Đi cùng thực trạng đối đầu giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với các nước phương Tây và Mỹ ngày càng gia tăng, nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới cũng ngày càng nhận thấy khả năng khó khăn khi đồng thời vừa muốn đứng về Mỹ lên án thảm họa nhân quyền tại Trung Quốc (về đạo nghĩa), lại vừa muốn kiếm tiền từ Trung Quốc (về mặt lợi ích).

Mời xem Phần 1 – Trường hợp công ty Mỹ.

~oOo~

Samsung Toyota
(Ảnh ghép từ các ảnh của Shutterstock)

PHẦN 2: TRƯỜNG HỢP CÔNG TY NHẬT BẢN VÀ HÀN QUỐC

Do ĐCSTQ liên tục mở rộng ảnh hưởng và gia tăng các mối đe dọa, các nước phát triển có vấn đề địa chính trị với Trung Quốc như Nhật Bản và Hàn Quốc đã phải hình thành đối tác an ninh với Mỹ và phương Tây; nhưng đồng thời về mặt phát triển kinh tế và thị trường thì họ (đặc biệt Hàn Quốc) phụ thuộc nhiều vào ĐCSTQ để thực hiện cái gọi là chiến lược “dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh, dựa vào Trung Quốc để đảm bảo kinh tế”.

Hầu hết tất cả các công ty quốc tế lớn ở hai quốc gia này đều có lợi ích trong dây chuyền sản xuất, dây chuyền công nghiệp và đầu tư vào Trung Quốc. Để không làm mất lòng chính quyền Trung Quốc, nhà sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản là Toyota và công ty điện tử khổng lồ của Hàn Quốc là Samsung, đều tận lực giúp đỡ Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, đồng thời họ cũng quảng bá mạnh mẽ thương hiệu tại Trung Quốc.

Samsung và Toyota đều tận lực hỗ trợ Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh

Theo một số phương tiện truyền thông Trung Quốc như chuyên trang xe hơi pcauto, công nghệ động cơ và xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro của Toyota đã đóng góp rất lớn vào mục tiêu của Bắc Kinh là đạt được “Thế vận hội Mùa đông trung tính carbon” mà ĐCSTQ đã cam kết. Cũng thông qua Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh mà công nghệ động cơ pin hydro của Toyota lần đầu tiên được giới thiệu thành công vào thị trường Trung Quốc.

Toyota đã cung cấp tổng cộng 2205 xe Toyota năng lượng mới cho Thế vận hội Mùa đông, chiếm hơn một nửa tổng số xe được sử dụng, bao gồm 140 chiếc Toyota Mirai là xe VIP và 105 chiếc Costa (được thiết kế cho Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh và Paralympic), cả hai đều là xe chở khách chạy bằng pin nhiên liệu hydro. Ngoài ra, các loại xe chạy bằng pin hydro do một số nhà sản xuất xe hơi khác của Trung Quốc cung cấp cũng sử dụng động cơ pin hydro của Toyota.

Samsung của Hàn Quốc cũng tận lực trong việc hỗ trợ Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Ngoài việc tặng cho mỗi vận động viên trong số 2.892 vận động viên tham gia một gói quà trị giá hàng chục ngàn nhân dân tệ (khoảng 1.600 USD) gồm điện thoại gập Samsung Galaxy Z Flip3 5G, Samsung cũng khai trương một số phòng trải nghiệm Olympic và tham gia tổ chức sự kiện của các ngôi sao Thế vận hội Mùa đông ở Thượng Hải.

Bình luận viên Zhou Xiaohui của Epoch Times cho biết rằng Samsung đã giúp ĐCSTQ tặng gói quà lớn như vậy cho các vận động viên, bởi vì các nhà chức trách ĐCSTQ hy vọng sử dụng điều này để ngăn các vận động viên chỉ trích ĐCSTQ. Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh đã gây tranh cãi về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương.

Mỹ tái cấu trúc chuỗi công nghiệp toàn cầu

Tháng Hai năm ngoái, Mỹ đã xem xét lại chuỗi cung ứng toàn cầu của các ngành công nghiệp quan trọng, bao gồm chip cho thiết bị điện tử tiêu dùng, pin cho xe điện, dược phẩm và nguyên liệu thô, đất hiếm.

Diễn đàn do Liên đoàn các ngành công nghiệp Hàn Quốc tổ chức cho thấy nếu Hàn Quốc tiếp tục duy trì chiến lược cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ mà không sớm định vị triệt để đi cùng Mỹ thì có thể khiến nước này chịu tổn thất lớn về kinh tế và thương mại.

Tháng Sáu năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nối bước Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đến thăm Mỹ để khẩn cấp sửa chữa quan hệ Mỹ-Hàn.

Tháng Tám năm ngoái, Phó Chủ tịch Lee Jae-yong của Tập đoàn Samsung, đã được ân xá và ra tù, lãnh đạo Samsung có quan hệ mật thiết với giới chính trị và kinh doanh của Mỹ này ngay sau đó đã đến thăm Mỹ vào tháng 11 và tuyên bố sẽ đầu tư 17 tỷ USD để xây dựng nhà máy chất bán dẫn ở Texas. Ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc do Samsung làm đại diện đã chính thức tham gia vào quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu do Mỹ dẫn đầu.

Đồng thời tập đoàn bán dẫn khổng lồ SK Group của Hàn Quốc cũng thông báo sẽ đầu tư 52 tỷ USD vào Mỹ, bao gồm nhiều lĩnh vực như chất bán dẫn, pin, hydro, giải pháp năng lượng; nhà sản xuất pin LG Energy Solutions cũng có kế hoạch đầu tư 140 triệu USD vào Mỹ; Hyundai Motor có kế hoạch đầu tư 7,4 tỷ USD vào xe điện, cọc sạc.

Chuyên gia về Trung Quốc tại Mỹ là Shi Shan cho rằng Mỹ đã lên kế hoạch tái cấu trúc chuỗi cung ứng sau khi loại bỏ Trung Quốc, buộc Hàn Quốc phải quay sang Mỹ. Ông nói với Epoch Times sự phát triển chất bán dẫn của Hàn Quốc phụ thuộc hoàn toàn vào hợp tác với Mỹ, nếu bị Mỹ loại khỏi chuỗi cung ứng thì trong 20 năm tới, có khả năng nền kinh tế Hàn Quốc cũng ‘xong rồi’. Hàn Quốc hiểu rõ điều này.

Không giống như Hàn Quốc, Nhật Bản từ lâu đã chọn đứng về phía Mỹ

Nội các Nhật Bản ngày 25/2 đã họp đã thông qua “Đạo luật thúc đẩy an ninh kinh tế” nhằm tăng cường chuỗi cung ứng các nguyên liệu quan trọng như chất bán dẫn, đồng thời ngăn chặn khỏi các mối đe dọa như công nghệ cao và tấn công mạng từ ĐCSTQ và Nga. Đây là động thái mới nhất của Nhật Bản nhằm tuân theo Đạo luật Cạnh tranh của Mỹ năm 2022 (America COMPETES Act of 2022) được Hạ viện Mỹ thông qua ngày 8/2.

Đạo luật Cạnh tranh của Mỹ cho phép Chính phủ Mỹ phân bổ gần 300 tỷ USD cho R&D và trợ cấp trong các ngành quan trọng như chất bán dẫn và linh kiện ô tô để giải quyết các vấn đề ngày càng nghiêm trọng của chuỗi cung ứng và cải thiện khả năng cạnh tranh với Trung Quốc.

Không giống như Chính phủ Hàn Quốc liên tục dao động giữa Trung Quốc và Mỹ, Chính phủ Nhật Bản đã xác định rõ thế đứng. Nhật Bản không chỉ tham gia liên minh chiến lược Mỹ-Nhật-Ấn-Úc, mà còn theo sát quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng của Mỹ, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Ngày 6/12 năm ngoái, Toyota cũng tuyên bố sẽ chi 1,29 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất pin cho xe điện, nằm ở gần Greensboro, Bắc Carolina, Mỹ, nhà máy này dự kiến ​​đi vào hoạt động chính thức vào năm 2025 và sẽ tạo ra 1.750 việc làm cho địa phương. Đây là một phần trong kế hoạch toàn cầu trị giá 13 tỷ USD của Toyota nhằm phát triển và sản xuất pin xe điện.

Tháng 4/2020, Chính phủ Nhật Bản đã chi 108.000 tỷ yên (940 tỷ USD) để khôi phục nền kinh tế, bao gồm cả việc khuyến khích các công ty Nhật Bản ở nước ngoài (chủ yếu ở Trung Quốc) quay trở lại Nhật Bản hoặc chuyển ra khỏi Trung Quốc, nhằm giảm bớt thực trạng các công ty Nhật Bản phụ thuộc chuỗi ngành công nghiệp của Trung Quốc. Kết quả là chưa đầy 3 tháng sau, 87 công ty Nhật Bản đã thông báo rời khỏi Trung Quốc và 1.670 công ty khác đã nộp đơn.

Nhìn từ góc độ địa chiến lược của Nhật Bản ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhà nghiên cứu và nhà bình luận nổi tiếng tại Viện Tình báo Chiến lược châu Á của Nhật Bản là Koyo Nishimura đã cảnh báo chính phủ và người dân Nhật Bản cần nhận thức được mối đe dọa của ĐCSTQ.

id13614606 c2b09bdf2d6c20096bd1015680434423 600x400 1
Chuyên gia Koyo Nishimura đã cảnh báo chính phủ và người dân Nhật Bản cần nhận thức được mối đe dọa của ĐCSTQ (Nguồn: Yu Gang / Epoch Times).

Ông nói với Epoch Times rằng các công ty Nhật Bản ở Trung Quốc nên rút lui hoặc chuyển giao chuỗi công nghiệp của họ càng sớm càng tốt, qua đó giảm thương mại với ĐCSTQ trên quy mô lớn. “Hiện tại một số công ty Nhật Bản đã nhận thức được mối nguy hiểm và đang hành động, nhưng hầu hết đều chưa tỉnh táo”, ông nói.

Nishimura nói rằng các đặc vụ của ĐCSTQ đã lan rộng đến tất cả các lĩnh vực của xã hội Nhật Bản, bao gồm chính trị, kinh doanh và truyền thông, điều này ở một mức độ nhất định đã hạn chế Nhật Bản trong các hành động ngăn chặn ĐCSTQ.

Một nhà văn Nhật Bản nổi tiếng là Keiko Kawasoe đã chỉ trích một số doanh nhân Nhật Bản ở Trung Quốc đã bị ĐCSTQ lừa dối vì nhận được “tiếp đãi nồng hậu” từ ĐCSTQ bằng tiền bạc và sắc dục. Bà nói: “‘Ác quỷ cộng sản’ tận dụng triệt để tham vọng của con người”.

Bà nói trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Epoch Times, “ĐCSTQ là liều thuốc độc của quỷ dữ, đang đầu độc những người có thể kiểm soát tương lai và vận mệnh của đất nước Nhật Bản”.

Bà Keiko Kawasoe cũng cảnh báo rằng ĐCSTQ càng giàu thì càng có khả năng tiến hành mở rộng quân sự. Những công ty Nhật Bản tiếp tục giúp ĐCSTQ kiếm tiền nên tỉnh táo và chú ý đến điều này.

Phân tích: Nhật Bản và Hàn Quốc cảnh giác trước ĐCSTQ

Tiến sĩ Tạ Điền chỉ ra, dựa trên các lợi ích địa chính trị và kinh tế, trong những năm gần đây Hàn Quốc đã “đu dây” giữa Trung Quốc và Mỹ để tìm kiếm sự cân bằng. Ông nói với Epoch Times, ngoài ĐCSTQ, ảnh hưởng địa chính trị của Hàn Quốc còn bao gồm Triều Tiên, trong khi chính ĐCSTQ chống lưng cho Triều Tiên, vì vậy dù Hàn Quốc phụ thuộc kinh tế vào ĐCSTQ nhưng đồng thời vẫn cảnh giác nên đã phải triển khai hệ thống tên lửa THAAD.

Đối với Nhật Bản, ông nói, trong vài thập kỷ qua, chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản đã hỗ trợ rất nhiều cho Trung Quốc về vốn và công nghệ. Cũng giống như Mỹ và châu Âu, Nhật Bản ban đầu hy vọng rằng ĐCSTQ sẽ thay đổi thông qua cải cách và mở cửa. Nhưng bây giờ chính phủ và người dân Nhật Bản đã nhận ra rằng dù nhờ tư bản và công nghệ phương Tây khiến ĐCSTQ ngày càng hùng mạnh hơn, nhưng bản chất tà ác của Đảng này không hề thay đổi dù chỉ một chút, tiêu biểu như về các vấn đề quần đảo Senkaku và Biển Đông. Các cựu quan chức cấp cao của Nhật Bản và các tổ chức tư vấn mà ông tiếp xúc đều cho thấy thái độ đặc biệt cảnh giác với ĐCSTQ, Nhật Bản không phụ thuộc ĐCSTQ như Hàn Quốc, giờ đây sẽ cứng rắn hơn với nhà cầm quyền này.