Với sự hỗ trợ của máy bay quân sự, quân đội Brazil hôm thứ Bảy (24/8) đã đổ bộ xuống khu vực Amazon để dập lửa. Cháy rừng Amazon đã càn quét một khu vực rộng lớn và kích hoạt các cuộc biểu tình chống chính phủ, cũng như sự phản ứng giận dữ của quốc tế.

Cháy rừng Amazon đang trở thành vấn đề nóng toàn cầu.
Cháy rừng Amazon đang trở thành vấn đề nóng toàn cầu. (Ảnh từ ShutterStock)

Hãng tin AP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Brazil Fernando Azevdo cho biết khoảng 44.000 binh lính sẽ được triển khai vào các hoạt động “chưa từng có tiền lệ” để dập tắt cháy rừng. Lực lượng quân đội này đang hướng tới 6 bang tại Brazil gồm Roraima, Rondonia, Tocantins, Para, Acre và Mato Grosso.

Ông Azevedo nói rằng toán binh lính đầu tiên khoảng 700 người sẽ được triển khai tới Porto Velho, thủ phủ của bang Rondonia. Lực lượng quân đội này sẽ sử dụng hai máy bay vận tải C-130 Hercules có khả năng chở tới 12.000 lít nước đổ vào đám cháy.

Quân đội được huy động tới hỗ trợ chữa cháy rừng Amazon đến sau khi người dân và cộng động thế giới chỉ trích mạnh mẽ cách Tổng thống Brazil Bolsonaro xử lý thảm họa thiên nhiên.

Trước sức ép của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước Châu Âu, ông Bolsonaro hôm thứ Sáu (23/8) đã ra lệnh cho lực lượng quân đội triển khai chữa cháy. Tổng thống Brazil khi đó nói rằng ông cam kết bảo vệ rừng Amazon.

Bất chấp quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế, trao đổi với phóng viên hôm thứ Bảy (24/8), Tổng thống Bolsonaro nói rằng tình hình đang trở lại bình thường. Ông Bolsonaro cho biết ông đang “nói chuyện với mọi người” về vấn đề này, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và nhiều lãnh đạo của các nước Mỹ La-tinh.

Tổng thống Bolsonaro đã từng nói rằng việc bảo vệ rừng mưa nhiệt đới làm cản trở phát triển kinh tế của Brazil. Trong khi, những người chỉ trích vị tổng thống theo đường lối bảo thủ này cho rằng rừng Amazon hấp thụ lượng lớn khí nhà kính và đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực kiềm chế biến đổi khí hậu trái đất.

Cháy rừng Amazon hiện đã trở thành một vấn đề toàn cầu, làm leo thang căng thẳng giữa Brazil và các nước Châu Âu. Một số nhà lãnh đạo Châu Âu cho rằng ông Bolsonaro đã phớt lờ các cam kết bảo vệ đa dạng sinh học. Cũng đã có một số cuộc biểu tình diễn ra bên ngoài các cơ quan ngoại giao của Brazil tại Châu Âu, Mỹ La-tinh và trong nội bộ Brazil vào ngày thứ Sáu (23/8).

Theo AP, người biểu tình bên ngoài sứ quán Brazil tại Mexico City đã mang theo biểu ngữ ghi: “Những lá phổi của hành tinh này đang bị cháy. Chúng ta hãy cứu chúng!

Căng thẳng liên quan tới cháy rừng Amazon thậm chí đã lan sang lĩnh vực kinh tế khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên tiếng đe dọa sẽ chặn một thỏa thuận thương mại giữa Liên minh Châu Âu với Brazil và một số quốc gia Mỹ La-tinh khác.

Trước tiên chúng ta cần giúp Brazil và các nước khác dập đám cháy này,” AP dẫn lời ông Macron nói hôm 24/8.

Tổng thống Pháp nhấn mạnh mục tiêu là phải “bảo vệ khu rừng mà tất cả chúng ta đều cần vì nó là kho báu của đa dạng sinh học và khí hậu của chúng ta nhờ việc nó hấp thụ khí carbon và nhả ra khí oxy”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel trước khi bay tới Pháp dự thượng đỉnh G7 cũng nói rằng các lãnh đạo của nhóm các nước kinh tế phát triển hàng đầu thế giới “không thể im lặng” và nên thảo luận về cách giúp dập tắt cháy rừng Amazon.

Các công tố viên Brazil đang tiến hành điều tra xem liệu việc thực thi lỏng lẻo các quy định môi trường có phải là nguyên nhân làm gia tăng các vụ cháy rừng hay không.

Bộ Tư pháp Brazil cũng cho biết cảnh sát liên bang sẽ tới các khu vực có cháy rừng để giúp các cơ quan hữu quan của các bang và đấu tranh với “nạn phá rừng bất hợp pháp”.

Brazil vào mùa khô thường xuyên xảy ra cháy rừng, nhưng năm nay số lượng các vụ cháy gia tăng đột biến. Giới chức Brazil thông báo rằng cho tới thời điểm này của năm 2019 đã xảy ra 77.000 vụ cháy rừng trên khắp cả nước, tăng tới 85% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, hơn một nửa số vụ cháy rừng xảy ra ở khu vực rừng Amazon.

Xuân Thành

Xem thêm: