Ngày 23/9, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết, chính quyền Biden sẽ có thêm hành động mạnh tay đối với công ty viễn thông Trung Quốc Huawei nếu cần thiết, sau khi một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa gây áp lực về vấn đề này.

Embed from Getty Images

Washington nhận định Huawei là một mối đe dọa an ninh quốc gia, đồng thời tích cực vận động các quốc gia khác không sử dụng thiết bị Huawei trong mạng 5G thế hệ tiếp theo. Họ cũng cho rằng, mối quan hệ của Huawei với chế độ và quân đội Trung Quốc có thể khiến công ty này phải chịu “áp lực của chính quyền Trung Quốc mà tham gia vào hoạt động gián điệp”.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, khi được hỏi về vấn đề Huawei, bà Raimondo nhắc lại những gì bà nói với các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa vào tháng 1, “rằng tôi sẽ không mềm lòng” và “không nên lo lắng” vì điều đó.

Chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đã thêm Huawei vào Danh sách Thực thể bị trừng phạt của Hoa Kỳ vào tháng 5/2019. Bà Raimondo khẳng định, danh sách này “là một công cụ thực sự mạnh mẽ của chúng tôi, và chúng tôi sẽ sử dụng nó ở mức tối đa có thể để bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ”.

Bà nhấn mạnh: “[Còn về câu hỏi liệu] Chúng tôi sẽ có thêm các hành không không? Nếu cần thiết, thì [tất nhiên là] có.”

Hiện tại phía Huawei từ chối bình luận về nhận xét của bà Raimondo.

Tháng 11/2020, Huawei thông báo họ đang bán đơn vị điện thoại thông minh thương hiệu giá rẻ của mình là Honor Device Co cho một tập đoàn gồm hơn 30 đại lý và chi nhánh. Tháng trước, một nhóm gồm 14 nhà lập pháp Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã yêu cầu Bộ Thương mại thêm Honor Device vào Danh sách Thực thể bị trừng phạt, vì cho rằng đơn vị này được tách ra “để trốn tránh các chính sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, được quyền tiếp cận các loại chip bán dẫn và phần mềm mà nó có lẽ sẽ bị chặn nếu việc thoái vốn không diễn ra”.

Bà Raimondo cũng lưu ý, Bộ Thương mại không ngừng đưa thêm các công ty khác vào Danh sách Thực thể bị trừng phạt.

Vào tháng 6, có thêm 5 công ty Trung Quốc đã được bổ sung vào danh sách này, sau khi Bộ Thương mại xác nhận họ có liên quan đến vấn nạn cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương.

Minh Ngọc (T/h)

Xem thêm: