Một số công ty thuê địa điểm tại một tòa nhà văn phòng cao cấp tại Myanmar được xây dựng trên khu đất thuộc sở hữu của quân đội Myanmar đã chuyển đi hoặc đang xem xét hợp đồng thuê của họ, trong đó McKinsey, Coca-Cola và Reuters.

Embed from Getty Images

Tháng trước, tổ chức vận động Justice for Myanmar (Công Lý cho Myanmar) đã kêu gọi những người thuê thương mại trong khu phức hợp văn phòng và cửa hàng Sule Square nằm tại khu vực trung tâm thương mại Yangon của Myanmar ngừng hỗ trợ gián tiếp cho quân đội nước này.

Justice for Myanmar đưa tin: “[Khu phức hợp] Sule Square có những người thuê tên tuổi tiếp tục thuê văn phòng trong tòa nhà này, gián tiếp hỗ trợ cho quân đội [Myanmar].” Tổ chức này đã xác định 18 người thuê trong bản báo cáo.

Reuters đã liên hệ tất cả các công ty có tên trong bản báo cáo. Trong số sáu công ty xác nhận họ đã chuyển đi hoặc đang xem xét kế hoạch về văn phòng, chỉ có một công ty dẫn lý do mối quan hệ của tòa nhà với quân đội Myanmar. Các công ty khác viện dẫn nhiều lý do khác nhau bao gồm cả triển vọng kinh doanh.

Hoạt động kinh doanh đã sụp đổ tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ sau cuộc đảo chính ngày 1/2 của quân đội, dẫn đến các cuộc biểu tình và đình công lan rộng khắp nước. Quân đội Myanmar đã giết chết hàng trăm dân thường và bắt giữ hàng nghìn người trong các cuộc đàn áp biểu tình kể từ sau cuộc đảo chính.

Được khai trương vào năm 2017 gần ngôi chùa Sule lịch sử, tòa nhà Sule Square được phát triển bởi một công ty chi nhánh tại Myanmar của công ty Shangri-La Asia được niêm yết tại Hồng Kông. Công ty này cũng quản lý tòa nhà và một khách sạn liền kề.

Theo một phái đoàn tìm hiểu thực tế năm 2019 do Liên Hợp Quốc (LHQ) thành lập để điều tra các lợi ích kinh tế, truyền thông và các tổ chức nhân quyền của quân đội Myanmar, khu đất này đã được quân đội Myanmar cho thuê.

Để làm cơ sở cho kết luận của mình rằng khu đất này thuộc sở hữu của quân đội Myanmar, phái đoàn của LHQ trong báo cáo của mình đã trích dẫn cái mà họ gọi là hồ sơ kỹ thuật số. Một trong các tác giả của báo cáo, nhà tư vấn nhân quyền Chris Sidoti, cho biết tài liệu đã được lưu trữ và không có sẵn ngay lập tức.

Hôm thứ Ba (11/5), Reuters đã gửi yêu cầu đến LHQ để được tiếp cận hồ sơ này.

Vào năm 2017, Shangri-La thông báo, họ đã đầu tư 125 triệu đô la vào dự án tòa nhà này. Công ty này từ chối trả lời các câu hỏi của Reuters về chủ sở hữu của khu đất này.

Phát ngôn viên của quân đội Myanmar không trả lời các cuộc gọi yêu cầu bình luận về vấn đề này. Reuters không thể xác minh độc lập các chi tiết của hợp đồng cho thuê đất.

Quân đội Myanmar trực tiếp cầm quyền trong gần 50 năm sau khi chiếm quyền lực trong một cuộc đảo chính năm 1962. Họ sở hữu nhiều vùng đất rộng lớn và kiểm soát các tập đoàn kinh doanh mọi thứ từ khai thác mỏ cho đến ngân hàng.

Bà Melissa Yeo, giám đốc phụ trách truyền thông và uy tín khu vực Đông Nam Á của công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey, nói rằng McKinsey & Company đã chấm dứt hợp đồng thuê văn phòng của mình tại tòa nhà Sule Square vào đầu năm 2021, tuy nhiên bà không nêu chi tiết.

Trong một thông báo gửi qua email, Coca-Cola khẳng định họ sẽ không gia hạn hợp đồng thuê văn phòng khi hợp đồng này kết thúc vào giữa tháng 6 với lý do “thay đổi nhu cầu kinh doanh”.

Ảnh hưởng kinh doanh

Công ty cổ phần tư nhân Emerging Markets Investment Advisors có trụ sở tại Singapore cho biết họ đã chuyển khỏi tòa nhà Sule Square sau khi hợp đồng thuê kết thúc vào tháng 3, trong khi công ty phân bón Na Uy Yara cũng nói rằng họ bắt đầu tìm địa điểm văn phòng thay thế.

Trong số các công ty xác nhận đã chuyển đi hoặc đang xem xét việc chuyển văn phòng, chỉ có Yaga là viện dẫn lý do về việc quân đội Myanmar là chủ sở hữu khu đất của tòa nhà.

Bà Josiane Kremer, giám đốc quan hệ đối ngoại của Yara cho hay: “Chúng tôi chỉ mới biết được gần đây rằng chủ sở hữu của tòa nhà cho thuê [Sule Square] đang trả tiền thuê đất cho quân đội [Myanmar].”

Bà không nói rõ chi tiết về cách Yara biết được chi tiết về chủ sở hữu của khu đất.

Công ty viễn thông nhà nước Na Uy Telenor thông báo, họ đã biết khu đất dưới toà nhà Sule Square thuộc sở hữu của quân đội Myanmar trước khi họ chuyển đến, tuy nhiên họ đã chọn địa điểm này do các yếu tố như vấn đề an toàn.

Telenor không bình luận về kế hoạch văn phòng của mình trong tương lai, cũng như không nói rõ chi tiết về cách họ biết được chủ sở hữu của khu đất.

Ngân hàng Thế giới cũng có văn phòng tại tòa nhà Sule Square. Ngân hàng này hiện đang “đánh giá tình hình tại Myanmar, theo các chính sách và thủ tục nội bộ”. Tuy nhiên họ cũng không nói rõ chi tiết về kế hoạch của mình.

Về phía Công ty vận tải container CMA CGM của Pháp, họ đang “tiến hành điều tra thêm” và nhà môi giới bất động sản Colliers International Group Inc của Canada khẳng định, công việc kinh doanh của họ tại Myanmar do một công ty nhận nhượng quyền độc lập điều hành và từ chối bình luận thêm. 

Công ty Sony Corp của Nhật Bản cũng từng có văn phòng đại diện tại Myanmar nhưng văn phòng này đã đóng cửa “do tình hình địa phương” và họ hiện chỉ bán hàng thông qua các nhà phân phối.

Một số tổ chức khác có tên trong báo cáo của Justice for Myanmar, bao gồm Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Myanmar và công ty bảo hiểm Prudential của Anh không phản hồi yêu cầu bình luận hoặc từ chối bình luận.

Đại học Reading và Mastercard được nêu tên trong báo cáo của Justice for Myanmar, nhưng họ nói với Reuters rằng họ không thuê văn phòng tại tòa nhà Sule Square. Reuters không thể xác minh độc lập điều đó.

Gia Huy (Theo Reuters)

Xem thêm: