự thay đổi, mồi lửa chính là xích mích hơn 10 năm về “Dự án đập Patuca”. Trong kế hoạch ban đầu của Chính phủ Đài Loan thời ông Trần Thủy Biển làm Tổng thống, Đài Loan dự định đầu tư vào dự án xây dựng đập này, nhưng thời kỳ ông Mã Anh Cửu làm Tổng thống, dự toán ngân sách cho kế hoạch đầu tư này đã bị Viện Lập pháp phủ quyết và rút lại. Sau đó, Honduras quay sang hợp tác với Công ty Thủy lợi Thủy điện Trung Quốc. Kể từ đó, Trung Quốc đã nắm chắc huyết mạch cơ sở hạ tầng thủy điện của Honduras, Đài Loan dần bị gạt ra rìa.

“Patuca-3” ban đầu là một dự án đầu tư do Công ty Điện lực Đài Loan xúc tiến hợp tác với chính sách đối ngoại của chính phủ, hỗ trợ Honduras phát triển thủy điện nhằm củng cố tình hữu nghị giữa hai nước. Dự án đã được Chính phủ Đài Loan đồng ý thực thi, nhưng do dự toán chưa được Viện Lập pháp đồng ý, nên đã bị đình chỉ.

Báo cáo của Công ty Điện lực Đài Loan tại Honduras chỉ ra rằng sau khi bị phủ quyết, Đài Loan và Honduras đã đồng ý xác định vai trò của Công ty Điện lực Đài Loan trong dự án Patuca-3 là “nhà cung cấp công nghệ”. Tuy nhiên, tháng 9/2010, Honduras bất ngờ ký bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Thủy lợi Thủy điện Trung Quốc để cùng xây dựng một nhà máy thủy điện. Ngoài việc xây dựng dự án Patuca-3, Công ty Thủy lợi Thủy điện Trung Quốc còn hỗ trợ Honduras xin tài trợ từ Ngân hàng Công thương Trung Quốc để có vốn xây dựng nhà máy.

Báo cáo chỉ ra rằng Honduras và Trung Quốc đã ký một dự thảo thỏa thuận khung vào năm 2011, và Công ty Thủy lợi Thủy điện Trung Quốc đã hủy bỏ đề xuất thiết kế ban đầu do Đài Loan đưa ra cho Honduras, thay đổi thành phía Trung Quốc quy hoạch lại và bắt đầu xây dựng. Do việc thi công và nguồn vốn đều nằm trong tay Trung Quốc, Công ty Điện lực nhà nước Honduras (ENEE) đã dần bị giảm quyền tự chủ của mình trong dự án này. Còn về việc liệu có cần Đài Loan hỗ trợ kỹ thuật hay không, phía Honduras luôn tránh nói đến.

Kể từ đó, ảnh hưởng của Trung Quốc tại Honduras dần tăng lên, trong khi ảnh hưởng của Đài Loan dần suy yếu.