Việc Ukraine sử dụng hệ thống HIMARS do Mỹ cung cấp là một yếu tố “thay đổi cuộc chơi” trong cuộc chiến chống Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên CNN hôm Chủ nhật.

800px HIMARS missile launched
Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS). (Ảnh: Wikipedia)

Hoa Kỳ đã viện trợ nhiều Hệ thống Tên lửa Cơ động Cao M142 (HIMARS), một hệ thống phóng tên lửa có tầm bắn xa hơn các tên lửa khác trong lực lượng pháo binh của Ukraine. HIMARS được ghi nhận là đã cho phép quốc gia Đông Âu bảo vệ lãnh thổ của mình tốt hơn và thậm chí hỗ trợ các nỗ lực phản công của Ukraine để giành lại lãnh thổ bị chiếm đóng trước đây tại Kharkiv và Kherson.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin cho biết việc Kyiv đã sử dụng HIMARS là “cách đúng đắn” để tăng cường khả năng phòng thủ chống lại Moscow.

Ông khen ngợi các lực lượng phòng thủ Ukraine đã sử dụng hữu dụng tên lửa để tiến hành các cuộc tấn công vào những thứ như kho hậu cần, chỉ huy và kiểm soát của Nga.

“Những gì chúng ta đang thấy bây giờ là một thứ thay đổi cuộc chơi trên chiến trường,” ông Austin nói thêm. “Họ đã làm rất, rất tốt ở khu vực Kharkiv… Cuộc chiến ở khu vực Kherson diễn ra chậm hơn một chút, nhưng họ đang tiến bộ.”

John Herbst, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine và Uzbekistan, nói với tờ Newsweek hôm Chủ nhật rằng việc Ukraine sử dụng HIMARS có ý nghĩa “quyết định” trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga, đồng thời cho phép Ukraine tiến hành phản công. Tuy nhiên, ông nói rằng Mỹ nên cung cấp cho Ukraine những vũ khí mạnh hơn để giúp duy trì chiến thắng của họ.

“Tôi tin tưởng rằng nếu chúng ta cung cấp cho Ukraine hầu hết những gì họ yêu cầu, họ sẽ có thể, chắc chắn trong vòng một năm, năm rưỡi, nhưng thậm chí có thể trong vài tháng, lấy lại tất cả những gì mà Nga đã chiếm giữ kể từ tháng Hai, có thể thậm chí tất cả mọi thứ mà Nga đã chiếm giữ kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào năm 2014, không ngoại lệ cả Crimea,” ông nói.

Ông đặc biệt chỉ ra ATACMS, máy bay tiêm kích F-16 và tên lửa tầm xa là những vũ khí có thể giúp Ukraine hơn nữa. Herbst cho biết ông tin rằng TT Putin không có kế hoạch dừng lại ở Ukraine, và việc cung cấp cho Ukraine thêm viện trợ để ngăn chặn nỗ lực của nhà lãnh đạo Nga có thể là chìa khóa trong việc ngăn Moscow nhắm mục tiêu vào các quốc gia NATO như Estonia và Latvia.

Javed Ali, cựu quan chức chống khủng bố của Mỹ và là giáo sư tại Đại học Michigan, nói hôm Chủ nhật rằng việc Ukraine sử dụng HIMARS đã cho phép Ukraine cân bằng với “sức mạnh quân số” của Nga trên chiến trường và tấn công quân Nga từ khoảng cách xa hơn và chính xác hơn.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc hôm thứ Tư đã công bố một gói an ninh mới trị giá 1,1 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm 18 hệ thống HIMARS, gấp đôi số lượng các hệ thống mà Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine.

Ông Austin cũng đề cập đến các mối đe dọa hạt nhân gần đây của ông Putin, được đưa ra sau khi Nga sáp nhập bất hợp pháp các vùng của Ukraine vào tuần trước. 

Ông Putin đã cam kết bảo vệ những khu vực mới sáp nhập này “với tất cả các lực lượng và phương tiện theo ý của chúng tôi.” Nhận xét này được phương Tây giải thích là một lời đe dọa rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ các vùng lãnh thổ đã sáp nhập.

Ông Austin nói: “Đó là một tuyên bố bất hợp pháp. Đó là một tuyên bố vô trách nhiệm.”

Ông nói thêm rằng ông mong đợi được thấy người Ukraine tiếp tục “tiến lên phía trước” và rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ họ bất chấp những mối đe dọa này.

Nỗi lo hạt nhân một lần nữa gia tăng trong bối cảnh Nga đang phải hứng chịu nhiều tổn thất hơn. Bất chấp việc sáp nhập các vùng lãnh thổ này và huy động 300.000 quân dự bị, Điện Kremlin tiếp tục chứng kiến ​​thất bại ở Donetsk khi Ukraine đã lấy lại được trung tâm giao thông quan trọng ở Lyman vào thứ Bảy. Tổn thất này đã khiến đồng minh chủ chốt của TT Putin thúc giục ông tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Ukraine.

Ngân Hà (theo Newsweek)