Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo, việc bán Magnachip Semiconductor Corp. cho một công ty cổ phần tư nhân Trung Quốc gây ra “các rủi ro cho an ninh quốc gia,” trong bối cảnh các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các ngành công nghệ quan trọng đang bị Hoa Kỳ giám sát chặt chẽ.

Embed from Getty Images

Cuối tháng 3, Magnachip, nhà sản xuất chip nguồn và chip màn hình của Hàn Quốc, đã bán cổ phần kiểm soát của mình cho công ty cổ phần tư nhân Trung Quốc Wise Road Capital trong một thỏa thuận hoàn toàn bằng tiền mặt trị giá khoảng 1,4 tỷ đô la.

Trong hồ sơ mới nhất của mình nộp lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC), Magnachip thông báo, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài của Hoa Kỳ (CFIUS), ủy ban liên ngành của Hoa Kỳ do Bộ Tài chính giám sát, chuyên xem xét các giao dịch nước ngoài có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ, đã gửi một bức thư cho Magnachip vào ngày 27/8. Bức thư nhấn mạnh họ đã “xác định được những rủi ro đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ phát sinh do kết quả của việc sáp nhập này” và sẽ yêu cầu Tổng thống Joe Biden ra quyết định về vấn đề này.

CFIUS cho biết họ chưa xác định được các biện pháp “giảm thiểu một cách thích đáng các rủi ro đã được xác định”.

Magnachip cũng đang “xem xét các bước tiếp theo”, nhưng không thể đưa ra một sự đảm bảo rằng họ sẽ đồng ý với các đề xuất của Hoa Kỳ để tạo điều kiện cho cơ quan này cấp phép chính thức.

Các cơ quan quản lý ở Hoa Kỳ và Hàn Quốc đều đang xem xét thương vụ này. CFIUS đã ra lệnh tạm dừng việc sáp nhập vào tháng 6 khi cơ quan này xem xét thỏa thuận này, một quy trình mà Magnachip dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng hai tuần.

Hồ sơ gửi lên SEC không nêu rõ chi tiết về bản chất của những rủi ro như vậy.

Tuy kích cỡ nhỏ hơn tem bưu chính, nhưng các vi mạch rất quan trọng trong các thiết bị điện tử hiện đại như xe hơi, điện thoại thông minh, máy vi tính, cơ sở hạ tầng 5G, và trí tuệ nhân tạo. Nó là nguồn gốc tạo ra căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khi hai cường quốc cạnh tranh nhau để thống trị công nghệ. 

Hiện Hoa Kỳ vẫn là quốc gia dẫn đầu thị trường về thiết kế và nghiên cứu chất bán dẫn, nhưng phần lớn các công ty Mỹ thuê các công ty bên ngoài ở châu Á sản xuất cho họ. Tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu do đại dịch gây ra đã phơi bày những vấn đề do sự phụ thuộc như vậy gây ra và dẫn đến việc kêu gọi Hoa Kỳ bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.

Hồi tháng 6, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới Hoa Kỳ để dành 190 tỷ đô la trong các điều khoản nhằm củng cố công nghệ và nghiên cứu của Hoa Kỳ, đặc biệt thêm 54 tỷ đô la để gia tăng việc sản xuất chất bán dẫn, vi mạch, và thiết bị viễn thông trong nước. Ngày 29/6, Hạ viện Hoa Kỳ cũng đã thông qua một phiên bản của đạo luật này và một dự luật riêng nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh khoa học của Hoa Kỳ trước Trung Quốc.

Trong vài năm qua, do sự lo ngại của Hội đồng An ninh Hoa Kỳ và các tổng thống Mỹ đã khiến một số thỏa thuận mua bán các công ty chất bán dẫn được đề xuất bị hủy bỏ.

Năm 2018, CFIUS đã ngăn chặn một thương vụ trị giá 580 triệu đô la bán công ty thử nghiệm chất bán dẫn của Hoa Kỳ Xcera Corp cho quỹ đầu tư chất bán dẫn do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn Hubei Xinyan.

Năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó đã ngăn chặn một công ty cổ phần tư nhân do Trung Quốc hậu thuẫn mua Công ty Chất bán dẫn Lattice, một nhà sản xuất chip đặt tại tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ.

Sau khi thương vụ Magnachip được công bố vào tháng 3, người dân Hàn Quốc bắt đầu đệ đơn yêu cầu lên chính phủ để phản đối việc sáp nhập. Đơn yêu cầu đã thu thập được 33.451 chữ ký trong một tháng.

Liên minh Công nghệ Thông tin Tài chính (FITC), công ty mẹ của Wise Road Capital đặt tại Bắc Kinh, trước đây đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc thúc đẩy ngành công nghiệp thử nghiệm chất bán dẫn địa phương của Trung Quốc sau khi mua lại công ty thử nghiệm chất bán dẫn của Singapore, UTAC vào tháng 9/2020.

Hai mươi công ty Trung Quốc là thành viên hội đồng quản trị của FITC, bao gồm cả công ty sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc có một phần sở hữu của nhà nước, SMIC.

Gia Huy (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: