Công ty ByteDance nói với Reuters hôm 15/3, Chính quyền Biden đã yêu cầu các chủ sở hữu người Trung Quốc của TikTok thoái vốn cổ phần của họ trong Tik Tok nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm của Hoa Kỳ.

shutterstock 1782211421
(Ảnh: Shutterstock)

Theo nguồn tin của Wall Street Journal, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (Cfius) đã yêu cầu ByteDance bán cổ phần trong TikTok. Đây là động thái mới nhất trong một loạt các bước đi gần đây của các quan chức và nhà lập pháp Hoa Kỳ, những người đã liên tục nêu quan ngại rằng dữ liệu người dùng của TikTok tại Hoa Kỳ có thể được chuyển cho chính phủ Trung Quốc. TikTok thuộc sở hữu của ByteDance và hiện có hơn 100 triệu người dùng ở Hoa Kỳ.

Đây là lần đầu tiên chính quyền của Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden đe dọa ban hành lệnh cấm tiềm năng đối với TikTok. Trước đó vào năm 2020, cựu Tổng thống Donald Trump đã từng cố gắng cấm TikTok nhưng bị tòa án chặn lại do vi phạm tu chánh án Berman.

Phát ngôn viên của TikTok, Brooke Oberwetter nói với Reuters, công ty họ gần đây đã nhận được thông tin từ Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) do Bộ Tài chính Hoa Kỳ đứng đầu, yêu cầu các chủ sở hữu ứng dụng Trung Quốc bán cổ phần của họ và tuyên bố nếu không làm vậy họ sẽ phải đối mặt với lệnh cấm Tik Tok của Hoa Kỳ.

Theo WSJ, 60% cổ phần của ByteDance thuộc sở hữu của các nhà đầu tư toàn cầu, 20% thuộc về nhân viên và 20% thuộc sở hữu của những người sáng lập.

CFIUS, một cơ quan an ninh quốc gia đầy quyền lực đã nhất trí khuyến nghị ByteDance thoái vốn khỏi TikTok vào năm 2020.

Đáp lại, ông Oberwetter cho rằng: “Nếu bảo vệ an ninh quốc gia là mục tiêu, thì việc thoái vốn không giải quyết được vấn đề: thay đổi quyền sở hữu sẽ không áp đặt bất kỳ hạn chế mới nào đối với luồng dữ liệu hoặc quyền truy cập.”

Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew sẽ chứng thực trước Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện vào ngày 23/3 sắp tới về các hoạt động bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư của ứng dụng. Không rõ liệu chính quyền Trung Quốc có chấp thuận bất kỳ việc thoái vốn nào hay không.

TikTok và CFIUS đã đàm phán hơn hai năm về các yêu cầu bảo mật dữ liệu. TikTok khẳng định họ đã chi hơn 1,5 tỷ USD cho các nỗ lực bảo mật dữ liệu nghiêm ngặt và bác bỏ các cáo buộc gián điệp.

Hôm 15/3, đại diện của TikTok cho biết, “cách tốt nhất để giải quyết những lo ngại về an ninh quốc gia là bảo vệ hệ thống và dữ liệu người dùng của Hoa Kỳ một cách minh bạch, với sự giám sát, kiểm tra và xác thực mạnh mẽ của bên thứ ba.”

Tuần trước, Nhà Trắng đã ủng hộ dự luật của hàng chục thượng nghị sĩ nhằm mở rộng quyền lực của chính phủ để có thể cấm TikTok và các công nghệ có nguồn gốc nước ngoài khác nếu chúng gây ra các mối đe dọa an ninh quốc gia. 

Dự luật, còn được gọi là Đạo luật Hạn chế sự xuất hiện của các mối đe dọa bảo mật gây rủi ro cho công nghệ thông tin và truyền thông (RESTRICT), sẽ tăng quyền lực của Bộ Thương mại trong việc xem xét và ngăn chặn các giao dịch công nghệ và thông tin liên lạc từ các công ty công nghệ thuộc sở hữu của sáu quốc gia đối thủ nước ngoài gồm Trung Quốc, Nga, Bắc Triều Tiên, Iran, Cuba và Venezuela.

Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan đã ca ngợi dự luật lưỡng đảng này, nhận định rằng nó “sẽ tăng cường khả năng của chúng tôi trong việc giải quyết các rủi ro riêng biệt do các giao dịch cá nhân gây ra, cũng như rủi ro hệ thống do một số loại giao dịch liên quan đến các quốc gia trong các lĩnh vực công nghệ nhạy cảm.”

Nhật Minh (T/h)