Một loạt các chiến dịch tiêm mũi tăng cường vắc-xin COVID-19 đang được triển khai trên khắp Liên minh Châu Âu (EU), ngay cả trước khi cơ quan giám sát dược phẩm của khu vực đưa ra các quy định về việc liệu chúng có an toàn và hiệu quả hay không.

Embed from Getty Images

Ý, Pháp, Đức và Ireland đã bắt đầu thực hiện tiêm mũi tăng cường vắc-xin COVID-19 rồi. Trong khi, Hà Lan cũng dự kiến sớm thực hiện kế hoạch này, tuy nhiên chỉ dành cho nhóm đối tượng bị suy giảm miễn dịch. Một số quốc gia EU khác lại đang chờ Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) đưa ra ý kiến ​​trong tuần này.

Điều đó cho thấy các cách tiếp cận khác nhau trong việc triển khai chính sách liên quan đến đại dịch COVID-19 tại một trong những khu vực giàu có nhất thế giới.

Chúng cũng làm nổi bật lên sự thiếu đồng thuận giữa các nhà khoa học, trong khi các chính phủ tìm cách vực dậy nền kinh tế ốm yếu của mình, chống lại biến thể Delta và tránh phải tiếp tục phong tỏa vào mùa đông tới.

Nhấn mạnh nguy cơ trước đại dịch, trung tâm về các bệnh truyền nhiễm của EU cho biết hôm thứ 30/9, tỷ lệ tiêm vắc xin của khu vực vẫn còn quá thấp; số lượng các trường hợp nhiễm bệnh, nhập viện và tử vong có nguy cơ gia tăng đáng kể trong sáu tuần tới. 

Hiện chỉ có 61% tổng dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, và chỉ có ba quốc gia-là Malta, Bồ Đào Nha, Iceland đã tiêm chủng cho hơn 75% tổng dân số của họ. Tuy nhiên, tổng số này vẫn chưa đến 1/4 dân số ở Bulgaria, một trong những quốc gia chậm trễ trong việc tiêm chủng của EU.

Tuy nhiên, việc một số quốc gia trong khối này đẩy mạnh tiêm liều vắc-xin tăng cường thứ ba đã  làm dấy lên cuộc tranh luận về việc tiêm vắc-xin, khi đặt trong thế so sánh các quốc gia nghèo khó hơn đang phải vật lộn để tiếp cận nguồn cung cấp vắc-xin và tiêm chủng cho công dân của họ.

Tổ chức Y tế Thế giới đã kêu gọi các quốc gia trì hoãn việc tiêm liều tăng cường cho đến khi có thêm nhiều người trên thế giới được tiêm.

Nếu Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) ủng hộ việc tiêm liều tăng cường của Pfizer, khối liên minh 27 thành viên sẽ tham gia cùng Hoa Kỳ, Anh và Israel – những quốc gia đã được đang thúc đẩy chính sách này.

Theo dữ liệu của Israel, quốc gia này đã tiêm liều vắc-xin tăng cường cho hơn 1,1 triệu người ở độ tuổi từ 60 trở lên, giúp giảm thiểu nguy cơ bệnh nền nói riêng và số ca nhiễm nói chung.

Nhiều chuyên gia về vắc-xin đã phân tích các dữ liệu thu thập được tính đến nay và nhận định rằng, chỉ có nhóm người lớn tuổi và những người suy giảm miễn dịch mới cần phải tiêm mũi tăng cường thứ ba.

Dự kiến ​​quyết định của EMA sẽ được đưa ra trong ngày 4/10, tuy nhiên rất có thể họ sẽ không cung cấp hướng dẫn chi tiết về việc nhóm đối tượng nào sẽ được tiêm mũi vắc-xin bổ sung. Cả EMA và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) đều cho biết họ không có đủ dữ liệu về vấn đề này.

Hôm 30/9, ECDC nói rằng những người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng có thể được tiêm mũi bổ sung. Ngoài ra, những người già yếu, đặc biệt là những người sống trong các cơ sở chăm sóc dài hạn, nhân viên y tế và nhân viên khác thường tiếp xúc với virus cũng có thể được xem xét tiêm mũi tăng cường như một biện pháp phòng ngừa.

Hiện họ vẫn đang đánh giá dữ liệu về khả năng miễn dịch suy giảm sau khi tiêm chủng và giảm hiệu quả của vắc-xin đối với biến thể Delta.

Dù vậy, các nước EU đã tự xem xét và thực hiện các chính sách của riêng mình.

Ý đã bắt đầu thực tiêm chủng mũi tăng cường cho những người bị suy giảm miễn dịch, người già và nhân viên y tế, những người dễ bị tổn thương hoặc có nguy cơ lây nhiễm cao, nhắm vào tổng số khoảng 9 triệu người.

Ngược lại, Hà Lan đang hạn chế tiêm liều tăng cường ngay cả với những người bị suy giảm miễn dịch (con số này lên đến 400.000 người). Chính phủ Hà Lan chủ yếu chú trọng đến việc tiêm chủng chung cho người dân.

Tại Đan Mạch, chính phủ đang theo đuổi một chiến lược tương tự với Hà Lan, nhưng cũng lên kế hoạch tiêm liều tăng cường cho nhân viên y tế và nhóm người trên 65 tuổi nếu EMA cho phép.

Thụy Sĩ sẽ không tiêm liều tăng cường vào thời điểm này cho người dân, khi các nhà chức trách nhìn nhận, họ không thấy khả năng bảo vệ giảm dần theo thời gian. Nhưng họ vẫn tiếp tục theo dõi dữ liệu.

Minh Ngọc (Theo Reuters)

Xem thêm: