Hôm 28/3, Đức kêu gọi phân bổ đều hơn số lượng người tị nạn Ukraine tại Liên minh châu Âu (EU), sau khi khoảng 3,8 triệu người Ukraine chạy trốn khỏi cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Embed from Getty Images

Theo cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc, kể từ khi Nga xâm lược nước láng giềng vào ngày 24/2, cuộc giao tranh đã khiến hơn 10 triệu người phải di tản khỏi nơi cư trú và buộc gần 4 triệu người rời khỏi Ukraine. Đây được xem là cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất châu Âu kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc.

Ba Lan cho biết, tính đến nay, họ đã đón 2,3 triệu người Ukraine. Các nước láng giềng EU khác là Romania, Slovakia và Hungary cũng đã nhận ​​lượng lớn người tị nạn, phần đông trong số họ là phụ nữ và trẻ em.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser trả lời các phóng viên tại Brussels, nơi bộ trưởng nội vụ của tất cả các nước EU gặp nhau để thảo luận về tình hình: “Chúng ta cần tích cực hơn nữa trong việc phân bổ người tị nạn giữa các nước EU và thể hiện tình đoàn kết bằng cách tiếp nhận người tị nạn.”

Theo chỉ số do cơ quan điều hành EU đưa ra dựa trên lượng người tị nạn và quy mô dân số thì Ba Lan với 38 triệu dân, cũng như Áo và Cộng hòa Séc đang chịu áp lực nặng nhất.

Đức, quốc gia lớn nhất EU với hơn 80 triệu dân, cho biết họ đã đăng ký tiếp nhận khoảng 270.000 người tị nạn Ukraine, so với con số 30.000 người đã nhập cảnh vào Pháp, thành viên lớn thứ hai của EU.

Tây Ban Nha tiếp nhận khoảng 25.000 người, trong khi các nước nhỏ hơn như Áo và Lithuania đã tiếp nhận 35.000 người mỗi nước. Khoảng 13.500 người đã nộp hồ sơ tị nạn tại Ireland. Cộng hòa Séc đã đón khoảng 300.000 người Ukraine, gần 3% dân số.

Bộ trưởng Nội vụ Séc Vit Rakusan phát biểu: “Làn sóng này rất lớn và chúng tôi buộc phải dự đoán rằng nó vẫn chưa kết thúc. Bây giờ chúng tôi đang trông chờ vào sự đoàn kết của các nước EU khác.” Ông Vit Rakusan  cũng cảnh báo, các địa điểm phù hợp để tiếp nhận người tị nạn tại Cộng hòa Séc đã sắp hết chỗ. 

Các bộ trưởng đã thảo luận về việc chia sẻ thông tin và đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu, cũng như đưa những người tị nạn di chuyển xa hơn về phía tây của EU.

Ba Lan, Cộng hòa Séc và Lithuania đã kêu gọi hỗ trợ tài chính, trong khi các nước EU khác nhấn mạnh rằng người tị nạn phải được đăng ký hợp lệ khi đến EU để họ có thể chuẩn bị các nhu cầu cần thiết như nhà ở và trường học, cũng như vì lý do an toàn.

Không có hạn ngạch cho từng quốc gia

Ủy viên Nội vụ EU Ylva Johansson cho biết cảnh sát cũng phải kiểm tra cẩn thận những người đón dân tị nạn để giảm nguy cơ buôn người hoặc bóc lột tình dục.

Một chính trị gia người Ireland nhấn mạnh: “Điều thực sự quan trọng bây giờ là chúng ta cần thừa nhận rủi ro trong các đợt di chuyển đông người như vậy, những rủi ro xung quanh nạn buôn người, bóc lột trẻ em và còn cả tội phạm.” 

Các quan chức EU cho biết sẽ không có hạn ngạch bắt buộc về số lượng người tị nạn phải được tiếp nhận tại mỗi quốc gia. Việc quy định hạn ngạch trước đây đã dẫn đến tranh cãi gay gắt khi lượng người nhập cư EU tăng đột biến vào năm 2015-16.

Hơn 1 triệu người Syria đã đến châu Âu lúc đó, khiến 27 quốc gia EU phải chào đón họ trong cay đắng và bất bình. Nỗi ác cảm này đã dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống tị nạn chung của khối và gây chia rẽ trong EU, biến tình trạng di cư trở thành một vấn đề nổi cộm.

Bà Johansson cho biết hiện tại có khoảng 50.000 người Ukraine đến EU mỗi ngày, giảm hơn so với con số 100.000 người trước đó. Tuy nhiên không biết có bao nhiêu người nữa sẽ đến. 

Một quan chức ngoại giao cấp cao của EU nhận định: “Nếu chúng ta tiếp nhận con số tăng gấp đôi hoặc gấp ba lần, Ba Lan, Romania, Slovakia, Hungary và những nước khác sẽ không thể giải quyết vấn đề này nữa.”

Vy An (Theo Reuters)