Các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc hôm thứ Ba (9/8) đã báo cáo, có nhiều bằng chứng về tội ác chống lại loài người ở Myanmar, bao gồm giết người, tra tấn và bạo lực tình dục kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm ngoái.

shutterstock 1944980587
Lực lượng vũ trang Myanmar trấn áp người biểu tình (Ảnh: Robert Bociaga Olk Bon/ Shutterstock)

Theo Cơ chế Điều tra Độc lập về Myanmar (IIMM) của Liên Hợp Quốc, phụ nữ và trẻ em là đối tượng đặc biệt bị nhắm tới.

Các nhà điều tra cho biết trong một tuyên bố: “Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy kể từ khi quân đội tiếp quản đất nước vào tháng 2/2021, các tội ác đã được thực hiện ở Myanmar trên quy mô và theo cách thức cấu thành một cuộc tấn công rộng rãi và có hệ thống nhằm vào dân thường.”

Quân đội Myanmar đã nắm chính quyền từ ngày 1/2 năm ngoái, lật đổ chính phủ dân sự và bắt giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi.

Theo một nhóm giám sát địa phương, chính quyền đã tiến hành một cuộc đàn áp đẫm máu đối với những người bất đồng chính kiến, sử dụng bạo lực khiến hơn 2.100 dân thường thiệt mạng và gần 15.000 người bị bắt.

Nhóm điều tra cảnh báo trong báo cáo thường niên, trong 12 tháng tính đến cuối tháng 6/2022, “phạm vi phạm tội quốc tế tiềm ẩn diễn ra ở Myanmar đã mở rộng đáng kể”.

IIMM được Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc thành lập vào tháng 9/2018 nhằm thu thập bằng chứng về những tội ác quốc tế nghiêm trọng nhất và chuẩn bị hồ sơ để truy tố hình sự. Cơ quan này còn hợp tác với Tòa án Công lý Quốc tế và Tòa án Hình sự Quốc tế.

Giám đốc IIMM Nicholas Koumjian nhấn mạnh: “Những thủ phạm gây ra tội ác này cần biết rằng họ không thể tiếp tục hành động mà không bị trừng phạt.”

Theo các bằng chứng thu thập được, báo cáo nêu rõ, “tội phạm tình dục và giới tính, bao gồm cưỡng hiếp và các hình thức bạo lực tình dục khác, cũng như tội ác đối với trẻ em đã được thực hiện bởi các thành viên của lực lượng an ninh và các nhóm vũ trang”.

Ông Koumjian nói thêm, các nhà điều tra tập trung đặc biệt vào các tội ác đối với phụ nữ và trẻ em, là “một trong những tội ác quốc tế nghiêm trọng nhất”.

Báo cáo cho thấy, trẻ em ở Myanmar đã bị giết, bị tra tấn và bị giam giữ tùy tiện. Họ cũng từng bị bạo hành tình dục, còn bị lực lượng an ninh và các nhóm vũ trang ép buộc nhập ngũ và tham gia huấn luyện.

Nhóm nghiên cứu chưa bao giờ được phép đến thăm Myanmar. Tuy nhiên họ đã tiến hành thu thập được gần 3 triệu “đầu mục thông tin”, bao gồm các tuyên bố phỏng vấn, tài liệu, ảnh chụp và hình ảnh không gian địa lý.

Các nhà điều tra nhận định, bằng chứng họ thu thập được phản ánh thực trạng rằng “một số cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra và ngày càng gia tăng trên lãnh thổ Myanmar”.

Nhóm điều tra cũng đang lập hồ sơ các vụ việc cụ thể về tội ác chiến tranh được thực hiện trong bối cảnh các cuộc xung đột vũ trang đó, bao gồm các cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào dân thường, giết người bừa bãi, đốt cháy các làng mạc và thị trấn trên diện rộng.

Đáng lưu ý, các nhà điều tra cảnh báo, ngày càng có nhiều khu vực chìm trong bạo lực và “bản chất của tội phạm tiềm ẩn cũng đang mở rộng”.

Họ chỉ ra vụ hành quyết của quân đội đối với 4 tù nhân chính trị vào tháng trước, đánh dấu vụ hành quyết đầu tiên ở nước này trong nhiều thập kỷ.

IIMM cũng nhấn mạnh hoàn cảnh ngặt nghèo của cộng đồng thiểu số Rohingya theo đạo Hồi ở Myanmar, 5 năm sau cuộc đàn áp đẫm máu năm 2017 dẫn đến việc di dời của gần 1 triệu người.

Hầu hết trong số khoảng 850.000 người Rohingya bị đuổi vào các trại tập trung ở nước láng giềng Bangladesh vẫn đang phải ở đó, trong khi 600.000 người khác ở bang Rakhine của Myanmar.

“Trong khi người Rohingya luôn bày tỏ mong muốn được trở về Myanmar một cách an toàn và trang nghiêm, thực tế là điều này sẽ rất khó thực hiện, trừ khi có thể giải trình trách nhiệm cho những hành động tàn bạo đã gây ra đối với họ, bao gồm cả việc truy tố những cá nhân chịu trách nhiệm cao nhất về những tội ác đó,” ông Koumjian nhận xét.

Tháng trước, Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague đã bác bỏ phản đối của Myanmar đối với một vụ án diệt chủng – liên quan đến cách chính quyền quân đội Myanmar đối xử với người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi, mở đường cho một phiên tòa xét xử vụ án này.

Minh Ngọc (Theo AFP)