Các quỹ tương hỗ khổng lồ của Mỹ như Vanguard, State Street và BlackRock đều đầu tư mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc, theo SCMP. Đặc biệt, hàng triệu cổ phiếu các quỹ này sở hữu thuộc các công ty có trụ sở tại Tân Cương, nơi Washington và những nước khác cáo buộc Bắc Kinh phạm tội diệt chủng đối với nhóm dân tộc Duy Ngô Nhĩ.

Embed from Getty Images

Đầu tháng này, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden mở rộng lệnh cấm từ thời Trump đối với các khoản đầu tư vào các công ty có liên quan đến quân đội Trung Quốc, Nhà Trắng tuyên bố rằng họ sẽ “không ngần ngại” chặn dòng vốn của Mỹ chảy vào một số bộ phận của nền kinh tế Trung Quốc nếu chúng đe dọa nhân quyền và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. 59 tập đoàn nằm trong danh sách đen bao gồm các công ty dầu mỏ, công ty hàng không vũ trụ và viễn thông của Trung Quốc.

Các quỹ tương hỗ khổng lồ của Mỹ như Vanguard, State Street và BlackRock đều đầu tư mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc. Đặc biệt, hàng triệu cổ phiếu các quỹ này sở hữu thuộc các công ty có trụ sở tại Tân Cương, nơi Washington và những nước khác cáo buộc Bắc Kinh phạm tội diệt chủng đối với nhóm dân tộc Duy Ngô Nhĩ.

Tờ SCMP đã xem xét các hồ sơ công khai của nhiều công ty Hoa Kỳ và Trung Quốc. Kết quả cho thấy ba quỹ tương hỗ này – được cho là lớn nhất ở Hoa Kỳ và được nhiều người Mỹ tin tưởng để quản lý tiền tiết kiệm và lương hưu của họ – đã đổ hàng triệu đô la vào các công ty niêm yết công khai tại Tân Cương. Nhiều công ty trong số này do chính quyền Tân Cương trực tiếp kiểm soát.

Cụ thể, quỹ Vanguard đã tăng các khoản đầu tư ở Tân Cương gấp ba lần kể từ năm 2018, theo hồ sơ của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC). Các khoản đầu tư trị giá hơn 150 triệu đô la Mỹ vào cuối quý đầu tiên của năm nay.

Hồ sơ công khai của SEC cũng cho thấy một số công ty Tân Cương nằm trong các quỹ của Mỹ và chúng được tiếp thị đặc biệt cho các nhà đầu tư có ý thức về đạo đức – được gọi là quỹ “ESG”, về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp.

Một quỹ Vanguard ESG bao gồm bốn công ty Tân Cương, một trong số đó đã tự hào trong các báo cáo hàng năm về việc “duy trì sự ổn định ở Nam Tân Cương”, làm việc để “tăng cường giáo dục lại tư tưởng của những công nhân bị thuyên chuyển” và cung cấp “đào tạo nghề” cho gần 2.000 người trong khu vực, thuật ngữ mà các nhóm nhân quyền nói là hành vi vi phạm nhân quyền đáng ngờ.

Công ty cho biết đây là một phần của kế hoạch “chuyển giao lao động” và xóa đói giảm nghèo.

Vanguard đã bỏ phiếu để thông qua báo cáo đó, hồ sơ của SEC cho thấy. Vào thời điểm đó, nó sở hữu hơn 1 triệu cổ phiếu của công ty.

Các chuyên gia nói rằng các khoản đầu tư là hợp pháp theo luật trừng phạt hiện hành của Hoa Kỳ, và việc mua cổ phiếu chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số các khoản đầu tư tổng thể của các quỹ tương hỗ lớn nhất của Hoa Kỳ trên toàn thế giới, trị giá hàng nghìn tỷ đô la.

Hồ sơ công khai từ SEC cũng cho thấy Vanguard, State Street và BlackRock – được biết đến trong ngành với cái tên “Ba Ông lớn” – không chỉ mua hàng triệu cổ phiếu của các công ty Tân Cương, mà còn thay mặt các nhà đầu tư sử dụng quyền biểu quyết giống như tư cách cổ đông để hỗ trợ các kế hoạch của công ty như: phê duyệt các giao dịch, thăng chức thành viên hội đồng quản trị và ký vào các báo cáo của công ty với các chi tiết về hoạt động của họ trong khu vực.

Vào tháng 4 năm ngoái, trong khi Mỹ đang chuẩn bị bắt đầu vụ trừng phạt thương mại với Tân Cương, một công ty quốc doanh trong khu vực đã tập hợp các cổ đông của mình để bỏ phiếu về các kế hoạch và ưu tiên của công ty. 

Báo cáo hàng năm của công ty Tân Cương này đã được trình bày để phê duyệt. Nó tự hào về những thành tựu của mình trong việc “xóa đói giảm nghèo” – một cụm từ mà các nhóm nhân quyền cảnh báo là một cách nói ngụy biện che đậy những hành vi bị nghi ngờ lạm dụng đối với người dân tộc thiểu số trong khu vực – bằng cách gửi các đảng viên Đảng Cộng sản đến sống với các gia đình địa phương trong các ngôi làng nghèo đói xung quanh thành phố phía tây Kashgar.

Các cổ đông đã thông qua báo cáo, và hai trong số các phiếu “đồng ý” đến từ Vanguard và State Street.

Tại cuộc họp cổ đông của một công ty khác ở Tân Cương, BlackRock đã bỏ phiếu thông qua hạn mức tín dụng cho một công ty kéo sợi địa phương, một phần của ngành dệt may đang phát triển trong khu vực mà các nhóm nhân quyền cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức.

Và tại một buổi khác, State Street đã bỏ phiếu bầu một cựu bí thư Đảng Cộng sản địa phương lên làm tổng giám đốc tại một công ty năng lượng Tân Cương.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio (đảng Cộng Hòa, bang Florida) từng cho biết trong một báo cáo về các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty Trung Quốc ngày 26/5, một tuần trước lệnh điều hành của ông Biden, rằng: “Nhiều người Mỹ có thiện chí có thể vô tình ủng hộ một chế độ diệt chủng vì Phố Wall đang làm điều đó cho họ.”

Các chuyên gia cho biết các quỹ tương hỗ khổng lồ của Mỹ có thể không theo dõi mọi chi tiết đưa ra bởi họ có hàng nghìn khoản đầu tư trên khắp thế giới, mặc dù hồ sơ cho thấy họ thỉnh thoảng bỏ phiếu chống lại việc quản lý ở các công ty Tân Cương.

Vanguard và State Street từ chối trả lời các câu hỏi về các khoản đầu tư và ủy nhiệm bình bầu ở các công ty Tân Cương, hoặc liệu họ có coi những khoản đầu tư đó là rủi ro hay không.

BlackRock thì cho biết trong một tuyên bố rằng “quan tâm về nhân quyền là vấn đề cơ bản” của công ty, theo SCMP.

Chính phủ Trung Quốc bị nghi ngờ đang giam giữ ước tính khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác trong các trại đào tạo chính trị ở Tân Cương, nơi mà Bắc Kinh gọi là trung tâm đào tạo việc làm.

Bằng chứng về việc nghi ngờ lao động cưỡng bức đã được đưa ra bởi các phương tiện truyền thông quốc tế, các tổ chức tư vấn và các tổ chức phi chính phủ. Chính phủ Hoa Kỳ đã coi các hành động của Bắc Kinh ở Tân Cương là một tội ác diệt chủng. Tuy vậy, Bắc Kinh đã bác bỏ mọi cáo buộc cưỡng bức lao động.

Lê Xuân (theo SCMP)

Xem thêm: