Nhân viên viện dưỡng lão Sandra Barona kịch liệt phản đối việc tiêm vắc-xin COVID-19 đến nỗi phải nói rằng mình có thể sẽ nghỉ việc sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron yêu cầu tất cả các nhân viên y tế phải tiêm vắc-xin trước ngày 15/9, nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp chế tài, trong đó có nộp phạt.

vắc-xin
(Ảnh minh họa: Studio Romantic/Shutterstock)

Barona, nhân viên chăm sóc người cao tuổi ở phía tây nam Paris, bày tỏ niềm tin ít ỏi vào vắc-xin mà cô cho rằng đã được phát triển một cách quá vội vàng, mặc dù các cơ quan quản lý trên khắp thế giới đã nhiều lần nói rằng tốc độ [phát triển vắc-xin] sẽ không ảnh hưởng đến sự an toàn. Tuy nhiên, cô nói rằng mình cảm thấy bị xúc phạm khi quyền tự do cá nhân bị chà đạp.

“Chúng tôi có quyền ở Pháp. Chúng tôi đang sống trong một quốc gia tin tưởng vào tự do, bình đẳng”, cô cho biết, trong đó đề cập đến 2 trong số các nguyên tắc lập pháp của Cộng hòa Pháp.

Barona nói rằng Tổng thống Macron đang thực hiện hành vi phân biệt đối xử giữa người được tiêm chủng và chưa được tiêm chủng – điều mà những người phản đối ông Macron cho rằng có thể gây ra các vấn đề về pháp lý cho các kế hoạch của tổng thống.

Coi vắc-xin là con đường duy nhất để có một cuộc sống bình thường, ông Macron cho biết việc tiêm chủng là vấn đề trách nhiệm cá nhân nhưng cũng là vấn đề tự do tập thể trong đó biến thể Delta đang thúc đẩy sự lây lan nhanh chóng số ca nhiễm bệnh.

Đối mặt với một biến thể mới rất dễ lây lan và tỷ lệ tiêm chủng giảm mạnh, ông cho rằng cần phải bắt buộc các nhân viên y tế tiêm vắc-xin COVID-19 và khuyến khích công chúng làm theo.

Các nhân viên y tế sẽ được kiểm tra để tiêm chủng từ giữa tháng 9 và những người không tiêm vắc-xin COVID-19 sẽ không được phép làm việc và tạm ngừng việc nhận lương.

Barona, 45 tuổi, cho biết: “Tôi đã chuẩn bị nghỉ việc và chọn một con đường khác thay vì tiêm chủng, mặc dù bà thừa nhận rằng mình có thể chọn tiêm COVID-19 nếu đây là cách duy nhất để gặp gia đình ở nước ngoài”.

Yêu cầu bắt buộc tiêm vắc-xin đã đảo ngược hoàn toàn tuyên bố mà Tổng thống Pháp đưa ra vào tháng 12/2020: “Tôi đã nói điều đó trước đây và tôi sẽ nhắc lại: việc tiêm chủng là không bắt buộc”.

Tuy nhiên, Pháp là quốc gia mà việc phản đối tiêm vắc-xin đã tăng cao trong nhiều năm qua, dữ liệu chính thức cho thấy tỷ lệ nhân viên y tế tiêm vắc-xin thấp hơn kỳ vọng.

Theo Public Health France, chỉ có 45% nhân viên làm việc tại các viện dưỡng lão và cơ sở chăm sóc dài hạn tiêm 2 liều vắc-xin.

Vào tháng 3, các chuyên gia hướng dẫn việc triển khai vắc-xin cho biết khoảng 50% nhân viên y tế tại các viện dưỡng lão của Pháp không muốn tiêm vắc-xin.

Y tá Martine Martin cho biết cô đã từ chối tiêm vắc-xin COVID-19 do các vấn đề về bệnh nền, dẫn đến việc cô thường xuất hiện các phản ứng phụ, ngay cả với các liều tiêm phòng cúm. Tuy nhiên, khi phải đối mặt với vấn đề mất việc làm, cô nói rằng mình sẽ đi tiêm chủng.

“Họ buộc tôi phải làm như vậy dù cho tôi có thể phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe”, cô cho biết. “Nhà nước không quan tâm về điều này”.

Các quan chức Bộ Y tế không đưa ra bình luận ngay lập tức khi được hỏi liệu có miễn trừ cho những người có vấn đề về bệnh nền hay không.

Nhiều người thân đã bày tỏ sự lo lắng cho các thành viên lớn tuổi trong gia đình của họ nếu các nhân viên viện dưỡng lão vẫn chưa được tiêm chủng. Johanna Cohen-Ganouna cho biết cô đang chuẩn bị kiện chính phủ Pháp vì không bắt buộc tiêm vắc-xin cho các nhân viên y tế vài tháng trước sau khi cô nói rằng cha của mình đã mắc COVID-19 trong bệnh viện và qua đời ở tuổi 76.

Theo The Epoch Times,

Phan Anh

Xem thêm: