Ngày 12/5, một số cường quốc phương Tây, bao gồm Mỹ, Anh và Đức đã kêu gọi Trung Quốc chấm dứt đàn áp người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương. Những phát biểu của họ trong cuộc họp trực tuyến đã khiến Bắc Kinh hết sức tức giận.

Embed from Getty Images

Theo điều tra của các nhóm nhân quyền, có khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người thuộc các nhóm khác Hồi giáo khác hiện đang bị giam giữ trong các trại tập trung ở khu vực Tân Cương phía Tây Bắc Trung Quốc.

“Tại Tân Cương, người dân đang bị tra tấn. Phụ nữ đang bị cưỡng bức triệt sản,” Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết trong hội nghị trực tuyến do Mỹ, Anh và Đức điều hành cùng với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Sự kiện còn có mặt nhân chứng người Duy Ngô Nhĩ đào thoát khỏi Trung Quốc.

Bà Thomas-Greenfield nhấn mạnh, nhiều người trong số họ và những người thuộc các tôn giáo thiểu số khác “đang bị buộc phải làm việc cho đến khi kiệt sức, [họ phải] sản xuất quần áo và hàng hóa theo yêu cầu của nhà nước”.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố chính quyền cộng sản vi phạm “tội diệt chủng” khi đàn áp cộng đồng người Hồi giáo Duy Ngô nhĩ. Và trong lần này, bà Thomas-Greenfield đã nhắc lại thuật ngữ “tội diệt chủng” của Trung Quốc.

Đại sứ Mỹ cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đứng lên và lên tiếng cho đến khi chính quyền Trung Quốc chấm dứt tội ác chống lại loài người và tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ cũng như các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương.”

Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc, bà Barbara Woodward cũng khẳng định rằng, “có bằng chứng về tình trạng giam giữ hàng loạt người dân một cách tùy tiện, các vụ mất tích do bị cưỡng chế và các vụ tra tấn. Ngoài ra còn có thêm các báo cáo về việc [chính quyền] cưỡng bức lao động và triệt sản [phụ nữ Duy Ngô Nhĩ] trên diện rộng.”

Bà phát biểu: “Chúng ta có mặt ở đây hôm nay để đối diện với những thực tế này. Cần phải yêu cầu Trung Quốc cho phép Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc đến [Tân Cương] điều tra ngay lập tức, thiết thực và không bị quản chế.”

“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tôn trọng tuyên bố phổ quát về nhân quyền, và chúng tôi yêu cầu Trung Quốc phá bỏ các trại tạm giam,” Đại sứ Đức Christoph Heusgen nói thêm.

Ông đặt câu hỏi cho Trung Quốc: “Nếu không có gì phải che giấu, tại sao các vị lại không cho phép Cao ủy Nhân quyền đến tiếp cận [Tân Cương] mà không bị cản trở?”

Trung Quốc đã yêu cầu bãi bỏ hội nghị trực tuyến về người Duy Ngô Nhĩ này, chỉ trích rằng, nó “dựa trên sự dối trá tuyệt đối và thành kiến ​​chính trị”.

Trong một tuyên bố, phái đoàn Trung Quốc nhấn mạnh rằng “tình hình hiện tại ở Tân Cương đang tốt đẹp nhất trong lịch sử”.

Trung Quốc đã thẳng thừng phủ nhận bất kỳ hành vi lạm dụng nào trong khu vực Tân Cương, mô tả các trung tâm giam giữ ở đó là các trại lao động nhằm tăng thu nhập, đào tạo kỹ năng làm việc cho người dân, đồng thời ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố cực đoan tại khu tự trị này.

Minh Ngọc (Theo AFP)

Xem thêm: