Ngày 8/12, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định, sẽ có “một cuộc tẩy chay ngoại giao” đối với Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh, và nước Anh không có kế hoạch cho bất kỳ bộ trưởng nào tham dự kỳ thế vận hội này.

Embed from Getty Images

Dù vậy, ông không chính thức gọi đây là một cuộc tẩy chay ngoại giao, nhắc lại rằng chính phủ Anh không ủng hộ các cuộc tẩy chay thể thao.

Trong phiên chất vấn Thủ tướng tại Quốc hội, các nghị sĩ đã thúc giục ông Johnson tham gia cùng Hoa Kỳ và một số quốc gia khác tẩy chay sự kiện gây tranh cãi này vì hồ sơ vi phạm nhân quyền tồi tệ của chế độ cộng sản Trung Quốc.

Đáp lại yêu cầu của Nghị sĩ Đảng Quốc Gia Scotland Kirsten Oswald, ông Johnson cho hay: “Như tôi đã nói trước đây, chúng ta không ủng hộ tẩy chay thể thao, nhưng cũng không có kế hoạch cho các bộ trưởng tham dự Thế vận hội Mùa đông.”

Khi được đề nghị tiến xa hơn và “đi đầu về nhân quyền” bằng cách tuyên bố tẩy chay Thế vận hội, thủ tướng xác nhận với cựu lãnh đạo Đảng Bảo Thủ, Nghị sĩ Iain Duncan Smith, “sẽ có một cuộc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh.”

“Dự kiến ​​sẽ không có bộ trưởng nào tham dự… Và sẽ không có quan chức nào,” ông tiếp tục.

“Nhưng những gì tôi có thể nói với Hạ viện là tôi không cho rằng tẩy chay thể thao là hợp lý. Đó vẫn là chính sách của chính phủ.”

Nghị sĩ Duncan Smith bày tỏ sự hoan nghênh thông báo của ông Johnson và hy vọng “nhiều quốc gia khác sẽ làm theo”.

Tuy nhiên, nhận xét của ông Johnson đã để lại triển vọng rằng các thành viên của gia đình hoàng gia vẫn có thể tham dự Thế vận hội. Bà Anne, Công chúa Hoàng gia Anh vốn là chủ tịch của Hiệp hội Olympic Anh Quốc và là một thành viên của Ủy ban Olympic Quốc tế.

Hoa Kỳ và Úc đã tuyên bố tẩy chay ngoại giao thế vận hội, do hồ sơ vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh, đặc biệt là cách họ đối xử với cộng đồng người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương.

Thủ tướng Úc Scott Morrison nhấn mạnh, ông tuyên bố tẩy chay bởi đó là “điều đúng đắn phải làm”.

Đối với trường hợp của Úc, quốc gia này tẩy chay thế vận hội không chỉ do những lo ngại về nhân quyền, mà còn dựa trên một loạt các tranh chấp chính trị với Bắc Kinh, bao gồm cả hiệp ước AUKUS với Anh Quốc và Hoa Kỳ về tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Đáng chú ý, theo ông Morrison, chính quyền Trung Quốc “đã nhất quán” từ chối các cơ hội gặp gỡ các quan chức Úc để giải quyết vấn đề. “Không có gì ngạc nhiên khi các quan chức chính phủ Úc sẽ không đến Trung Quốc tham gia các trận đấu đó.”

Chính phủ New Zealand hôm 7/12 cũng tuyên bố, họ sẽ không cử đại diện ngoại giao ở cấp bộ trưởng đến Olympic Bắc Kinh năm 2022, vì “một loạt các yếu tố, nhưng chủ yếu là liên quan đến COVID-19”.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: