Sau khi Tổng thống Trump đe dọa sẽ phủ quyết Dự luật cứu trợ COVID-19 nếu như không sửa đổi nhiều điều khoản chi tiêu phung phí và không có lợi cho người Mỹ, hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã tiến hành tìm ra biện pháp sửa đổi, nhưng kết quả hầu như không có thay đổi gì khi cả bên đều chặn yêu cầu của nhau.

Embed from Getty Images

Một trong những yêu cầu của TT Trump là tăng các khoản thanh toán trực tiếp cho người Mỹ từ 600 đô la lên 2.000 đô la/người. Đảng Dân chủ đã cố gắng thông qua sửa đổi này trong ngày thứ Năm (24/12), nhưng phía Đảng Cộng hòa lại phản đối việc tăng mức tiền cứu trợ và chặn yêu cầu của phía Dân chủ.

Trong khi đó, Đảng Cộng hòa muốn cắt giảm số tiền viện trợ cho nước ngoài được đề xuất trong gói cứu trợ, nhưng đảng Dân chủ cuối cùng lại ngăn chặn yêu cầu đó. TT Trump, trong thông báo của mình cũng đã phản đối số tiền hàng triệu đô la viện trợ nước ngoài.

Ngoài ra, đáng chú ý là đề xuất sửa đổi của 2 đảng cũng không thay đổi tình trạng đang bị treo của dự luật chi tiêu với nhiều hạng mục trị giá 2,3 nghìn tỷ đô la.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết, Hạ viện sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu từ xa qua ghi âm sẵn về khoản tăng tiền cứu trợ trực tiếp cho dân Mỹ lên 2000 đô la/người. Bà cũng kêu gọi tổng thống ký vào dự luật hiện có trước ngày 28/12 để tránh việc chính phủ đóng cửa. 

TT Trump đã không sử dụng từ “phủ quyết” trong tuyên bố trước đó của mình, nhưng ông đe dọa sẽ chặn dự luật, trừ khi Quốc hội loại bỏ hàng tỷ đô la phân bổ cho các quốc gia nước ngoài và các tổ chức trong nước không liên quan đến cuộc chiến chống lại virus Trung Cộng (COVID-19).

Các thành viên cấp cao Đảng Dân chủ đã nhanh chóng chấp nhận đề nghị của TT Trump. Bà Pelosi đã kêu gọi Đảng Cộng hòa thông qua một biện pháp độc lập cho khoản thanh toán trực tiếp 2.000 đô la trong một cuộc bỏ phiếu đồng ý nhất trí vào Đêm Giáng sinh (24/12). Tuy nhiên, bà không hề đề cập đến các khoản chi tiêu cho nước ngoài mà TT Trump chỉ trích, bao gồm 10 triệu đô la cho “các chương trình về giới” ở Pakistan. Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Chuck Schumer cũng hối thúc tổng thống thuyết phục các đảng viên Cộng hòa thông qua biện pháp này.

Trên thực tế, Tổng thống Trump hoàn toàn có thể khiến dự luật thất bại mà không cần đưa ra tuyên bố phủ quyết thực sự. Hiến pháp quy định cái gọi là “quyền phủ quyết bỏ túi” trong trường hợp Quốc hội ngừng họp trong 10 ngày sau khi thông qua dự luật. Nếu trừ đi các ngày Chủ nhật và Quốc hội ngừng họp đến ngày 3/1, TT Trump hoàn toàn có tùy chọn để dự luật chấm dứt mà không cần đặt bút ký phủ quyết. 

Minh Ngọc

Xem thêm: