Trong một cuộc phỏng vấn được tờ Bild của Đức đăng tải ngày 18/3, Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann cho biết, lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ được thi hành nếu ông bước vào lãnh thổ Đức.

Marco Buschmann
Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann. (Sandro Halank, Wikimedia Commons)

Trước đó tại Tokyo vào thứ Bảy (18/3), Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã phát biểu trong một cuộc họp báo với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida rằng “Tòa án Hình sự Quốc tế là cơ quan phù hợp để điều tra các tội ác chiến tranh” và rằng “không ai đứng trên luật pháp, điều đó đang trở nên rõ ràng”.

Tòa án Hình sự Quốc tế đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 17/3. Thẩm phán cho rằng ông Putin phải chịu trách nhiệm hình sự cá nhân về tội ác chiến tranh đã gây ra ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraine.

Theo đơn của công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế, phòng tiền xét xử thứ 2 của tòa án đã ban hành lệnh bắt giữ Putin vào thứ Sáu (17/3).

Cùng ngày, Phòng tiền xét xử thứ 2 cũng ban hành lệnh bắt giữ Cao ủy phụ trách quyền trẻ em của Nga, bà Maria Lvova-Belova. Họ lập luận rằng cả hai đều phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh vì đã “trục xuất và chuyển giao dân số (trẻ em) trái phép từ các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraine cho Nga.”

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) là một cơ quan tư pháp độc lập, có thẩm quyền đối với những người bị buộc tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh. Tòa án được thành lập theo “Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế”, được thông qua vào năm 1998, mà cả Nga và Ukraine đều không tham gia.

Ông Scholz nói với giới truyền thông hôm thứ Bảy (19/3) rằng lệnh bắt giữ ông Putin đã được ban hành: “Không ai đứng trên luật pháp và trật tự. Đây là một nguyên tắc rất quan trọng của luật pháp quốc tế. Trên thực tế, như chúng ta đều biết, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) cũng là một tổ chức quan trọng được ủy quyền từ một hiệp ước quốc tế.”

Ông cũng nói với các phóng viên: “Một lần nữa, rất rõ ràng: ICC là cơ quan thích hợp để điều tra các tội ác chiến tranh. Chúng tôi đã xem xét điều này trong nhiều năm, và luôn đảm bảo rằng nó có trọng lượng xứng đáng. Không ai đứng trên luật pháp. Điều này ngày càng trở nên rõ ràng.”

Ý nghĩa thực tế của lệnh bắt giữ này có thể bị hạn chế, vì khả năng ông Putin phải đối mặt với phiên tòa xét xử tại ICC rất khó xảy ra. Moscow không công nhận thẩm quyền của tòa án hay dẫn độ công dân của mình. Tuy nhiên, ông Putin sẽ phải đối mặt với việc bị bắt giữ nếu ông đi du lịch nước ngoài đến một quốc gia thành viên ICC.

Trong một cuộc phỏng vấn, một phóng viên của tờ Bild của Đức đã đề cập đến tuyên bố của ông Scholz rằng “không ai đứng trên luật pháp” và hỏi: “Hiện giờ ông Putin có phải dự tính đến việc sẽ bị bắt khi đang đi du lịch nước ngoài hay không?”

Bộ trưởng Tư Pháp Đức Buschmann trả lời: “Tôi dự tính ICC sẽ nhanh chóng liên hệ với Interpol và các Quốc gia thành viên, để yêu cầu họ thực thi luật”.

“Nếu ông Putin bước vào lãnh thổ Đức, Đức sẽ có nghĩa vụ bắt giữ Putin và giao nộp ông ta cho Tòa án Hình sự Quốc tế”, ông Buschmann nói thêm.

Không giống như Nga, Đức là một trong những nước thực hiện “Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế”. Ông Marcel Kau, Giáo sư luật quốc tế tại Đại học Konstanz ở Đức, cũng tán thành với quan điểm này.

Ông Marcel Kau coi lệnh bắt giữ ở The Hague, Hà Lan là “một biện pháp quyết liệt với ý nghĩa pháp lý sâu rộng, và hơn nữa là hậu quả thực tế đối với quyền tự do đi lại của ông Putin”.

2/3 các quốc gia trên thế giới bị ràng buộc bởi Quy chế Rome của ICC, bao gồm tất cả các quốc gia thành viên EU.

Ông Marcel Kau nói thêm: “Tòa án quốc tế ngày càng có nhiều thảo luận rằng các quốc gia không tham gia hiệp ước cũng có thể có nghĩa vụ dẫn độ bị cáo đến The Hague”.

Ông cũng nói: “Ngay cả khi muốn mời ông Putin đến EU để đàm phán hòa bình, cũng phải miễn trừ lệnh bắt giữ ông ấy một cách hợp pháp”. Trong mọi trường hợp, nhiều khả năng ông Putin sẽ không bao giờ tự nguyện đặt chân lên đất phương Tây, báo cáo cho biết.

Trong một tuyên bố, ông Alexander Bastrykin, người đứng đầu Ủy ban Điều tra Liên bang Nga, cho biết ông đã yêu cầu đánh giá pháp lý về tuyên bố của Bộ trưởng Tư pháp Đức về việc bắt giữ công dân Nga trên đất Đức, hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin.

“Chủ tịch Ủy ban Điều tra Liên bang Nga đã giao nhiệm vụ cho văn phòng trung ương của mình cung cấp đánh giá pháp lý cần thiết về tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Đức, liên quan đến việc thực hiện yêu cầu bất hợp pháp của Tòa án Hình sự Quốc tế, về việc bắt giữ công dân Nga trên lãnh thổ Đức trong khuôn khổ của cuộc kiểm tra đang diễn ra,” tuyên bố cho biết.

Ngày 19/3, khi được hỏi liệu việc Đức thừa nhận lệnh của ICC có thể dẫn đến sự rạn nứt trong quan hệ Nga – Đức hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Nga đã và sẽ làm những gì phục vụ tốt nhất lợi ích của mình. Chúng tôi coi bất kỳ quyết định nào của ICC là vô hiệu về mặt pháp lý”.

Bình Minh (t/h)