Ngày 20/9, các thượng nghị sĩ lưỡng đảng đề xuất chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các ngân hàng quốc tế nhằm tăng cường giới hạn giá mà các nước G7 đang lên kế hoạch áp đặt với dầu của Nga.

shutterstock 2130268313
Các TNS Mỹ muốn ban hành lệnh trừng phạt thứ cấp với dầu mỏ của Nga (Ảnh: elladoro/ Shutterstock)

Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Chris Van Hollen và Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Pat Toomey đã công bố khuôn khổ pháp lý để áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp, nhằm vào các tổ chức tài chính liên quan đến tài trợ thương mại, bảo hiểm, tái bảo hiểm và môi giới dầu, cùng các sản phẩm xăng dầu của Nga được bán với giá vượt mức giới hạn trần.

Cả hai thượng nghị sĩ đều là thành viên của Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, cơ quan giám sát chính sách trừng phạt của Mỹ.

Hai nhà lập pháp cho hay, khả năng nhắm mục tiêu vào các ngân hàng sẽ khiến Nga khó trốn tránh việc bị áp giá trần thông qua các giao dịch với các quốc gia không chính thức tham gia kế hoạch áp mức giới hạn giá dầu của Nhóm G7.

“Nếu muốn áp trần giá dầu trên toàn thế giới đối với dầu của Nga, chúng ta cần đảm bảo rằng nó được áp dụng một cách thống nhất. Để làm được điều đó, chúng tôi tin rằng cần có sự hỗ trợ của các biện pháp trừng phạt thứ cấp,” Thượng nghị sĩ Van Hollen lưu ý trong một cuộc gọi với các phóng viên sau phiên điều trần của Ủy ban ngân hàng về lệnh trừng phạt Nga.

“Tôi cho rằng tổng thống cần có thẩm quyền mới từ Quốc hội để thực thi việc áp dụng giới hạn giá đối với bất kỳ ai mua dầu từ Nga với giá cao hơn mức giới hạn đã ấn định hoặc với khối lượng tăng đáng kể,” Thượng nghị sĩ Cộng hòa Toomey cũng nhận định.

Về cơ bản, chính quyền Biden khá miễn cưỡng khi áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp, lo ngại rằng chúng có thể làm phức tạp mối quan hệ với các nhà nhập khẩu dầu của Nga như Trung Quốc và Ấn Độ.

Bà Elizabeth Rosenberg, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính về Tài trợ Khủng bố và Tội phạm Tài chính, phát biểu tại phiên điều trần rằng, giới hạn giá là một công cụ mạnh mẽ để tác động đến Nga và ổn định giá năng lượng.

Bà Rosenberg nhấn mạnh: “Giới hạn giá mà chúng tôi tin rằng sẽ có tác động mạnh mẽ trong một số phương diện, chắc chắn trường hợp đầu tiên chính là cắt giảm nguồn thu của Nga để tài trợ cho cuộc chiến của mình.  Và thứ hai là, qua việc duy trì giá dầu của Nga ở mức thấp trên thị trường, nó sẽ làm giảm khả năng tăng giá đột biến trên toàn cầu.”

Trong tháng này, nhóm G7 đã công bố kế hoạch giới hạn giá dầu Nga để hạn chế doanh thu xuất khẩu của Moscow sau cuộc xâm lược Ukraine. Một số quốc gia đã cấm nhập khẩu dầu thô và nhiên liệu của Nga, nhưng Moscow vẫn cố duy trì nguồn thu của mình thông qua việc tăng cường bán dầu thô sang châu Á.

Minh Ngọc (Theo Reuters)