Ngày 16/3, một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng của Hoa Kỳ đã giới thiệu dự luật mới nhằm tăng cường các biện pháp để ngăn chặn các nỗ lực đàn áp của Bắc Kinh đối với công dân Trung Quốc ở nước ngoài.

Embed from Getty Images

Là nỗ lực lập pháp toàn diện nhất cho đến nay về vấn đề này, dự luật này có thể mở rộng định nghĩa pháp lý về đặc vụ nước ngoài, giúp các quan chức Mỹ có thêm cơ sở trong nỗ lực tăng cường giữa các bộ của chính phủ để trấn áp hành động đàn áp xuyên quốc gia của Bắc Kinh.

Được chủ trì bởi Thượng nghị sĩ (TNS) Đảng Dân chủ Jeff Merkley và TNS Đảng Cộng hòa Marco Rubio, cả hai đều là thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, “Đạo luật Chính sách Đàn áp Xuyên quốc gia” soạn thảo và tăng cường các biện pháp hiện có nhằm chống lại hoạt động được định nghĩa là “hành động của chính phủ nước ngoài, hoặc đặc vụ [của họ] … để de dọa, bịt miệng, ép buộc, quấy rối, hoặc làm hại các thành viên của cộng đồng hải ngoại và lưu vong.”

Định nghĩa này bao gồm các hành động như dẫn độ hoặc trục xuất bất hợp pháp, giám sát trực tiếp và trực tuyến, hành hung và đe dọa, phong tỏa tài sản bất hợp pháp, vu khống hoặc bôi nhọ để làm mất uy tín của các cá nhân.

Trong một thông báo chung, các thượng nghị sĩ Merkley và Rubio nhấn mạnh, dự luật này sẽ “thiết lập một chính sách mới của Hoa Kỳ nhằm buộc các chính phủ và các cá nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm” cho những hành vi lạm dụng như vậy và “nâng cao việc chống lại hành động đàn áp xuyên quốc gia như một ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại.”

Để trở thành luật, dự luật này sẽ phải được cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua.

Dự luật yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ đề cập vấn đề đàn áp xuyên quốc gia trong báo cáo quốc gia hàng năm về nhân quyền của bộ này và đào tạo nhân viên chuyên xác định các hành vi lạm dụng có liên quan. Dự luật cũng chỉ đạo cộng đồng tình báo Mỹ ưu tiên xác định những kẻ vi phạm để Tổng thống Joe Biden trừng phạt họ.

Ngoài ra, dự luật yêu cầu xây dựng một kế hoạch liên cơ quan để tăng mức phạt đối với các thủ phạm, những kẻ thường xuyên tiến hành tiếp cận các tổ chức hải ngoại và tham gia với các nhà ngoại giao nước ngoài đe dọa đồng bào của họ. Dự luật cũng yêu cầu chính phủ Mỹ nghiên cứu chi phí và lợi ích xung quanh việc thành lập một báo cáo viên đặc biệt của LHQ về vấn đề đàn áp xuyên quốc gia.

Theo dự luật, kế hoạch liên cơ quan cũng nên đánh giá các cải cách có thể thực hiện được, chẳng hạn như mở rộng định nghĩa về “đặc vụ nước ngoài” theo luật liên quan của Hoa Kỳ như “Đạo luật Đăng ký nước ngoài” và hình sự hóa việc các đặc vụ đó thu thập thông tin của các tổ chức hải ngoại. Ngoài ra, dự luật yêu cầu xem xét lại các bước đã thực hiện trong việc giải quyết tính hợp pháp củacác đồn cảnh sát ở hải ngoại” do các chính phủ nước ngoài thành lập.

Dự luật không nêu tên các quốc gia cụ thể, nhưng nhấn mạnh rằng các chế độ độc tài “ngày càng dựa vào sự đàn áp xuyên quốc gia khi sự củng cố quyền kiểm soát trong nước của họ đã đẩy những người bất đồng chính kiến ra nước ngoài.” Theo thông báo của các thượng nghị sĩ, Trung Quốc, Belarus, Nga, và Iran được coi là những nguyên chính trong việc đưa ra dự luật này.

TNS Rubio nhấn mạnh, Hoa Kỳ phải “đảm bảo rằng [Đảng Cộng sản Trung Quốc] không thể quấy rối hoặc tấn công các cá nhân trên đất Mỹ.”

Từ năm 2014 đến năm 2021, Tổ chức phi chính phủ Freedom House đặt tại Washington đã ghi nhận 735 vụ đàn áp xuyên quốc gia tại 84 quốc gia trên thế giới, bao gồm giam giữ, hành hung, đe dọa, trục xuất, dẫn độ  bất hợp pháp, và nghi ngờ ám sát. Theo tổ chức này, trong số 735 vụ này, chính phủ Trung Quốc chịu trách nhiệm cho 229 vụ, chiếm gần một phần ba.

Yana Gorokhovskaia, giám đốc nghiên cứu của Freedom House, ca ngợi dự luật này đã đưa ra “một lộ trình giải quyết toàn diện vấn đề đàn áp xuyên quốc gia.”

Bà giải thích: “Chính quyền Biden trước đây đã thực hiện một số biện pháp để đối phó với mối đe dọa do những chế độ chuyên quyền gây ra, nhưng dự luật này sẽ kết hợp nhiều biện pháp đó lại với nhau để đảm bảo rằng những nỗ lực hiện tại trong việc giải quyết vấn đề đàn áp xuyên quốc gia sẽ được duy trì lâu dài.”

Kể từ tháng 9/2020, Bộ Tư pháp Mỹ đã đưa ra ít nhất 7 vụ kiện chống lại hàng chục cá nhân mà bộ này cho là đã hỗ trợ hành vi đàn áp xuyên quốc gia của Bắc Kinh. Một trong số các vụ kiện đã bị bác bỏ vào tháng 1.

Chính phủ Hoa Kỳ cũng đang điều tra các cáo buộc về các tiền đồn của cảnh sát Trung Quốc trên đất Mỹ.

Vào năm 2021, Quốc hội Mỹ đã thông qua “Đạo luật giải trình trách nhiệm và ngăn chặn đàn áp xuyên quốc gia” để hỗ trợ cho những cải cách thể chế tại Interpol bởi vì Hoa Kỳ cho rằng tổ chức quốc tế này đã bị những chế độ chuyên quyền lạm dụng. Đạo luật này cũng cấm chính phủ Hoa Kỳ dẫn độ một cá nhân chỉ dựa trên “thông báo đỏ”, mức xếp hạng “truy nã” cấp cao nhất của Interpol.

Cùng năm này, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố Lệnh cấm Khashoggi, một chính sách áp đặt các hạn chế về thị thực đối với các cá nhân “tham gia trực tiếp vào các hoạt động nghiêm trọng chống lại những người bất đồng chính kiến bên ngoài lãnh thổ.”

Chính sách này được đặt theo tên của Jamal Khashoggi, một nhà báo bất đồng chính kiến có quốc tịch Ả Rập Xê Út, người đã bị giết vào năm 2018 tại lãnh sự quán Ả Rập Xê Út ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm ngoái, FBI đã thành lập một trang web dành riêng cho vấn đề đàn áp xuyên quốc gia với các thông tin về các chiến thuật, các đường liên kết đến các bản cáo trạng gần đây, cũng như lời nhắc liên hệ với đường dây nóng chung của cơ quan này. Dự luật được đưa ra hôm 16/3 đã bổ sung cho việc này bằng cách thành lập một đường dây nóng chỉ dành riêng cho vấn đề đàn áp xuyên quốc gia.

Gia Huy (Theo SMCP)