Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm thứ Sáu (19/6) đã chấp nhận đơn từ chức của người được ông bổ nhiệm giải quyết vấn đề Triều Tiên. Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã đệ đơn từ chức sau khi Bắc Triều Tiên cho nổ tung văn phòng liên lạc hai miền, một động thái nhằm tăng áp lực chống Hàn Quốc trong khi các cuộc đàm phán hạt nhân với Hoa Kỳ vẫn đình trệ.

Embed from Getty Images

Kim Yeon-chul, người được Tổng thống Moon bổ nhiệm làm Bộ trưởng thống nhất hồi tháng Tư năm ngoái khi đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng bắt đầu tan rã, đã từ nhiệm mà không tiến hành được một cuộc gặp nào với phía Triều Tiên. Ông tuyên bố quyết định từ chức để chịu trách nhiệm về tình hình căng thẳng giữa hai bên.

Phát biểu trước báo chí hôm 17/6, ông Kim nói: “Tôi cảm thấy có lỗi vì đã không đáp ứng được kỳ vọng của người dân của chúng ta về hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên“.

Bắc Triều Tiên trong những tháng gần đây đã gần như cắt đứt mọi liên lạc với miền Nam, liên tục bày tỏ thất vọng về việc Seoul không sẵn sàng tách khỏi đồng minh Washington và khởi động lại các dự án kinh tế liên Triều bị đình trệ từ lâu do lệnh trừng phạt của Mỹ.

Ông Kim xin từ chức sau khi Triều Tiên chiếu trên TV hôm thứ Ba cảnh dùng chất nổ phá hủy tòa nhà liên lạc, vốn là biểu tượng của hy vọng hợp tác song phương ở thị trấn biên giới Kaesong. Ngoài ra, Bắc hàn cũng tuyên bố sẽ cắt đứt tất cả các kênh liên lạc chính phủ và quân đội, hủy bỏ một thỏa thuận quân sự quan trọng đạt được vào năm 2018 với Nam Hàn để giảm bớt các mối đe dọa vốn là nguy cơ xảy ra các cuộc giao tranh ở khu vực biên giới trên bộ và trên biển.

Chưa rõ ông Moon sẽ dùng ai để thay thế cựu bộ trưởng Kim Yeon-chul. Có những lời kêu gọi rằng ông Moon cần cải tổ mạnh mẽ chính sách đối ngoại và nhân sự an ninh quốc gia trong bối cảnh mối quan hệ với miền Bắc ngày càng xấu đi, và vai trò trung gian ngày càng mờ nhạt trong cuộc đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Chính phủ của ông Moon được ghi nhận vì nỗ lực phối hợp ngoại giao để xoa dịu rủi ro chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên. Các phái viên của ông Moon đã liên tục đi lại giữa Bình Nhưỡng và Washington để giúp thiết lập thành công cuộc gặp đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore vào tháng 6 2018.

Nhưng nay khi căng thẳng với Bắc Hàn dâng cao trở lại, có nhiều lời chỉ trích rằng các quan chức Hàn Quốc đã quá lạc quan về các dấu hiệu từ Bình Nhưỡng và gặp vấn đề về uy tín khi Kim Jong Un rõ ràng không có ý định tự nguyện từ bỏ kho vũ khí hạt nhân mà ông ta coi là bảo đảm mạnh nhất cho mạng sống của mình.

Trong khi khiêu khích miền Nam, Bắc Hàn cũng liên tục miệt thị những người từng đào thoát khỏi quốc gia ngày nay thực hiện các chiến dịch gửi truyền đơn ngược trở lại Bắc Triều Tiên. Các nhà hoạt động đang sống tại Nam Hàn thường dùng bóng bay hoặc chai nhựa thả xuống sông, để mang truyền đơn, tiền bạc, USB có chứa phim và các video về Kim Jong Un cho người dân miền Bắc.

Bắc Hàn vốn nhạy cảm với bất kỳ lời chỉ trích nào đối với lãnh đạo của mình, đã huy động các chiến dịch lên án dày đặc trên các phương tiện truyền thông đối với những người đào tẩu mà họ gọi là “cặn bã của con người”. Quân đội Bắc Hàn cũng đã công bố kế hoạch hỗ trợ thường dân phóng tờ rơi tuyên truyền chống Hàn Quốc ở các khu vực cận biên giới trên bộ và trên biển, điều các chuyên gia cho rằng có khả năng tạo ra các vấn đề an ninh cho miền Nam.

Japan Times nhận định, trong tình cảnh tuyệt vọng để tránh căng thẳng vượt khỏi tầm kiểm soát, Hàn Quốc tuyên bố sẽ ngăn chặn các nhà hoạt động gốc Bắc Hàn và dọa buộc tội hai anh em sinh ra ở Bắc Triều Tiên, những người đã dẫn đầu các chiến dịch thả tờ rơi qua biên giới và những chai gạo nổi vào miền Bắc bằng đường biển.

Hai anh em này, tên Park Sang-hak và Park Jong-oh tuyên bố sẽ tiếp tục các chiến dịch của họ bất chấp cảnh báo. Họ lên án Seoul đã cúi đầu trước những lời đe dọa của Bắc Triều Tiên.

“Chính phủ Hàn Quốc sẽ phối hợp chặt chẽ với cảnh sát và chính quyền địa phương để tăng cường các phản ứng và an ninh tại chỗ để ngăn cản các chiến dịch gần biên giới”, phát ngôn viên Bộ Thống Nhất Hàn quốc Cho Hye-sil nói hôm thứ Sáu.

Theo Japan Times, mặc dù Seoul có đôi khi dùng cảnh sát để ngăn cản các nhà hoạt động thả truyền đơn vào miền Bắc trong những giai đoạn nhạy cảm, họ vẫn luôn khước từ yêu cầu của Bình Nhưỡng là hoàn toàn cấm hoạt động này, nói rằng việc này được bảo vệ bằng quyền tự do ngôn luận.

Các chuyên gia nói rằng miền Bắc có thể đang sử dụng hoạt động của những người đào tẩu như một cái cớ để tăng áp lực lên miền Nam trong khi củng cố đoàn kết nội bộ và chuyển sự chú ý của công chúng khỏi những thất bại ngoại giao và một nền kinh tế ảm đạm tồi tệ hơn trong đại dịch COVID-19.

Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Moon vừa giảm xuống mức thấp nhất trong khoảng ba tháng sau khi Triều Tiên cho nổ văn phòng liên lạc.

Đức Trí

Xem thêm: