Hôm thứ Hai (18/4), bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine cho biết, cuộc xâm lược của Nga đã làm hư hỏng hoặc phá hủy lên tới 30% cơ sở hạ tầng của Ukraine với trị giá 100 tỷ đô la. Đồng thời ông còn đề xuất, việc xây dựng lại các cơ sở hạ tầng này có thể hoàn thành trong 2 năm bằng cách sử dụng các tài sản bị đóng băng của Nga để giúp tài trợ cho việc tái thiết này.

Embed from Getty Images

Trước đó, Ukraine không nêu ra tác động cụ thể của cuộc xâm lược đối với cơ sở hạ tầng nước này, chẳng hạn như đường xá và cầu cống, mặc dù các quan chức Ukraine ước tính tổng thiệt hại cho mọi thứ từ giao thông cho đến nhà cửa và các tòa nhà khác cho đến nay là khoảng 500 tỷ đô la. 

Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksander Kubrakov lưu ý với Reuters: “Trên thực tế, tất cả thành phần của cơ sở hạ tầng giao thông của chúng tôi đều bị hư hại dưới hình thức này hoặc dưới hình thức khác.”

Ông nhận định, cuộc xâm lược mà Nga gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” được phát động vào cuối tháng 2, đã ảnh hưởng đến “20% đến 30% tất cả cơ sở hạ tầng với các mức độ hư hỏng khác nhau, với các mức độ tàn phá khác nhau.”

Bộ trưởng Kubrakov cho hay, hơn 300 cây cầu trên các tuyến đường quốc gia đã bị phá hủy hoặc hư hỏng, hơn 8.000 km đường phải được sửa chữa hoặc xây dựng lại và hàng chục cây cầu đường sắt bị nổ tung. Ông ước tính tổng chi phí thiệt hại cho đến nay khoảng 100 tỷ đô la.

Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine tiết lộ, bộ của ông đã bắt đầu tiến hành một số công việc tái thiết ở những khu vực hiện nay nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Ukraine.

Ông dự đoán: “Nếu chúng ta nói về đường xá, cầu cống và các tòa nhà dân cư, tôi tin rằng hầu hết mọi thứ có thể được xây dựng lại trong hai năm… nếu mọi người làm việc một cách nhanh chóng.”

Trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến, các lực lượng Nga áp sát thủ đô Kiev của Ukraine, gây thiệt hại trên diện rộng cho các thị trấn và cơ sở hạ tầng trong khu vực này. Quân đội Nga đã rút lui khỏi các khu vực phía Bắc xung quanh thủ đô Kiev trong tháng này để tập trung cho chiến dịch tấn công các khu vực phía Đông và Nam của Ukraine, bao gồm thành phố cảng Mariupol đang bị bao vây và bị tàn phá nặng nề.

Bộ trưởng Kubrakov hy vọng các quốc gia phương Tây sẽ hỗ trợ công việc tái thiết của Ukraine. Đồng thời ông gợi ý, các quỹ tài trợ có thể được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau để hỗ trợ nỗ lực tái thiết này.

Ông đề nghị: “Có một số nguồn đang được cân nhắc. Đầu tiên là các tài sản của Liên bang Nga hiện đang bị đóng băng ở hầu hết các nước lớn.”

Liên minh châu Âu đang tìm cách tạo ra ngân quỹ quốc tế cho việc tái thiết Ukraine. Đặc biệt, không ít chính trị gia EU kêu gọi sử dụng các tài sản của Nga bị phương Tây đóng băng, bao gồm cả 300 tỷ đô la dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga.

Bộ trưởng Kubrakov tiết lộ, Bộ Tư pháp Ukraine và các đồng minh của nước này đang làm việc để tìm cách sử dụng các tài sản bị đóng băng của Nga. Theo ông, một trong số các lựa chọn đó là bán các tài sản bị tịch thu của Nga thông qua “cơ chế minh bạch” như cách ông gọi, để lấy tiền mặt phục vụ cho việc tái thiết.

Ông giải thích: “Tôi tin rằng điều này là công bằng, cơ chế như vậy chưa bao giờ được sử dụng. Đây sẽ lần đầu tiên.” Đồng thời ông lưu ý việc thiết lập cơ chế như vậy sẽ cần một số công việc tiên phong. Ông nhấn mạnh: “Chưa có tiền lệ nào [về điều này]. Đã có tiền lệ nào về việc một quốc gia ở châu Âu tấn công quốc gia khác trong thế kỷ 21 chưa?”

Gia Huy (Theo Reuters)

Xem thêm:

Mời xem video: