Mỹ và các đồng minh không thể có lập trường thụ động đối với Đài Loan và chỉ dựa vào các biện pháp trừng phạt trong trường hợp Bắc Kinh thực hiện các kế hoạch xâm chiếm lãnh thổ có chủ quyền từ lâu.

Embed from Getty Images

Đó là nhận định của các dân biểu Steve Chabot (Đảng Cộng hòa, bang Ohio) và dân biểu Ami Bera (Đảng Dân chủ, bang California) tại một sự kiện trực tuyến ngày 5/4 do Viện Hòa bình Hoa Kỳ tài trợ với chủ đề “Cuộc xâm lược Ukraine của Nga có ý nghĩa gì đối với Ấn Độ-Thái Bình Dương”.

Trong khi Đài Loan và Ukraine khá tương đồng khi phải chịu nhiều nguy cơ trước các cường quốc độc tài láng giềng, các biện pháp trừng phạt được áp dụng để đáp trả cuộc xâm lược Ukraine của TT Nga Vladimir Putin dường như chưa phải là một giải pháp ổn thỏa và không đủ để khiến Bắc Kinh e ngại, theo hai nhà lập pháp. Do đó, các lựa chọn khác như củng cố khả năng phòng thủ của Đài Loan cần phải được chú trọng hơn.

“Một tháng trước, cả thế giới đầy khiếp sợ khi ông Vladimir Putin bắt đầu cuộc xâm lược vô cớ nhằm vào Ukraine. Câu hỏi khiến nhiều người suy nghĩ chính là, liệu những hành động bất hợp pháp của ông Putin có khuyến khích các chế độ độc tài khác trên toàn cầu hay không,” dân biểu Chabot lập luận.

Các vấn đề phát sinh từ cuộc xâm lược Ukraine rất nhiều và phức tạp, và ông Chabot tin rằng trong bối cảnh quan hệ địa chính trị Ấn Độ – Thái Bình Dương, điều đáng quan ngại chính là tác động của cuộc chiến đến thái độ cũng như hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

“Trong khi phát triển chiến lược của mình, ĐCSTQ đang theo đuổi chiến thuật vùng xám nhằm vào một số quốc gia trong khu vực mà Nga tham gia. Điều này cũng bao gồm hoạt động quân sự nhằm thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ vô căn cứ, chẳng hạn như đối với Nhật Bản, Đài Loan, Philippines,” dân biểu tiểu bang Ohio lưu ý.

Chiến thuật “vùng xám”, theo định nghĩa của chuyên gia Michael Green thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), là những hành vi cao hơn hoạt động răn đe thông thường nhằm đạt được các mục tiêu an ninh nhưng vẫn nằm dưới ngưỡng có thể gây ra các phản ứng vũ trang.

Ông Chabot còn nói, các quốc gia ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có cùng một số mục tiêu chung như cải thiện nền kinh tế của họ thông qua thương mại và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công dân của họ. Nhưng tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh đã buộc các quốc gia trong khu vực phải tiến vào cuộc “chạy đua vũ trang mới”. Đặc biệt, Đài Loan là một mục tiêu “béo bở” đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, bởi sở hữu Đài Loan đồng nghĩa với việc mở rộng đáng kể khả năng của Bắc Kinh trong việc phát huy sức mạnh ở cả Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Điều đó thậm chí còn giúp cản trở Hoa Kỳ trong bất kỳ nỗ lực nào nhằm hỗ trợ các chính phủ thân thiện trong khu vực, khiến Hoa Kỳ có vẻ suy yếu hơn.

Một yếu tố khác khiến Đài Loan trở nên đặc biệt chính là quốc đảo này được coi là nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu trên thế giới. Những sản phẩm như vậy rất cần thiết cho cuộc chiến tranh lạnh mới mà Bắc Kinh muốn tận dụng để chống lại Hoa Kỳ. Ông Chabot gọi Đài Loan là “mối đe dọa trực tiếp” đối với hệ tư tưởng và quyền kiểm soát của ĐCSTQ.

“Ý nghĩa lớn nhất từ cuộc xâm lược của ông Putin đối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chính là phải xem Ukraine như một bài học cảnh tỉnh. Chúng ta phải ngăn cản ông Tập Cận Bình theo bước ông Putin,” nhà lập pháp cho hay.

Đáng chú ý, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Kinh nếu họ xâm lược Đài Loan cũng có thể gặp khó khăn, do chế độ cộng sản thống trị thị trường coban, lithium và nhiều kim loại đất hiếm khác. Điều này khiến Tổng thống Joe Biden cảm thấy hết sức lo ngại. Hồi tháng trước, ông Biden nêu rõ rằng, “Chúng ta không thể xây dựng một tương lai ‘made in America’” nếu Hoa Kỳ tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung kim loại đất hiếm từ Trung Quốc.

Trước thực tế này, nhà lập pháp Đảng Cộng hòa khẳng định, ông ủng hộ việc tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe của Đài Loan. “Chúng ta cần cung cấp viện trợ sớm hơn và tiến hành răn đe sớm hơn trong quá trình này. Suốt nhiều tháng, chúng ta biết được rằng [cuộc xâm lược Ukraine] có khả năng xảy ra, nhưng chúng ta thực sự đã không đẩy mạnh quá trình viện trợ cho họ đủ nhanh để có thể xoay sở,” ông nói.

Dân biểu Bera cũng cho rằng, các vấn đề tương tự đang diễn ra ở những nơi khác trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Ví dụ, Ấn Độ, nước từng có xung đột biên giới với Trung Quốc trong quá khứ, có những lo ngại riêng về toàn vẹn lãnh thổ. Theo ông Bera, New Dehli khó có thể nhận được sự ủng hộ từ Nga trong bất kỳ tranh chấp biên giới nào với Trung Quốc, vì Moscow có thể sẽ đứng về phía Bắc Kinh. Điều này tạo cơ hội cho Hoa Kỳ tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực qua việc củng cố quan hệ kinh tế và quốc phòng với Ấn Độ.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)