Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Hai (7/3) rằng bất kỳ lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt nào của Nga trong bối cảnh cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine nên được nhìn nhận “qua một lăng kính khác” so với các biện pháp trừng phạt khác.

Embed from Getty Images

“Tôi sẽ nhìn nó qua một lăng kính khác với những nỗ lực phối hợp trong quá khứ”, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với các phóng viên, nhấn mạnh “hoàn cảnh rất khác biệt” giữa châu Âu, đặc biệt là Đức và Mỹ liên quan đến các nguồn năng lượng của Nga.

Một số quốc gia châu Âu phụ thuộc nhiều vào dầu khí của Nga, trong khi Hoa Kỳ có nguồn tài nguyên đáng kể của riêng mình.

Bà Psaki cho biết: “Khả năng và năng lực của chúng ta rất khác nhau vì chúng ta nhập khẩu một tỷ lệ dầu từ Nga nhỏ hơn so với châu Âu, cũng vì chúng ta có năng lực sản xuất dầu của riêng mình lớn hơn nhiều”.

Bà lưu ý rằng “không có quyết định nào được đưa ra vào thời điểm này” của Tổng thống Joe Biden về việc thực hiện lệnh cấm.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó đã kêu gọi phương Tây thực hiện động thái này, gọi đó là một “quyết định đạo đức.” 

Cho đến nay, Nhà Trắng đã nỗ lực để không phá vỡ mặt trận thống nhất với các đồng minh phương Tây về các lệnh trừng phạt chống lại Nga, nhưng những rạn nứt đã xuất hiện hôm thứ Hai về viễn cảnh lệnh cấm nhập khẩu năng lượng.

Nhà Trắng cho biết vấn đề này đã được nêu ra trong cuộc hội đàm qua điện thoại hôm thứ Hai giữa các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Pháp, Đức và Anh về cuộc xung đột Ukraine.

Các nhà lãnh đạo Joe Biden, Emmanuel Macron, Olaf Scholz và Boris Johnson “khẳng định quyết tâm tiếp tục khiến Nga phải trả giá vì cuộc xâm lược vô cớ và phi lý của họ vào Ukraine”, một tuyên bố của Mỹ cho biết.

Một tuyên bố của Pháp sau cuộc họp nhấn mạnh “quyết tâm tăng cường trừng phạt” của các nhà lãnh đạo đối với Nga và đồng minh Belarus, trong khi Anh cho biết bốn nước này “đồng ý tiếp tục gây áp lực lên Nga để cô lập (Tổng thống Nga Vladimir) Putin về mặt ngoại giao và kinh tế.”

Tuyên bố của Berlin không đề cập đến các lệnh trừng phạt, mà tập trung vào những lo ngại về viện trợ nhân đạo cho các khu vực bị bao vây.

Trước đó, hôm thứ Hai, ông Scholz cho biết nhập khẩu năng lượng của Nga là “thiết yếu” đối với cuộc sống hàng ngày của người dân châu Âu và rằng lệnh cấm khai thác dầu khí của Nga có thể khiến an ninh năng lượng của châu Âu gặp rủi ro.

TT Biden đang chịu áp lực ngày càng lớn từ các nhà lập pháp Hoa Kỳ trong việc cắt nguồn thu thiết yếu cho chính phủ của Putin, nhưng cho đến nay ông đã kìm chế do nguy cơ gây chia rẽ với người châu Âu và thúc đẩy lạm phát Mỹ vốn đã phi mã.

Chính quyền Biden được cho là cũng đang xem xét khả năng tăng lượng dầu nhập khẩu từ các nước khác, chẳng hạn như Saudi Arabia và Venezuela.

Một cuộc thăm dò được công bố hôm thứ Hai cho thấy phần lớn người Mỹ (71%) ủng hộ lệnh cấm đối với dầu của Nga, ngay cả khi điều đó có nghĩa là giá bơm xăng cao hơn, trong khi 22% phản đối lệnh cấm.

Lê Vy