Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un có lẽ sẽ tay bắt mặt mừng khi họ gặp nhau tại Hà Nội tuần này để chi tiết thêm kết quả đạt được tại thượng đỉnh lần một ở Singapore mà giới phê bình coi đó là một thỏa thuận mơ hồ. Tuy nhiên đằng sau những nụ cười là một vòng xoáy của những mục tiêu và nỗi sợ hãi cạnh tranh.

Embed from Getty Images

Ông Kim Jong-un đã tới Hà Nội vào sáng thứ Ba (26/2). 

Ngoài hai nhân vật chính, cả Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng có những lợi ích sâu rộng về những gì mà hai ông Trump và Kim có thể đạt được tại Việt Nam, trong đó có câu hỏi lớn nhất cho tất cả: Mỹ và Bắc Hàn có thể đồng ý về việc định nghĩa ‘phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên’ và nếu vậy, họ có thể tạo lập thành công một thỏa thuận khung để hoàn thành nó hay không?

Dưới đây là điều mà mỗi bên muốn thấy tại hội nghị thượng đỉnh có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết căng thẳng hạt nhân gây chú ý nhất thế giới.

Bắc Hàn

Nếu lập trường của Mỹ là khá rõ ràng – loại bỏ chương trình hạt nhân của Bắc Hàn nhiều nhất có thể, thì không ai dám chắc ông Kim Jong-un có bao nhiêu phần trăm sẵn sàng từ bỏ loại vũ khí mà chế độ của ông vẫn tuyên truyền là “lưỡi gươm quý giá” của đất nước.

Ông Kim Jong-un rõ ràng đang làm điều gì đó khác biệt hơn so với cha và ông nội của mình. Ngoài việc xây dựng kho hạt nhân thu hút sự chú ý của thế giới, đảm bảo an ninh kinh tế, quân sự và cá nhân, ông Kim cũng đang thúc đẩy để đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo.

Để đạt được điều đó, ông Kim cần tìm cách giảm nhẹ các chế tài quốc tế khắc nghiệt để ông có thể theo đuổi các dự án hợp tác với Hàn Quốc, trong đó bao gồm việc mở lại khu công nghiệp chung và một khu nghỉ dưỡng từng mang lại nguồn doanh thu ước tính khoảng 150 triệu USD cho chế độ Bình Nhưỡng mỗi năm.

Bắc Hàn cũng thúc đẩy để đạt tuyên bố hòa bình kết thúc Chiến tranh Triều Tiên – cuộc chiến tạm dừng vào năm 1953 bằng một thỏa thuận ngừng bắn, không phải là hiệp ước hòa bình. Bắc Hàn có thể nhìn thấy tuyên bố này và cuối cùng là một thỏa thuận hòa bình như là một cách để đẩy lùi lực lượng Mỹ khỏi Hàn Quốc và cho phép hai miền Triều Tiêu theo đuổi giấc mơ tái thống nhất theo những điều khoản mà Bình Nhưỡng mong muốn.

Bắc Hàn đã nhiều lần khẳng định rằng “phi hạt nhân hóa” phải là một con đường hai chiều: Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ hạt nhân của mình một cách dễ dàng.

Mỹ cũng phải thuyết phục ông Kim về một sự cải thiện liên quan đến điều mà lãnh đạo Bắc Hàn coi là mối đe dọa hiện hữu của Mỹ đối với sự tồn vong của đất nước ông ta – hàng chục nghìn lính Mỹ tại Hàn Quốc và Nhật Bản và hàng loạt hỏa lực quân sự khổng lồ nhằm bảo vệ các đồng minh của Washington.

Bất chấp những nghi ngờ sâu sắc về mục đích của ông Kim, nhiều chuyên gia hạt nhân Bắc Hàn cho rằng thậm chí ngay cả bản thân ông Kim có thể cũng không biết liệu ông sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình hay không.

Theo nhiều cách, thượng đỉnh Hà Nội lần này sẽ là bài thử xem liệu lãnh đạo Bắc Hàn có sẵn sàng chấp nhận hy sinh sự đảm bảo an ninh tối thượng này hay không.

Mỹ

Ông Trump đã được trải nghiệm các tin tức liên tục về hội nghị thưởng định lần đầu tiên của ông với ông Kim hồi tháng Sáu năm ngoái. Nhưng lần này, tổng thống Mỹ chịu áp lực phải làm được tốt hơn nữa.

Tổng thống Trump muốn có tiến triển về phi hạt nhân hóa, dù trước khi tới Hà Nội, ông đã hạ thấp sự kỳ vọng của ngoại giới bằng cách nói rằng ông không “có áp lực về mặt thời gian” phải xóa bỏ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Tại thượng đỉnh Hà Nội, Mỹ có lẽ sẽ tìm cách đạt được một thỏa thuận về cách thức bắt đầu làm việc về tuyên bố được báo cáo trước đây của ông Kim rằng ông sẵn sàng hủy bỏ các cơ sở làm giàu plutonium và uranium của Bắc Hàn.

Ông Trump muốn ông Kim chính thức hóa đề nghị của ông ta về việc cho phép các chuyên gia quốc tế vào Bắc Hàn để kiểm chứng các bước phá hủy cơ sở phóng tên lửa chính và cơ sở thử hạt nhân. Ông Trump cũng muốn hồi hương thêm binh lính Mỹ đã hy sinh trong chiến tranh Triều Tiên và hướng tới một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Cuối cùng, Mỹ cũng muốn kiểm kê các cơ sở, thiết bị và vật liệu tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bắc Hàn, sau đó là một tiến trình đồng thuận để phá hủy những thứ này theo cách thức có thể kiểm chứng được. Tuy nhiên, không một ai kỳ vọng Mỹ và Bắc Hàn có thể đạt được điều mong muốn này của Washington ngay tại thượng đỉnh Hà Nội.

Dù kết quả thượng đỉnh thế nào đi nữa, ông Trump vẫn muốn được coi là một nhà lãnh đạo mãnh mẽ trên trường quốc tế, khỏa lấp đi những khó khăn ông đang gặp phải ở trong nước về vấn đề bức tường biên giới Mexico và các cuộc điều tra thông đồng với Nga chưa có hồi kết.

Hàn Quốc

Thời gian qua Seoul đã ưu tiên ổn định mối quan hệ song phương với Bắc Hàn trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân ngày càng gia tăng hơn giữa Washington và Bình Nhưỡng. Hàn Quốc bây giờ hy vọng thượng đỉnh Trump-Kim lần hai sẽ cung cấp cơ hội khởi động lại các dự án kinh tế liên Triều đang bị đình trệ do các chế tài nặng nề của Liên Hiệp Quốc do Mỹ dẫn dắt áp đạt lên miền Bắc.

Trong một cuộc điện đàm với ông Trump gần đây, Tổng thống theo đường lối cấp tiến của Hàn Quốc, Moon Jae-in đã nói rằng Seoul sẵn sàng khởi động lại các dự án kinh tế chung với Bắc Hàn và đã yêu cầu ông Trump hãy xem đề xuất đó là các khuyến khích cho Bắc Hàn để họ tiến hành phi hạt nhân hóa.

Ông Moon Jae-in, con trai của một người tị nạn Bắc Hàn trong chiến tranh Triều Tiên, năm ngoái đã họp thượng đỉnh với ông Kim Jong-un ba lần. Ông Moon coi sự hòa giải liên Triều là điều quan trọng để giải quyết căng thẳng hạt nhân. Tuy nhiên, những chế tài cứng rắn đã giới hạn phạm vi của các hoạt động chung mà hai miền Triều Tiên có thể tiến hành. Washington yêu cầu Seoul phải duy trì áp lực kinh tế lên Bình Nhưỡng cho tới khi nào chế độ này thực hiện các bước chắc chắn hơn hướng tới phi hạt nhân hóa.

Một số chuyên gia đặt câu hỏi liệu những kỳ vọng của Hàn Quốc về dỡ bỏ chế tài đối với Bắc Hàn có thực tế khi mà ông Kim Jong-un chưa cho thấy ông sẵn sàng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình.

Trung Quốc

Đối với Trung Quốc, những lo lắng về sự mất ổn định tại Bắc Hàn – đồng minh cộng sản quan trọng của họ, từ lâu đã vượt trên lo lắng về kho vũ khí hạt nhân Bình Nhưỡng. Bắc Kinh chủ yếu lo sợ sự sụp đổ nền kinh tế Bắc Hàn có thể dẫn tới một cuộc xung đột vũ trang trong nội bộ nước này và kéo theo một làn sóng di cư ồ ạt qua sông Áp Lục vào đông bắc Trung Quốc.

Trung Quốc là nguồn viện trợ và đối tác thương mại chính yếu của Bắc Hàn. Cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc chắc chắn sẽ nhiệt liệt chào đón bất kỳ động thái nào hướng tới dỡ bỏ chế tài quốc tế đang áp lên Bình Nhưỡng.

Để duy trì lợi ích của mình, Trung Quốc đã liên hệ thường xuyên với ông Kim Jong-un. Từ khi có thông báo về thượng đỉnh Trump-Kim lần một vào năm ngoái, lãnh đạo Trung Quốc đã ba lần tiếp đón ông Kim Jong-un. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng gặp lãnh đạo Bắc Hàn tại thành phố cảng Đại Liên, miền bắc Trung Quốc một cách không chính thức ngay trước thượng đỉnh Trump-Kim ở Singapore hồi tháng Sáu. Một số chính trị gia tại Mỹ coi động thái này của ông Tập là hành động can thiệp của Trung Quốc trước thượng đỉnh Mỹ – Triều lần một.

Đa số đánh giá cho rằng các cuộc gặp của ông Tập với ông Kim trước thượng đỉnh Singapore năm ngoái là nỗ lực để Bắc Kinh giúp hướng dẫn tiến trình hòa giải Mỹ – Triều, đồng thời đưa ra khuyến khích và đảm bảo rằng vị thế trung tâm quyền lực khu vực của Trung Quốc vẫn được duy trì nguyên vẹn.

Nhật Bản

Nhật Bản vẫn bị vướng mắc với Bắc Hàn trong việc chế độ này bắt công dân Nhật Bản làm con tin từ nhiều thập kỷ trước. Tokyo cũng lo lắng vì nằm trong tầm tấn công dễ dàng của tên lửa Bắc Hàn. Do đó, từ lâu Nhật Bản đã muốn có một thỏa thuận phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Nhật Bản cũng lo lắng rằng có những thông tin không chính thức cho thấy ông Trump có thể tìm kiếm thỏa thuận một phần về chương trình tên lửa Bắc Hàn. Chẳng hạn, thỏa thuận đó có thể sẽ loại bỏ các tên lửa tầm xa có thể vươn tới Mỹ và cho phép Bắc Hàn giữ lại các tên lửa tầm ngắn.

Nhật Bản cũng không muốn bị bỏ lại phía sau khi các cuộc đàm phán tiến triển. Nhật Bản vẫn được xem là một thành lũy của Mỹ tại khu vực Châu Á với hàng nghìn lính Mỹ và thiết bị quân sự tiên tiến đang đồn trú trên khắp quần đảo này.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhiều lần bày tỏ hy vọng rằng ông có thể gặp ông Kim. Để đảm bảo những lợi ích của Nhật Bản không bị lãng quên, ông Abe cũng đã cố gắng giữ liên lạc gần gũi với ông Trump nhiều đến mức mà tổng thống Mỹ đã nói rằng thủ tướng Nhật đã đề cử ông Giải Nobel Hòa Bình. Ông Abe cũng không lên tiếng phủ nhận thông tin mà ông Trump đưa ra.

Xuân Thành (Theo AP)