Việc chính quyền Trung Quốc đàn áp người Tây Tạng khiến Đức Đạt Lai Lạt Ma phải sống lưu vong; cũng như cách ĐCSTQ đối xử với các dân tộc thiểu số đã làm bùng lên nhiều cuộc biểu tình bạo lực trước thềm Thế vận hội năm 2008 (Olympics 2008) tại Bắc Kinh. Điều này có thể xảy ra một lần nữa trong thời gian tới đây khi Trung Quốc là nước đăng cai tổ chức Olympics mùa đông 2022.

Embed from Getty Images

Ngày càng có thêm nhiều tiếng nói kêu gọi tẩy chay và yêu cầu dời Thế vận hội Mùa đông năm 2022 ra khỏi Trung Quốc trước các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của nước này, theo SCMP.

Cụ thể, một liên minh các nhóm nhân quyền đã chuyển yêu cầu đó đến chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach trước cuộc họp ban điều hành của tổ chức này tại Thụy Sĩ vào thứ 4 (9/9). Trong thư, liên minh này yêu cầu IOC sửa đổi sai lầm của mình trong việc cho phép Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội Mùa đông năm 2022.

Bức thư cho biết Thế vận hội 2008 đã không giúp Trung Quốc cải thiện tình trạng vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ và tình hình thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Minh chứng điển hình là Bắc Kinh đã xây dựng “một hệ thống giám sát độc tài chuyên chế” tại Tây Tạng và giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ tại khu vực Tân Cương. Bức thư cũng liệt kê một loạt các cáo buộc vi phạm nhân quyền khác của Trung Quốc tại Hồng Kông cho đến khu vực Nội Mông cũng như việc đe dọa Đài Loan.

Bức thư được ký bởi hơn 160 tổ chức vận động nhân quyền đặt tại Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Phi và Úc.

Khi được hỏi hôm 9/9 về việc chuẩn bị của Trung Quốc cho Thế vận hội 2022 tại một buổi họp báo của IOC, ông Bach đã không đề cập đến vấn đề nhân quyền hoặc bức thư được gửi nói trên.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã cáo buộc các tổ chức này đang cố gắng chính trị hóa thể thao, đi ngược lại tinh thần của hiến chương Olympic.

Trung Quốc nhiều lần phủ nhận việc vi phạm nhân quyền. Lúc đầu, họ nói rằng các trại giam người Duy Ngô Nhĩ không tồn tại, nhưng sau đó lại nói rằng đây là các trung tâm đào tạo việc làm để chống khủng bố.

Một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh cho biết vào tuần trước: “Thông qua giáo dục và đào tạo nghề, Tân Cương đã thực hiện các biện pháp phòng chống khủng bố và làm giảm quan điểm cực đoan, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động khủng bố vốn thường xảy ra trong quá khứ, và bảo vệ quyền được sống, sức khỏe và sự phát triển của tất cả các nhóm dân tộc. Hơn bốn năm qua, không có một cuộc tấn công khủng bố nào tại Tân Cương.”

IOC lập luận rằng Thế vận hội 2008 đã giúp Trung Quốc thay đổi và cải thiện hồ sơ nhân quyền của họ. Để chứng minh điều đó, họ thường so sánh với Thế vận hội Berlin năm 1936 của Hitler – một nhà nước độc tài sử dụng Thế vận hội làm sân khấu trình diễn.

Một bài xã luận của Washington Post trong tháng này cho rằng Trung Quốc nên từ bỏ Thế vận hội. Bài báo viết “Thế giới phải hỏi liệu Trung Quốc, thể chế đang dần dần bóp nghẹt cả một dân tộc, có đủ tư cách đạo đức để đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022 hay không. Chúng tôi nghĩ là không.”

Đây là thời điểm bấp bênh đối với IOC đặt tại Thụy Sĩ. Tình hình tài chính của họ và 200 ủy ban Olympic quốc gia cùng với hàng chục liên đoàn thể thao liên quan đến Olympic đang bị chao đảo khi Thế vận hội Tokyo bị hoãn đến năm 2021 vì COVID-19.

Tổ chức thể thao đặt tại Thụy Sĩ này kiếm được 73% doanh thu từ việc bán bản quyền truyền hình và 18% từ các nhà tài trợ. Họ hiện đang phải đối mặt với việc thu nhập bị đình trệ do Thế vận hội Tokyo bị hoãn.

Gia Huy (theo SCMP)

Xem thêm: