“30 năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, người Mỹ giờ không còn hiểu được sự nguy hại của chủ nghĩa cộng sản”, ông Marion Smith, Giám đốc Điều hành của Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản viết trên tờ USA Today ngày 8 tháng 11 năm 2019. “Có một lý do vì sao sau một thảm kịch lớn, chúng ta lại được nhắc nhở đừng bao giờ quên. Nhân loại có xu hướng lặp đi lặp lại những sai lầm tương tự.”

tuyên truyền
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

*

Phần 3: Đảng Cộng sản Trung Quốc
tuyên truyền 24/7 trên Quảng trường Thời đại

Ngày 19 tháng 5 năm 2011, Xinhua (Tân Hoa Xã) – cơ quan phát ngôn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – đã chuyển trụ sở chính ở Bắc Mỹ tới địa chỉ 1540 Broadway với hợp đồng thuê 20 năm. Một cơ quan phát ngôn khác của ĐCSTQ, People’s Daily Online (Nhân Dân Nhật báo), đã thuê văn phòng ở Tòa nhà Empire State vào ngày 13/7/2011.

Kể từ ngày 1/8/2011, Tân Hoa Xã đã hiện diện 24/7 trên bảng quảng cáo kích thước chừng 18 x 12 mét (60 x 40 feet) hướng ra Quảng trường Thời đại. NPR đưa tin: “Cái bảng đó nằm bên trên mấy bảng quảng cáo nhấp nháy của Prudential, Coca-Cola và Samsung, khiến nó trở thành một trong những bảng quảng cáo bắt mắt nhất trên thế giới.”

Những nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của ĐCSTQ ra bên ngoài Trung Quốc không phải là không ai biết. David Shambaugh, Giám đốc Chương trình Chính sách Trung Quốc tại Đại học George Washington, ước tính Trung Quốc chi từ 10-12 tỷ đô la mỗi năm cho rất nhiều nỗ lực để có được “quyền lực mềm”, từ các chiến dịch quan hệ công chúng và vận động hành lang theo kiểu truyền thống đến các kiểu gây dựng ảnh hưởng kín đáo hơn, theo bài báo đăng trên Financial Times tháng 12/2017 với tiêu đề “Phương Tây tăng cường cảnh giác với chiêu bài gây ảnh hưởng của Trung Quốc: Chính phủ các nước lo ngại trước những nỗ lực định hướng dư luận của Bắc Kinh ​​về hệ thống độc tài của nước này” (West grows wary of China’s influence game: Governments are worried about Beijing’s efforts to shape opinion of its authoritarian system).

China Daily (Trung Hoa Nhật báo) đã trả tiền cho các tờ báo lớn của Hoa Kỳ để đăng bài dưới dạng phụ lục hoặc tờ rời, trong đó có The Wall Street Journal, The New York Times, The Washington Post, và USA Today. Tất cả bài đăng dưới dạng tờ rời mang tên “China Watch” (Theo dõi Trung Quốc), một cái tên nghe có vẻ như sẽ là cơ quan độc lập phân tích tình hình Trung Quốc, nhưng toàn bộ nội dung trong đó đều là từ China Daily.

Với chiến lược này, ĐCSTQ đã xác định độc giả mục tiêu, đặc biệt là các nhà lãnh đạo thế giới, các nhà hoạch định chính sách, người ra quyết định, người có tầm ảnh hưởng, và người quan tâm đến kinh doanh ở khoảng 30 hãng thông tấn trên toàn cầu. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (Reporters Without Borders, RSF) nhận định: “Với sự hỗ trợ của các bài viết mang tính quảng cáo và quảng cáo có mục tiêu, Bắc Kinh đang theo đuổi chính sách con ngựa thành Troy để đưa tuyên truyền của mình ra truyền thông nước ngoài.”

Trong một bài báo đăng ngày 22/10/2019 có tiêu đề “Trung Quốc theo đuổi một trật tự thế giới mới trong ngành truyền thông” (China’s Pursuit of a New World Media Order), RSF điều tra chiến lược kiểm soát thông tin ở nước ngoài của Trung Quốc. Bài báo cho hay: “Tuy chưa đình đám bằng Sáng kiến ​​Vành đai Con đường, nhưng cũng không kém phần tham vọng, chiến lược này là mối đe dọa đối với tự do báo chí trên toàn thế giới.”

Bài báo của RSF lưu ý rằng các chiến lược của Bắc Kinh hết sức đa dạng, từ hiện đại hóa truyền hình quốc tế của Trung Quốc, mua lượng lớn quảng cáo trên truyền thông quốc tế, đến thâm nhập vào truyền thông nước ngoài để thuê tống tiền, dọa dẫm, và gây rối trên quy mô lớn.

Christophe Deloire, Tổng Thư ký RSF, cho biết: “Trên tinh thần của chính quyền Bắc Kinh, các nhà báo không dám trở thành thế lực chống đối mà phải phục vụ cho việc tuyên truyền của nhà nước. Nếu các nước dân chủ không kháng cự thì Bắc Kinh sẽ áp đặt quan điểm và tuyên truyền của nó, đó là mối đe dọa cho báo chí và nền dân chủ.”

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã đầu tư một lượng tiền khổng lồ cho việc phát triển truyền thông để có thể tiếp cận khán giả quốc tế. Trong đó có đài phát thanh truyền hình nhà nước là CGTN phát sóng các chương trình truyền hình tại 140 quốc gia, và China Radio International phát sóng bằng 65 ngôn ngữ.

Báo cáo của RSF lưu ý: “Chính quyền này đã thuyết phục hàng vạn nhà báo tại các quốc gia mới nổi tới Bắc Kinh để được ‘đào tạo tư duy phản biện’, và đài thọ toàn bộ chi phí cho họ, đổi lại, họ sẽ phải viết những bài báo có lợi cho Trung Quốc.”

Trong khi đó, “Bắc Kinh cũng đang xuất khẩu các công cụ kiểm duyệt và giám sát của nó, kể cả công cụ tìm kiếm Baidu và nền tảng nhắn tin nhanh WeChat”, một bài báo của RSF cho hay, đồng thời cũng lưu ý rằng: “Bắc Kinh yêu cầu đe dọa và dùng vũ lực để bịt miệng những người bất đồng chính kiến, ngay cả tại các quốc gia dân chủ”, để không lệch với tin tức chính thức của nó.

Ngày 18/2/2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xác định năm cơ quan truyền thông là cơ quan tuyên truyền cho cộng sản Trung Quốc do nhà nước Trung Quốc bảo trợ. Đó là: Tân Hoa Xã (Xinhua News Agency), Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (China Global Television Network, CGTN), Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (China Radio International), Tập đoàn Phân phối Nhật báo Trung Quốc (China Daily Distribution Corporation), và nhà phát hành của Nhân Dân Nhật báo (Hai Tian Development USA).

*

Phần 4: Ảnh hưởng sâu đậm của ĐCSTQ
ở Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ

Mặc dù Liên Hiệp Quốc có trụ sở chính tại New York, Mỹ, nhưng trong suốt thời gian qua, nó là tổ chức quốc tế bị Trung Quốc thao túng nhiều nhất.

Một bài báo của Fox News ngày 14/12/2019 cho hay Emma Reilly, một nhân viên Liên Hiệp Quốc, đã gửi thư cho các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và các nghị sỹ Quốc hội vào ngày 21/10/2019, trong đó nêu rõ “Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (Office of The High Commissioner for Human Rights, OHCHR) rõ ràng vẫn tiếp tục cung cấp tin tức trước cho ĐCSTQ về việc nhà hoạt động nhân quyền nào dự kiến sẽ tham gia các cuộc họp” tại Geneva. Một số trong những nhà hoạt động nhân quyền này là những người bất đồng chính kiến ​​Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ, cũng là công dân hoặc cư dân thường trú của Hoa Kỳ.

Bài báo cho hay Reilly nói việc này diễn ra từ năm 2013 và được báo cáo lần đầu vào năm 2017. “Thay vì hành động để ngăn chặn việc tiết lộ những cái tên đó, Liên Hiệp Quốc lại tập trung trả đũa tôi vì dám báo cáo. Tôi đã bị khai trừ, bị phỉ báng công khai, bị tước đi chức vị, và sự nghiệp của tôi đã tan tành”, Reilly cho biết.

Ông John Fisher, Chủ nhiệm của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), nhận xét rằng ĐCSTQ đang diễn trò kéo dài về nhân quyền, từ từ làm xói mòn hệ thống Ủy ban Nhân quyền và Hội đồng Nhân quyền LHQ, thậm chí cả LHQ và các cơ cấu liên quan khác, biến những cơ cấu này thành những công cụ có lợi cho ĐCSTQ.

Ông Fisher chỉ ra, một mặt, ĐCSTQ ngăn chặn những lời chỉ trích của quốc tế về đàn áp nhân quyền của họ; mặt khác, ĐCSTQ phổ biến quan điểm gọi là “chủ quyền quốc gia”“không can thiệp vào công việc nội bộ” nhằm làm suy yếu các chuẩn mực, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của tổ chức nhân quyền quốc tế.

Vào ngày 1/4/2020, ông Jiang Duan, Tham tán công sứ của Phái đoàn thường trực Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa, đã được bổ nhiệm vào nhóm tư vấn Hội đồng Nhân Quyền. Nhiệm kỳ của ông này sẽ kéo dài đến ngày 31/3/2021 với vai trò quan trọng trong việc lựa chọn các nhà điều tra nhân quyền từ các tổ chức trực thuộc Liên Hiệp Quốc.

Với vai trò mới nêu trên, Trung Quốc sẽ đóng vai trò chính trong việc chọn lựa ít nhất 17 nhà giám sát & điều tra nhân quyền về các vấn đề tự do ngôn luận, mất tích, giam giữ tùy tiện v.v. Trớ trêu khi đây là tất cả những điều mà chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc được cho là đã và đang vi phạm nghiêm trọng.

Mọi tổ chức trong Liên Hiệp Quốc đều ít nhiều bị thao túng. Trong đại dịch virus corona, Trung Quốc đã ra sức gây ảnh hưởng rất lớn đến WHO.

“WHO đã lặp lại thông tin của chính quyền Trung Quốc mà không cần suy xét, phớt lờ những cảnh báo của các bác sỹ Đài Loan – nước không phải là thành viên tại WHO – và miễn cưỡng tuyên bố ‘tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng’, rồi phủ nhận sau cuộc họp ngày 22/1 rằng ‘không cần thiết phải làm vậy’”, theo tờ Foreign Policy (Chính sách Đối ngoại) đưa tin ngày 2/4/2020 trong một bài viết có tiêu đề “WHO đã trở thành kẻ đồng lõa với Trung Quốc trong dịch virus corona như thế nào” (How WHO Became China’s Coronavirus Accomplice).

Trước sức ép từ ĐCSTQ, Liên Hiệp Quốc còn từ chối cho Đài Loan gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và Interpol.

(Còn nữa)

Đăng lại từ Minghui.org
Anh Tử, Điền Vân

Xem thêm: