Bộ trưởng Năng lượng và Cơ sở hạ tầng UAE Suhail al-Mazrouei tuyên bố, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) sẽ duy trì liên minh với Nga trong OPEC+, bất chấp các lệnh trừng phạt kinh tế và sức ép từ Nhật Bản và các quốc gia phương Tây.

Nga là nhà lãnh đạo của OPEC+, một tổ chức gồm 10 quốc gia xuất khẩu dầu không thuộc OPEC chính thức, nhưng hợp tác với OPEC để quản lý thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Suhail al Mazrouei
Bộ trưởng Năng lượng và Cơ sở hạ tầng UAE Suhail al-Mazrouei (Ảnh chụp màn hình video)

Hôm 28/3, trong một cuộc phỏng vấn với đài CNBC, khi đề cập đến các cuộc đàm phán của OPEC với các nhà nhập khẩu năng lượng, Bộ trưởng al-Mazrouei nhấn mạnh: “OPEC+, khi họ nói chuyện, họ cần phải nói chuyện với chúng tôi, bao gồm cả Nga.”

Ông lưu ý: “Luôn luôn, Nga sẽ là một phần của tổ chức đó và chúng tôi cần phải tôn trọng họ.”

Bộ trưởng Al-Mazrouei đã trao đổi với đài CNBC tại Diễn đàn Năng lượng Toàn cầu do Hội đồng Đại Tây Dương tổ chức ở thủ đô Dubai của UAE.

Ông giải thích: “Ngày nay ai có thể thay thế Nga? Tôi không thể nghĩ đến một quốc nào trong một năm, hai, ba, bốn hoặc thậm chí 10 năm có thể thay thế 10 triệu thùng [dầu của Nga]. Điều đó không thực tế.”

Bộ trưởng năng lượng UAE đã phản hồi trước những lo ngại của Hoa Kỳ và các đồng minh rằng việc nhập khẩu năng lượng của Nga đang hỗ trợ cho các chiến dịch quân sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin, thông qua doanh thu từ dầu và khí đốt.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng Toàn cầu, ông al-Mazrouei nhận định, dầu của Nga cần thiết cho các thị trường năng lượng và không nhà sản xuất nào có thể thay thế cho sản lượng của Nga.

Bộ trưởng UAE tiếp tục: “Và bỏ chính trị sang một bên, sản lượng đó [của Nga] cần thiết cho ngày nay.”

Ông nhắc khán thính giả của mình rằng, liên minh OPEC+ sẽ gắn bó với nhau và ông phản đối bất kỳ đề xuất nào yêu cầu UAE đơn phương tăng sản lượng của mình.

Liên minh năng lượng OPEC+, do Ả Rập Xê-út và Nga lãnh đạo, chiếm khoảng 40% nguồn cung dầu của thế giới. Tổ chức năng lượng này đã đưa ra quyết định chung vào tháng 8/2021 để nâng sản lượng thêm 400.000 thùng mỗi ngày.

Tình hình nhiên liệu đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bắt đầu vào tháng 2, với giá dầu thô tăng vọt hơn 100 đô la một thùng.

Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, và Nhật Bản đã kêu gọi OPEC tăng thêm sản lượng và giúp giảm giá dầu vốn đã đạt mức cao kỷ lục trong bối cảnh liên tục thiếu hụt nguồn cung, nhưng liên minh năng lượng này đã chống lại mọi sức ép từ các quốc gia tiêu thụ hàng đầu để hỗ trợ các nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng của họ.

Trong hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp ở Brussels hôm 24/3, các đại diện của nhóm G7 (nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu của thế giới) đưa ra một thông báo phác thảo cuộc thảo luận của nhóm này xung quanh cuộc xung đột Nga-Ukraine, bao gồm cả sự xáo trộn trong các thị trường dầu và khí đốt toàn cầu do cuộc xung đột này gây ra.

Thông báo nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi các quốc gia sản xuất dầu và khí đốt hành động có trách nhiệm và tăng sản lượng giao hàng cho các thị trường quốc tế, lưu ý rằng OPEC có một vai trò quan trọng để thực hiện việc này.”

OPEC nhấn mạnh, họ sẽ giữ nguyên kế hoạch ban đầu là tăng dần sản lượng dầu, một kế hoạch được hình thành vào lúc cao điểm của đại dịch COVID-19 vào năm 2020 khi các nhà sản xuất năng lượng đồng ý cắt giảm sâu sản lượng sau khi nhu cầu về nhiên liệu giảm mạnh.

Bộ trưởng al-Mazrouei còn tiết lộ, UAE sẽ thúc đẩy đầu tư nhiều hơn vào dầu và khí đốt. mặc dù nước này đã cam kết hướng đến việc cắt giảm khí thải carbon trong biên giới của mình và cuối cùng sẽ đạt đến mức khí thải carbon trung hòa (net-zero) trước năm 2050.

Tuy nhiên, các quốc gia sản xuất dầu dọc theo Vịnh Ba Tư vẫn phụ thuộc rất nhiều vào việc xuất khẩu năng lượng để cung cấp nhiên liệu cho nền kinh tế của mình, ngay cả sau khi đã nỗ lực đa dạng hóa.

Ả Rập Xê-út, quốc gia sản xuất dầu lớn nhất của OPEC, đang phải đối mặt với các cuộc tấn công xuyên biên giới liên tục do các phiến quân Houthi ở Yemen được Iran hậu thuẫn thực hiện. Các phiến quân Houthi đang sử dụng máy bay không người lái và tên lửa để phá hoại các cơ sở dầu của Ả Rập Xê-út, khiến giá dầu tăng cao hơn.

Mối quan hệ giữa Ả Rập Xê-út và Mỹ đã trở nên nguội lạnh kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, bởi vì Tổng thống Biden được nhiều người trong thế giới Ả Rập coi là thân Iran, đặc biệt sau khi Hoa Kỳ rút hệ thống phòng thủ chống tên lửa của mình khỏi vương quốc Ả Rập này vào năm 2021.

Thái tử Mohammed bin Salman của Ả Rập Xê-út đã từ chối các cuộc điện thoại của Tổng thống Biden và có rất ít liên lạc trực tiếp giữa hai lãnh đạo này.

Ông Amos Hochstein, cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng toàn cầu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khẳng định, cam kết của chính quyền Biden đối với các quốc gia đồng minh của mình ở Vùng Vịnh vẫn “vững chắc”. Tuy nhiên, ông giải thích thêm, điều này “không có nghĩa là chúng tôi luôn đồng ý với nhau.”

Cố vấn Hochstein lưu ý: “Chúng tôi cam kết. Chúng tôi sẽ không bao giờ nói ‘đây là vấn đề của bạn, chứ không phải là vấn đề của chúng tôi.’”

Ngược lại, UAE đã và đang tăng cường quan hệ với Nga kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine. Bộ trưởng ngoại giao của UAE đã đến thăm Moscow vào đầu tháng 3/2022.

Bộ trưởng năng lượng UAE kêu gọi giải quyết cuộc xung đột Nga-Ukraine bằng ngoại giao và có vẻ ông muốn nhắm đến NATO. Ông cho rằng, cuộc xung đột không nên được giải quyết “bằng cách đổ thêm vũ khí vào tình hình bởi vì về cơ bản người dân sẽ trở thành nạn nhân.”

Các đại diện OPEC và ngoài OPEC sẽ gặp nhau vào ngày 31/3 tại hội nghị trực tuyến qua video để xác định giai đoạn tiếp theo của chính sách sản xuất.

Nhật Minh (Theo AP, ET)