Việc mở văn phòng thương mại Litva tại Đài Loan là một “bước đi rất quan trọng” đối với cả hai nền dân chủ, và cả hai đang có xu hướng hợp tác kinh tế tốt, một vị thứ trưởng của quốc gia Baltic cho biết hôm thứ Sáu (16/9).

Trung Quốc, quốc gia vẫn luôn tuyên bố Đài Loan thuộc lãnh thổ của riêng mình, đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Lithuania và gây áp lực buộc các công ty đa quốc gia cắt đứt liên kết với quốc gia có 2,8 triệu dân sau khi họ cho phép Đài Loan mở đại sứ quán trên thực tế ở Vilnius.

Văn phòng tương ứng ở Đài Bắc sẽ bắt đầu hoạt động “trong tương lai gần nhất”, Bộ Kinh tế và Đổi mới Litva thông báo hôm 16/9, mặc dù Bộ Ngoại giao Đài Loan khẳng định cơ quan này đã hoạt động hiệu quả.

Embed from Getty Images

Phát biểu với báo giới tại Đài Bắc, Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Đổi mới của Litva Karolis Zemaitis cho hay, công tác chuẩn bị cho việc khai trương văn phòng đang diễn ra rất khẩn trương.

Ông nhấn mạnh: “Tất nhiên đây là một bước rất quan trọng đối với chúng tôi, đối với cả hai nền dân chủ.”

Văn phòng Thương mại Litva ở Đài Bắc này trực thuộc Bộ Kinh tế và Đổi mới và do ông Paulius Lukauskas, cựu cố vấn của Thủ tướng Ingrida Simonyte đứng đầu.

Trung Quốc đã nhiều lần lên án việc Lithuania thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan, đảo quốc dân chủ mà Bắc Kinh coi là lãnh thổ của mình bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của chính phủ Đài Bắc.

Tháng trước, Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thứ trưởng Bộ Giao thông và Truyền thông Litva Agne Vaiciukeviciute vì ông đã đến thăm Đài Loan.

Khi được hỏi liệu Trung Quốc có cảnh báo ông không nên đến Đài Loan hay không, Thứ trưởng Zemaitis, người dẫn đầu một phái đoàn gồm 28 người đến thăm đảo quốc dân chủ trong tuần này cho biết, ông không liên hệ với “bất kỳ đại diện nào của Trung Quốc”.

Gần đây, Đài Bắc đang nỗ lực khuyến khích đầu tư của Đài Loan vào Litva và nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn từ nước này.

Ông Zemaitis nhận định: “Tôi cho rằng hiện chúng tôi đang phối hợp rất tích cực để đạt được kết quả kinh tế tốt nhất có thể cùng với những người đồng cấp Đài Loan, và tôi nghĩ chúng tôi đang trên đà phát triển rất tốt.”

“Tất nhiên khi nói đến đa dạng hóa thị trường tổng thể, điều quan trọng trên toàn cầu đối với nhiều quốc gia bao gồm cả châu Âu, tôi nghĩ rằng đây luôn là một quá trình đòi hỏi cần có một thời gian nhất định.”

Minh Ngọc (Theo Reuters)