Luật này yêu cầu Bắc Kinh phải đồng ý cho Washington mở lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Tây Tạng, cũng như mở đường cho các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc can thiệp vào sự kế vị của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Dự luật về Tây Tạng dự kiến ​​sẽ chính thức trở thành luật sau khi nó được đưa vào luật chi tiêu chính phủ phải thông qua trong năm nay.

tay tang shutterstock 1332010529
Lính Trung Quốc tuần tra trên đường phố ở Lhasa, Tây Tạng (Ảnh: Mo Wu / Shutterstock).

Tin tức về việc đưa Đạo luật Chính sách và Hỗ trợ Tây Tạng vào luật chi tiêu chính phủ trị giá 1,4 nghìn tỷ đô la Mỹ đã xuất hiện vào thứ Hai. Các nhà lập pháp tại Hạ viện và Thượng viện sau đó đã ​ bỏ phiếu để thông qua đạo luật bao trùm nhiều hạng mục này, gồm cả gói cứu trợ COVID-19 trị giá 900 tỷ đô la Mỹ.

Những bổ sung như vậy thường xảy ra khi kết thúc kỳ họp Quốc hội, khi các nhà lập pháp tìm cách “gửi gắm” các dự luật không liên quan vào trong luật chi tiêu bắt buộc phải thông qua như một cách để đảm bảo cho đề xuất của họ. Dự luật Tây Tạng đã được thông qua tại Hạ viện vào năm ngoái.

Dự luật Tây Tạng là một trong số các biện pháp liên quan đến Trung Quốc được bổ sung vào luật chi tiêu, bao gồm từ việc hạn chế các khoản cứu trợ COVID-19 cho các doanh nghiệp có liên hệ với Trung Quốc, cho đến điều khoản chỉ đạo chính quyền Mỹ xác định liệu việc Bắc Kinh đối xử với các nhóm dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương có cấu thành tội ác chống lại loài người hay không.

Không giống như ngân sách quân sự được thông qua gần đây, Tổng thống Donald Trump không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy ông có ý định phủ quyết dự luật chi tiêu chính phủ, một hành động có thể khiến chính phủ phải đóng cửa. Mặc dù vậy, ông Trump ngày 22/12 đã phàn nàn rằng dự luật bao gồm nhiều điều khoản “phí phạm” và gói hỗ trợ 900 tỷ USD cho COVID-19 là quá ít. Ông cũng đề nghị Thượng viện đưa lên cho ông bản chỉnh sửa hợp lý hơn.

Trong số các điều khoản, dự luật Tây Tạng cấm Trung Quốc thành lập bất kỳ lãnh sự quán mới nào ở Mỹ cho đến khi Washington được cấp phép việc thiết lập lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Tây Tạng.

Đầu năm nay, Bắc Kinh đã ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô, nơi gần Tây Tạng nhất, để trả đũa việc Washington đóng cửa lãnh sự quán của họ ở Houston, Texas.

Dự luật cũng chỉ đạo chính phủ Mỹ ban hành các biện pháp trừng phạt kinh tế và thị thực đối với bất kỳ quan chức Trung Quốc nào bị coi là “đồng lõa trong việc xác định hoặc sắp đặt một ứng viên được chính phủ phê duyệt” để kế nhiệm Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần 85 tuổi.

Giống như nhiều đạo luật khác thách thức Bắc Kinh về hồ sơ nhân quyền, các quan chức Trung Quốc đã gọi dự luật Tây Tạng là một nỗ lực của các nhà lập pháp Hoa Kỳ nhằm phá hoại chủ quyền của Trung Quốc và nhấn mạnh rằng sự tái sinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma phải “tuân thủ luật pháp và quy định của Trung Quốc”.

Sau khi dự luật được thông qua ở Hạ viện vào tháng Giêng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh cho biết dự luật đã gửi một tín hiệu sai lầm tới “các lực lượng tìm kiếm độc lập cho Tây Tạng”.

Dự luật cũng chỉ đạo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tăng quyền hạn của điều phối viên đặc biệt đối với các vấn đề Tây Tạng.

Trong số các biện pháp khác liên quan đến Trung Quốc, luật chi tiêu chính phủ kỳ tới cũng bao gồm một điều khoản sẽ ngăn chặn các quỹ cứu trợ đại dịch chuyển hỗ trợ đến các công ty thuộc sở hữu một phần của các thực thể Trung Quốc hoặc có ban giám đốc bao gồm người Trung Quốc.

Đối với Hồng Kông, luật chi tiêu sẽ bao gồm một báo cáo mới yêu cầu chính quyền Hoa Kỳ đưa ra đánh giá hàng năm về sự hiện diện của các lực lương an ninh Trung Quốc đại lục trong thành phố, bao gồm cả việc sử dụng các công cụ giám sát và sự đóng góp của họ trong việc tăng cường “tự kiểm duyệt” ở đặc khu.

Các báo cáo được yêu cầu thực hiện cho đến năm 2047, khi quy chế bán tự trị của Hồng Kông theo Tuyên bố chung Trung-Anh hết hiệu lực.

Lê Xuân (theo SCMP)

Xem thêm: