Trong vòng sáu tháng tới, Hải quân Hoa Kỳ có thể cần phải quyết định nên trang bị vũ khí cho chính mình hay hỗ trợ Ukraine do tình trạng thiếu vũ khí đang được dự báo.

Carlos Del Toro 3
Bộ trưởng Hải quân Carlos Del Toro (Ảnh chụp màn hình video)

Bộ trưởng Hải quân Carlos Del Toro đã đưa ra nhận xét nêu trên hôm 11/1 trước một nhóm phóng viên bên lề Hội nghị chuyên đề quốc gia của Hiệp hội Hải quân Mặt biển năm 2023 ở Arlington, Virginia, biên tập viên Marcus Weisberger của Defense One đưa tin.

Ông Weisberger viết trên Twitter, mặc dù phần lớn vũ khí Mỹ trao cho Ukraine là vũ khí trên bộ chứ không phải vũ khí hải quân, nhưng không ít người khác cũng đều bày tỏ mối quan ngại chung với Bộ trưởng Del Toro.

Ông cho hay: “Một đô đốc đã ám chỉ rằng, Hoa Kỳ cần phải lựa chọn giữa chính họ và Ukraine trong một cuộc thảo luận tại hội nghị.”

Bộ trưởng Del Toro là một trong số hàng chục thành viên của quân đội, công nghiệp quốc phòng và Quốc hội đến tham gia hội nghị được tổ chức từ ngày 10 đến ngày 12/1, để thảo luận về quốc phòng và an ninh.

Những bình luận của ông được đưa ra sau những lo ngại của đô đốc Hải quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu James G. Stavridis. Ông Stavridis dự đoán, cuộc chiến kéo dài giữa quân phòng thủ Ukraine và quân xâm lược Nga sẽ tiếp tục trong suốt mùa đông mà không bên nào giành được ưu thế.

Ông nhấn mạnh: “Khi kết hợp tất cả lại với nhau, sẽ có thêm nhiều cuộc chiến nữa. Người Ukraine chiến thắng trên mặt đất. Người Nga chiến thắng trên bầu trời.”

Trước quan ngại của Bộ trưởng Del Toro, ông Mark Cancian, một sĩ quan quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cảm thấy “khá ngạc nhiên” do Hải quân hiện ít bị ảnh hưởng nhất trong bối cảnh vũ khí không ngừng được chuyển giao cho Ukraine.

Ông Cancian nói với Newsweek: “Những vũ khí đó chủ yếu dành cho chiến đấu trên bộ. Hải quân, đặc biệt là ở Tây Thái Bình Dương, cần vũ khí cho chiến đấu trên không và trên biển. Mặc dù có một số vũ khí có thể sử dụng được cho cả hai lĩnh vực, như tên lửa chống hạm Harpoon, nhưng không ảnh hưởng lớn.”

“Hơn nữa, kinh phí mua vũ khí gửi tới Ukraine đã được bổ sung vào ngân sách quốc phòng thông thường, vì vậy các quân chủng không phải cắt giảm chương trình của họ.”

Tên lửa chống hạm Harpoon được coi là vũ khí phổ biến nhất thuộc loại này ở phương Tây. Tên lửa này được sản xuất lần đầu tiên bởi McDonnell Douglas vào năm 1975 và hiện được sáp nhập vào một phần của Boeing. Tính đến nay, có hơn 7.000 tên lửa đã được sản xuất, với giá khoảng 1,5 triệu USD mỗi chiếc. Chúng có thể được phóng đi từ máy bay, xe tải và tàu ngầm.

Các tên lửa này là một phần trong gói viện trợ an ninh trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine được Bộ Quốc phòng phê duyệt vào tháng 6 năm ngoái.

Cùng tháng đó, tên lửa Harpoon đã được Hải quân Ukraine sử dụng để tấn công một tàu Nga đang trên đường tới Đảo Rắn.

Ông Ian Williams, Phó Giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa CSIS, nhận định với Newsweek rằng hiện chưa rõ ông Del Toro đang đề cập đến hệ thống vũ khí hải quân nào, bởi hầu hết vũ khí cung cấp cho Ukraine đều được lấy từ kho của Quân đội.

Tuy nhiên, ông nhìn nhận, việc chuyển hướng các Tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM) sang các đơn vị Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia Ukraine (NASAMS) có thể bắt đầu ảnh hưởng đến Hải quân Hoa Kỳ vào một thời điểm nào đó.

Nhật Minh (Theo Newsweek)