Các nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có thêm một cuộc đối thoại gay gắt, khi Bắc Kinh yêu cầu Hoa Kỳ ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của họ và cáo buộc Washington chính trị hóa việc truy tìm nguồn gốc của đại dịch COVID-19.

Embed from Getty Images

Ông Dương Khiết Trì, Cố vấn chính sách đối ngoại cấp cao của Trung Quốc và  Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc điện đàm hôm thứ Sáu (11/6). Cuộc hội đàm diễn ra trong bầu không khí khá căng thẳng khi có sự bất đồng và tranh cãi giữa hai bên trong một số lĩnh vực, bao gồm việc chính quyền Trung Quốc thắt chặt kiểm soát quyền tự do ở Hồng Kông và giam giữ hàng loạt người Hồi giáo ở khu vực Tân Cương.

Gần đây, những lời kêu gọi điều tra kỹ lưỡng hơn về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19 đặc biệt nhạy cảm đối với Trung Quốc, bởi không ít ý kiến nhận định virus rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, nơi phát hiện các ca nhiễm bệnh đầu tiên.

Ông Dương cho biết, Trung Quốc hết sức quan tâm đến cái gọi là “những giả thuyết vô lý” về việc virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán.

Trung Quốc “kiên quyết phản đối bất kỳ hành vi đê hèn nào sử dụng dịch bệnh làm cái cớ để vu khống Trung Quốc và đổ lỗi cho Trung Quốc,” tờ Tân Hoa xã đã trích dẫn lời ông Dương.

Ông Dương còn nói: “Một số người ở Hoa Kỳ đã bịa đặt và rêu rao những câu chuyện vô lý về việc virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, và đây là điều mà Trung Quốc hết sức quan ngại. Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ tôn trọng sự thật và khoa học, không chính trị hóa việc truy tìm nguồn gốc COVID-19, và tập trung vào hợp tác quốc tế chống đại dịch.”

Trong khi đó, ông Blinken “nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác và minh bạch về nguồn gốc của virus, bao gồm sự cần thiết của các nghiên cứu Giai đoạn 2 với sự tham gia của các chuyên gia do Tổ chức Y tế Thế giới dẫn đầu ở Trung Quốc.”

Hoa Kỳ cùng nhiều quốc gia khác đã cáo buộc Trung Quốc không cung cấp dữ liệu thô và quyền truy cập vào các trang web cho phép điều tra kỹ lưỡng hơn về nơi virus phát tán và cách thức lây lan ban đầu.

Ngoài ra, còn một vấn đề gây tranh cãi không kém giữa hai nhà ngoại giao là các vấn đề Hồng Kông, Tân Cương, Đài Loan, cũng như cáo buộc về việc Trung Quốc tùy tiện bắt giữ hai công dân Canada hòng trả đũa cho việc Canada bắt giữ một giám đốc điều hành của tập đoàn công nghệ truyền thông Huawei, người đang bị cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ truy nã.

Ông Blinken nhấn mạnh quan ngại của Hoa Kỳ về việc thắt chặt kiểm soát dân chủ ở Hồng Kông và “tội ác diệt chủng và tội ác phản nhân loại đối với người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, cùng thành viên các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo khác ở Tân Cương”, theo Bộ Ngoại Mỹ..

Đáp lại, ông Dương lớn tiếng chỉ trích Hoa Kỳ “bịa đặt đủ lời dối trá khác nhau về Tân Cương nhằm cố gắng phá hoại sự ổn định và thống nhất ở Tân Cương, điều này gây nhầm lẫn giữa đúng và sai, hết sức vô lý. Trung Quốc kiên quyết phản đối những hành động như vậy”.

Ông này còn khẳng định: “Các vấn đề của Hồng Kông hoàn toàn là công việc nội bộ của Trung Quốc, và những hành vi bị phát hiện vi phạm Luật An ninh Quốc gia áp đặt tại đặc khu này ‘phải bị trừng phạt’.”

Ngoài ra, ông Blinken cũng kêu gọi Bắc Kinh giảm bớt áp lực đối với Đài Loan, hòn đảo dân chủ tự quản mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của riêng mình và thậm chí sẽ thôn tính bằng vũ lực nếu cần thiết.

Theo Tân Hoa xã, ông Dương nhấn mạnh rằng Đài Loan liên quan đến “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc và rằng Bắc Kinh “kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của mình”.

Bầu không khí của cuộc điện đàm lần này dường như lặp lại cuộc đàm phán gây tranh cãi hồi tháng 3 ở Alaska giữa hai đại diện cấp cao của Hoa Kỳ và Trung Quốc, cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức. Thời điểm đó, hai bên trao đổi hết sức gay gắt, thẳng thắn bày tỏ quan điểm đối lập về thế giới, thậm chí không ngần ngại lớn tiếng chỉ trích lẫn nhau.

Embed from Getty Images

Có thể thấy, quan hệ Mỹ – Trung Quốc đã xuống mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, trong bối cảnh chính quyền Biden tiếp tục giữ vững chính sách cứng rắn của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc về thương mại, công nghệ, nhân quyền, cũng như yêu sách của Trung Quốc với Biển Đông.

Trong khi đó, Bắc Kinh kiên quyết chống lại đến cùng những gì họ coi là “nỗ lực bôi nhọ danh tiếng và kìm hãm sự phát triển của nước này”.

Ngày 10/6, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC) đã thông qua “Luật chống trừng phạt của nước ngoài”. Theo toàn văn luật được Hãng tin Tân Hoa xã dẫn lại, những bên tham gia “đàn áp” Trung Quốc hoặc can thiệp vào chuyện nội bộ của Bắc Kinh… đều có thể bị trừng phạt. Động thái này nhằm tạo cơ sở pháp lý để Trung Quốc đáp trả các lệnh trừng phạt từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada.

Trước đó, Mỹ đã áp đặt một số biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc do các chính sách của Bắc Kinh về Hồng Kông và Tân Cương, bao gồm cả việc nhắm mục tiêu Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam và bí thư đảng ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc, cũng như các quan chức cấp cao khác của Đại lục, Hồng Kông và 14 phó chủ tịch của NPC. Canada, Anh và EU cũng áp đặt biện pháp trừng phạt Trung Quốc.

Minh Ngọc (Theo AP)

Xem thêm: