Ngày 4/10 vừa qua Triều Tiên đã phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung bay qua không phận Nhật Bản, sau đó ngày 6/10 lại thử hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn, như vậy trong 12 ngày ông Kim Jong-un đã cho thử tên lửa tổng cộng 6 lần. Triều Tiên đang có tính toán gì trong bối cảnh xáo trộn về địa chính trị hiện nay đặc biệt từ sau cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine?

Screen Shot 2022 08 11 at 14.04.37
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: KCNA)

Theo Wall Street Journal (WSJ), năm nay nhà cầm quyền Triều Tiên Kim Jong-un đã đẩy việc thử nghiệm vũ khí lên một tầm cao mới: Ngày 24/3 họ đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa một lần nữa chứng tỏ khả năng của Bình Nhưỡng trong việc tấn công lục địa Mỹ; ngày 4/10 lại bắn thử tên lửa tầm trung bay qua không phận Nhật Bản, từng khiến người dân Nhật đưa ra cảnh báo trú ẩn.

Triều Tiên coi chương trình vũ khí hạt nhân của họ là quan trọng nhằm giúp ngăn chặn một cuộc xâm lược quân sự do Mỹ dẫn đầu, vì vậy các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa, trừng phạt kinh tế và phản ứng ngoại giao trong nhiều thập kỷ qua đã không thể làm chậm bước tiến của ông Kim Jong-un tới “câu lạc bộ vũ khí hạt nhân”. Vào năm 2003, nước này đã rút khỏi ‘Hiệp ước phổ biến vũ khí hạt nhân’ (NPT).

Theo cơ sở dữ liệu (tính từ khoảng năm 1984) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, Triều Tiên cho đến nay đã tiến hành hơn 110 vụ thử tên lửa và hạt nhân, trong đó hơn 80 vụ  được tiến hành từ cuối năm 2011 bắt đầu thời ông Kim Jong-un nắm quyền.

Mặc dù Bình Nhưỡng chỉ thử nghiệm tên lửa tầm ngắn trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhưng năm nay (2022) nước này đã bắt đầu khiêu khích trở lại. Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho biết Bình Nhưỡng đã hoàn thành việc chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân đầu tiên sau 5 năm.

Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đạt mức độ nào?

Vào tháng 7/2020, quân đội Mỹ đã lưu ý rằng Triều Tiên có thể có từ 20 – 60 quả bom hạt nhân, và mỗi năm nước này có khả năng sản xuất 6 quả bom hạt nhân. Vào tháng 5/2021, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ là Mark Milley cho hay khi làm chứng trước Quốc hội, rằng việc Triều Tiên phô trương sức mạnh là để chứng minh họ có thể gây nguy hiểm thực sự cho Mỹ cùng các đồng minh và các đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ.

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn chưa cho thấy khả năng chắc chắn có thể tấn công được Mỹ bằng vũ khí hạt nhân, vì đòi hỏi phải phát triển một đầu đạn có thể chịu được nhiệt độ cao và áp lực khi bay trên tầng khí quyển. Hiện nay, tên lửa xuyên lục địa của Triều Tiên vẫn đang được thử nghiệm để tính toán tầm bắn vào đất liền nước Mỹ, để làm sao tên lửa không rơi xuống biển. Do đó, công nghệ của Bình Nhưỡng vẫn còn tồn tại nhiều nghi ngờ. Ngoài ra, Triều Tiên cũng thiếu công nghệ hệ thống định vị để có thể nhắm đúng mục tiêu một cách chính xác.

Đến nay, Triều Tiên đã tiến hành tổng cộng 6 vụ thử hạt nhân, lần gần đây nhất là vụ thử vào tháng 9/2017 ước tính có sức công phá mạnh gấp 5 lần quả bom nguyên tử do Mỹ ném xuống Nagasaki Nhật Bản năm 1945. Trong chính sách 5 năm gần nhất về vũ khí chiến lược của Triều Tiên, ông Kim Jong-un hy vọng nước này có thể phát triển khả năng tên lửa mang nhiều đầu đạn hạt nhân.

Tháng Chín vừa qua, Triều Tiên đã thông qua luật mới cho phép họ có quyền tự vệ bằng một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu. Khi đó, ông Kim Jong-un đã tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân để đối đầu với Mỹ.

Triều Tiên có vũ khí gì có thể dùng làm con bài mặc cả?

Theo đánh giá của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15 mà Triều Tiên thử nghiệm năm 2017 có khả năng tấn công tới bất cứ nơi nào trên đất liền nước Mỹ. Theo ước tính của chuyên gia, tên lửa Hwasong-15 có tầm bắn 13.000 km và có thể tấn công đất liền Mỹ chưa đầy 30 phút sau khi phóng.

Tháng 1/2021, ông Kim Jong-un đặt mục tiêu tăng tầm bắn của tên lửa lên khoảng 15.000 km. Theo báo cáo của quân đội Hàn Quốc trước Quốc hội, tên lửa liên lục địa được Triều Tiên thử nghiệm vào tháng 3 năm nay cho thấy quả thực có thể đạt tầm bắn 15.000 km, nhưng Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chưa chắc chắn đó có phải là bản cải tiến của Hwasong-15 hay là Hwasong-17 thế hệ mới.

Còn về tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên thì nhiều lần cho thấy chúng có khả năng bắn vào Hàn Quốc và Nhật Bản – là những nơi quân đội Mỹ đóng quân. Tên lửa tầm trung bay qua Nhật Bản vào ngày 4/10 có tầm bắn khoảng 4.600 km, trong khi căn cứ của Mỹ trên đảo Guam chỉ cách Triều Tiên khoảng 3.200 km.

Các chuyên gia vũ khí cho biết đại đa số các vụ thử của Triều Tiên trong những năm gần đây đều nhằm tăng cường sức mạnh cho các tên lửa tầm ngắn, khiến hầu hết chúng có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Bình Nhưỡng tuyên bố đã phóng thành công tên lửa từ tàu ngầm và tàu hỏa là những phương tiện có thể tránh được đòn tấn công của Mỹ và Hàn Quốc; nhiều tên lửa mới được tiết lộ của Triều Tiên cũng đã được chuyển đổi sang nhiên liệu rắn cho phép tên lửa cơ động hơn và triển khai nhanh hơn.

Bất ổn vùng Đông Bắc Á gia tăng là cơ hội cho Triều Tiên

Theo Washington Post, vụ thử tên lửa của Triều Tiên có nhiều mục đích, bao gồm cải thiện kỹ thuật và gửi tín hiệu chính trị đến thế giới, “nhắc nhở” rằng tiến trình đàm phán hạt nhân đang bị đình trệ, trong khi thời gian này khả năng quân sự của Triều Tiên đã tăng lên.

Thêm nữa là nguy cơ quân sự ngày càng tăng từ Trung Quốc cùng việc Nga xâm lược Ukraine đã khiến tình hình an ninh khu vực Đông Bắc Á trở nên bất ổn hơn. Sau khi Nga xâm lược Ukraine thì quan hệ giữa Triều Tiên và Nga trở nên thân thiết hơn, trong khi mối quan hệ giữa Nhật Bản và Nga trở nên xấu đi. Thêm vào đó căng thẳng Mỹ – Trung Quốc gia tăng cũng khiến Bắc Kinh và Bình Nhưỡng xích lại gần nhau hơn. Điều này lại làm mâu thuẫn với Hàn Quốc tăng lên. Chính quyền Hàn Quốc thời Tổng thống Yoon Suk-yeol thuộc phe bảo thủ đã thân thiết hơn nữa với Washington và có xu hướng cứng rắn với Triều Tiên.

Nhà nghiên cứu Robert Ward tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) trụ sở tại Anh cho rằng trong bối cảnh như vừa nêu, Bình Nhưỡng có thể cảm thấy bất ổn khu vực hiện nay là một cơ hội. Họ muốn nhắc nhở cộng đồng quốc tế đang chỉ tập trung vào vấn đề Nga – Ukraine rằng đừng quên còn có Triều Tiên.

Reuters dẫn lời “Cơ quan Tình báo Quốc gia” của Hàn Quốc, thông tin rằng Triều Tiên đã hoàn tất việc chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân, thời điểm khả dĩ nhất là từ ngày 16/10 – 7/11. Đây có thể là vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên kể từ năm 2017. Theo thông tin tình báo, bãi thử hạt nhân Punggye-ri đã sẵn sàng, tại bãi thử này kể từ năm 2006 Triều Tiên đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân.