Khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine bước sang tháng thứ hai, Mỹ, Liên minh châu Âu và các nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt từng vòng đối với Nga, và các nhà tài phiệt Nga (giới tinh hoa) thân cận với Tổng thống Putin không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, thái độ của họ đối với cuộc chiến không giống nhau.

shutterstock 2138355545
Siêu du thuyền MY Eclipse thuộc sở hữu của nhà tài phiệt Nga Roman Abramovich, tại cảng Netsel Marina của Marmaris, Thổ Nhĩ Kỳ ngày23/3/2022. (Nguồn: Alizada Studios / Shutterstock).

Vào ngày 2/3, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo rằng họ sẽ hợp tác với Liên minh châu Âu và các đồng minh khác để thành lập một lực lượng đặc nhiệm nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với du thuyền, máy bay phản lực, bất động sản và các tài sản ở nước ngoài khác của các nhà tài phiệt Nga; vào ngày 24/3, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố về việc thực thi một loạt các lệnh trừng phạt mới đối với hàng trăm thành viên của Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga), hàng chục công ty quốc phòng Nga và Giám đốc điều hành của tổ chức tài chính lớn nhất nước Nga.

Các thiên đường tài chính truyền thống như Thụy Sĩ và Monaco thậm chí đã công bố các biện pháp riêng của họ để gây áp lực cho những người có mối quan hệ thân cận với ông Putin, trong khi các quốc gia xa xung đột như Úc và Nhật Bản, cũng đã tiến hành đóng băng tài sản của họ.

Theo CNN thống kê, dưới đây là những gì một số nhà tài phiệt thân cận với Điện Kremlin đang nói về cuộc chiến Nga – Ukraine:

Ông Oleg Deripaska

Ông Oleg Deripaska là đồng minh thân cận của ông Putin. Ông là chủ sở hữu công ty sản xuất nhôm lớn trên thế giới và nắm giữ cổ phần của tập đoàn năng lượng khổng lồ En+ của Nga. Vào ngày 10/3, Chính phủ Anh đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với ông Deripaska.

Ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine, ông Deripaska viết trên Telegram: “Hòa bình là rất quan trọng! Các cuộc đàm phán cần phải bắt đầu càng sớm càng tốt!”

Ông Mikhail Friedman

Ông Mikhail Fridman, Chủ tịch Tập đoàn Alfa. Theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg, ông có giá trị tài sản ròng 11,4 tỷ USD. Gần đây, ông đã bị EU trừng phạt vì là “nhà tài chính hàng đầu của Nga và là ‘nhà tài phiệt’ thân cận nhất của ông Putin”.

Trước khi bị trừng phạt, ông Friedman, người sinh ra ở miền tây Ukraine, đã viết trong một bức thư gửi các nhân viên vài ngày sau cuộc xâm lược rằng ông muốn “chấm dứt đổ máu”.

Ông Friedman viết: “Cha mẹ tôi là công dân Ukraine và sống ở Lviv, thành phố yêu thích nhất của tôi. Nhưng là một công dân Nga, tôi cũng dành phần lớn cuộc đời mình để xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Tôi có cảm tình sâu sắc với người dân Ukraine và người dân Nga, và coi cuộc xung đột hiện tại là một bi kịch đối với họ.”

Theo Financial Times, ông Friedman gọi bạo lực là một “bi kịch”“chiến tranh không bao giờ có thể là câu trả lời” cho bi kịch.

Ông Roman Abramovich

Một nhà tài phiệt khác đã công khai bày tỏ sự thất vọng về cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine, đó là ông Roman Abramovich, chủ sở hữu Câu lạc bộ bóng đá Chelsea của Anh. Ông cũng bị Vương quốc Anh trừng phạt vào ngày 10/3 vì là “một trong số ít các nhà tài phiệt giữ địa vị nổi bật dưới thời ông Putin trong những năm 1990”, tuy nhiên ông luôn phủ nhận mối liên hệ này.

Ông Abramovich đang trong quá trình bán câu lạc bộ Chelsea của mình trước khi bị Vương quốc Anh trừng phạt. Ông cho biết số tiền thu được sẽ được sử dụng để tạo quỹ từ thiện “giúp đỡ tất cả các nạn nhân của cuộc chiến ở Ukraine”.

EU cũng đã trừng phạt ông Abramovich vào tuần trước, với lý do ông có “mối liên hệ mật thiết với ông Vladimir Putin trong thời gian dài”. Điện Kremlin hôm thứ Năm (24/3) cho biết ông Abramovich đã đóng một vai trò đầu tiên trong các cuộc đàm phán hòa bình Nga – Ukraine.

Giới tinh hoa giữ im lặng

Tuy nhiên, có thể có nhiều thành viên hơn trong các đồng minh và những người thân cận nhất của ông Putin vẫn giữ im lặng về cuộc chiến, bao gồm:

Ông Igor Sechin, Giám đốc điều hành của công ty năng lượng Nga Rosneft. Theo Bộ Tài chính Pháp, một siêu du thuyền thuộc sở hữu của ông Sechin gần đây đã bị bắt giữ;

Ông Andrey Kostin, giám đốc Ngân hàng Phát triển Nhà nước Nga (VEB, Vnesheconombank);

Ông Alexei Miller, giám đốc điều hành của công ty năng lượng Nga Gazprom;

Ông Sergey Chemezov, người đứng đầu công ty quốc phòng Nga Rostec;

Ông Igor Shuvalov, chủ tịch Vnesheconombank;

Ông Nikolai Tokarev, chủ tịch của Transneft, công ty đường ống quốc doanh của Nga;

Ông Gennady Timchenko, người sáng lập và chủ sở hữu của Tập đoàn Volga. Công ty này là công ty đầu tư, nắm giữ lượng lớn cổ phần của nhà sản xuất khí đốt Novatek của Nga;

Ông Arkady Rotenberg, chủ sở hữu công ty xây dựng cầu lớn nhất nước Nga (Mostotrest). Công ty xây dựng này của Nga đã giúp xây dựng một cây cầu nối bán đảo Crimea với Nga, bán đảo này đã sáp nhập vào Nga từ năm 2014. Ông Rotenberg là bạn thân của ông Putin.

Giới tinh hoa Nga lên tiếng

Tuy nhiên theo CNN, các bình luận từ các đối thủ nặng ký khác cho thấy phản chiến có thể đã ăn sâu vào giới tinh hoa Nga.

Ông Vladimir Potanin, doanh nhân giàu nhất đất nước và là chủ tịch của tập đoàn kim loại khổng lồ Norilsk Nickel, đã khẩn cầu Nga không tiếp quản tài sản của các công ty phương Tây đang rời khỏi đất nước Nga.

Trong một thông báo được đăng trên tài khoản Telegram của Norilsk Nickel vào tuần trước, ông Potanin nói: “Đầu tiên, điều này sẽ đưa chúng ta trở lại 100 năm trước, trở lại năm 1917 (thời Bolshevik). Và hậu quả của việc làm đó là các nhà đầu tư toàn cầu mất lòng tin vào Nga.” Ông cảnh báo thêm rằng sự không tin tưởng này có thể kéo dài “nhiều thập kỷ”.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, được phương Tây gọi là “tuyên truyền viên chính” của Liên bang Nga, đã bị Chính phủ Mỹ trừng phạt vào ngày 3/3. Vào thứ Sáu (25/3), vợ và hai con lớn của ông, bao gồm cả con gái Elizaveta Peskova, cũng bị Mỹ áp đặt trừng phạt.

Elizaveta Peskova có hơn 180.000 người theo dõi trên Instagram. Một ngày sau khi cuộc xâm lược bắt đầu, cô đã chia sẻ một thông điệp trên tài khoản đã được xác minh của mình – “phản đối chiến tranh”.

Sau một vài giờ, thông tin đã bị xóa.