Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết lập trường của Việt Nam về vấn đề Hồng Kông đã được nêu rõ. Các vấn đề liên quan đến Hồng Kông là công việc nội bộ của Trung Quốc.

rửa tiền ở Việt Nam
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (Ảnh: chinhphu.vn)

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo thường kỳ chiều 2/7 liên quan tới việc Quốc hội Trung Quốc mới thông qua Luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết lập trường của Việt Nam về vấn đề Hồng Kông đã được nêu rõ. Đó là Việt Nam tôn trọng và ủng hộ chính sách “một quốc gia, hai chế độ” của Trung Quốc, luật cơ bản Hồng Kông và các quy chế liên quan của Hồng Kông.

“Các vấn đề liên quan đến Hồng Kông là công việc nội bộ của Trung Quốc. Việt Nam mong muốn tình hình Hồng Kông được ổn định và phát triển thịnh vượng, là một trung tâm tài chính, kinh tế quan trọng của thế giới”, bà Hằng nói thêm.

Hôm 1/7, các hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết một nhóm gồm 53 nước do Cuba đại diện đã tuyên bố ủng hộ Luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông trong phiên họp thứ 44 của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc ngày 30/6. 

Những nước này bao gồm nhiều quốc gia ở châu Á và châu Phi như Pakistan, Iran, Iraq, Kuwait, Afghanistan, Sri Lanka, Bahrain, Belarus, Burundi, Serbia, Nepal, Ả Rập Xê Út, UAE, Tajikistan, Kyrgyzstan, Lào, Campuchia, Triều Tiên, Papua New Guinea, Oman, Syria, Myanmar, Morocco, Palestine; Algeria, Ai Cập, Yemen, Sudan, Congo, Cameron, Tanzania, Ethiopia, Bờ Biển Ngà, CH Trung Phi, Guinea Xích đạo, Gabon, Eritrea, Gambia, Lebanon, Nigeria, Zimbabwe, Zambia, Lesotho, Mozambique, Mauritania, Chad, Madagascar; Venezuela, Nicaragua v.v.

Trong số các quốc gia, các nhà bình luận quốc tế đã tỏ ra bất ngờ khi UAE, Ả Rập Xê Út và Sri Lanka đã bày tỏ sự ủng hộ đối với đạo luật hà khắc này của Trung Quốc. 

Theo CGTN, nhóm 53 nước này tán thành quan điểm của chính quyền Bắc Kinh rằng Hồng Kông là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và khẳng định sẽ ủng hộ các biện pháp mang lại sự thịnh vượng, ổn định dài lâu cho Hồng Kông cũng như người dân của thành phố.

Cuba nói rằng Hồng Kông là một phần không thể tách rời của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các bên liên quan ngừng sử dụng Hồng Kông để can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc.

Quốc hội thông qua dự luật tự trị Hồng Kông, chờ TT Trump ký thành luật

Trong khi đó, một nhóm khác gồm 27 nước, bao gồm Mỹ, Úc, Canada, Anh, Nhật, và các nước thuộc EU đã ra tuyên bố chung chỉ trích động thái của Bắc Kinh. Thay mặt nhóm này, Đại sứ Vương quốc Anh tại WTO và Liên Hợp Quốc, Julian Braithwaite, đã kêu gọi Chính phủ Trung Quốc và Hồng Kông xem xét lại việc áp dụng luật và ngăn chặn sự xói mòn các quyền và tự do mà người dân Hồng Kông được hưởng.

Chính phủ Anh cũng dự kiến cho phép khoảng 3 triệu người Hồng Kông đủ điều kiện và những người phụ thuộc của họ nhận hộ chiếu hải ngoại để định cư và có cơ hội nhập tịch Anh. Các nước như Đài Loan, Nhật, Đức, Úc cho biết sẽ hỗ trợ hết sức đối với người Hồng Kông có ý định rời bỏ thành phố và ra định cư nước ngoài.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence mô tả Luật an ninh quốc gia “là một sự phản bội thỏa thuận quốc tế mà họ đã đặt bút ký và khiến những người yêu hòa bình trên toàn thế giới không thể chấp nhận được.” Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phê phán đạo luật an ninh quốc gia hà khắc của Đảng cộng sản Trung Quốc “đã đặt dấu chấm hết cho một Hồng Kông tự do nhưng cũng phơi bày nỗi sợ lớn nhất của họ: sự tự do suy nghĩ và tự do ý chí của người dân”. 

Luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông có hiệu lực từ 1/7, được Bắc Kinh mô tả nhắm vào các hành động ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với lực lượng nước ngoài đe dọa an ninh quốc gia, với mức án tối đa cho người vi phạm là tù chung thân.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng những mô tả về 4 tội danh này rất mơ hồ và tuỳ thuộc vào cách diễn giải của chính quyền mà có thể tùy ý bắt bớ bất kỳ ai xúc phạm chính quyền Bắc Kinh, kể cả người nước ngoài đến Hồng Kông buôn bán, quá cảnh, du lịch…

Điều 38 của luật mới quy định các hành vi vi phạm an ninh quốc gia diễn ra ở nước ngoài, thậm chí do người nước ngoài thực hiện, đều có thể bị truy tố.

Người đứng đầu Hội đồng các vụ đại lục của Đài Loan Chen Ming-tong cho rằng không chỉ người Hồng Kông và người Đài Loan cần chú ý sát luật mới, mà “tất cả người dân trên thế giới phải đối diện với luật này một cách nghiêm túc”.

Lê Vy (t/h)

Xem thêm: