Ứng dụng đa năng mà chính quyền Tổng thống Trump vừa ban lệnh cấm cùng với TikTok là một trong những ứng dụng phổ biến nhất đối với người Trung Quốc cả trong Đại lục lẫn ở nước ngoài. 

shutterstock 1416929018
(Ảnh: Shutterstock)

Tại Trung Quốc, WeChat là một ứng dụng thuộc loại “tất cả trong một.” Người Trung Quốc dùng nó để trò chuyện, mua sắm, chia sẻ ảnh, thanh toán hoá đơn, đọc tin tức, gửi tiền v.v. 

Đây cũng là ứng dụng phổ biến để người Trung Quốc ở nước ngoài trò chuyện, trao đổi với gia đình, họ hàng, bạn bè trong Đại lục. 

Theo New York Times, khoảng 1,2 tỷ người (cả trong và ngoài Đại lục) sử dụng WeChat hàng ngày.

Hiện tại, cầu nối ấy đang có nguy cơ sụp đổ. 

Cuối tuần trước, chính quyền TT Trump đã ban hành một lệnh hành pháp có thể rút ứng dụng quan trọng nhất của Trung Quốc khỏi kho ứng dụng trực tuyến của Apple và Google trên toàn thế giới và ngăn các công ty Mỹ kinh doanh với công ty mẹ của nó, Tencent. 

Nếu được thực thi một cách quyết liệt sau 45 ngày kể từ ngày ký, lệnh này sẽ có hiệu lực nhắm vào sản phẩm Internet đột phá nhất của Trung Quốc. Hàng triệu cuộc trò chuyện qua lại giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới sẽ phải tìm một phương thức liên lạc khác để thay thế. 

Theo New York Times, lệnh cấm này sẽ có thể là mở đầu của một chương mới trong mối quan hệ ngày càng bất đồng sâu sắc giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Cùng với lệnh cấm ứng dụng video TikTok do Trung Quốc sở hữu, động thái chống lại WeChat đánh dấu sự thay đổi trong cách tiếp cận của Mỹ đối với “Vạn Lý Tưởng Lửa” (Great Firewall), điều mà trong nhiều năm đã ngăn các công ty như Facebook và Google hoạt động ở Trung Quốc. 

So với TikTok, WeChat quan trọng hơn nhiều đối với người ở Trung Quốc. Là nền tảng kỹ thuật số của cuộc sống hàng ngày, WeChat nổi lên như một công cụ để chính quyền Trung Quốc áp đặt các biện pháp kiểm soát xã hội. Tại Trung Quốc, ứng dụng này được kiểm duyệt và giám sát chặt chẽ bởi một lực lượng cảnh sát Internet hùng hậu.

Bên ngoài biên giới Trung Quốc, ứng dụng này đã trở thành cầu nối chính cho việc truyền bá các tuyên truyền của Bắc Kinh. Lực lượng an ninh Trung Quốc cũng thường xuyên sử dụng WeChat để đe dọa và bịt miệng các thành viên cộng đồng người gốc Hoa, bao gồm cả những người Duy Ngô Nhĩ thiểu số đang tìm cách nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp khắc nghiệt tại quê hương của họ ở miền tây Trung Quốc.

Điều này có nghĩa là chính phủ Trung Quốc có thể kiểm soát một phần đáng kể thông tin mà người Hoa ở nước ngoài nhận được, ngay cả bên ngoài biên giới của họ. Nó cũng có nghĩa là chính phủ Trung Quốc có thể tác động chính trị đến cộng đồng người Hoa hải ngoại mà rất nhiều trong số đó là cử tri của các quốc gia họ cư trú.

Trong bức thư gửi tới Lưỡng viện sau khi ban lệnh, ông Trump nhấn mạnh các ứng dụng di động do các công ty của Trung Quốc phát triển và sở hữu đang lan rộng ở Mỹ, đe dọa đến an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế của Hoa Kỳ.

“WeChat vẫn có thể theo dõi thông tin cá nhân và bí mật của công dân Trung Quốc khi họ đến Hoa Kỳ, từ đó hỗ trợ cho ĐCSTQ trong việc giám sát chặt chẽ tình hình của các công dân Trung Quốc, những người mà có lẽ lần đầu tiên trong đời họ được hưởng lợi ích của xã hội tự do. Giống như TikTok, WeChat cũng sẽ kiểm duyệt nội dung mà ĐCSTQ cho là nhạy cảm về mặt chính trị và cũng có thể được sử dụng để thực hiện các hoạt động tuyên truyền thông tin sai lệch có lợi cho ĐCSTQ,” bức thư viết.

Tuy vậy, vẫn có những ý kiến cho rằng nhược điểm của lệnh hành pháp này là nó khiến việc giao tiếp giữa những người dân bình thường ở trong và ngoài Trung Quốc trở nên khó khăn hơn, cụ thể là nó tỏ ra xung đột với một trong những mục tiêu mà chính quyền ông Trump nhắm tới, đó là duy trì sự cởi mở và kết nối thân thiện với người dân Trung Quốc.

Trong khi một số người trẻ cho rằng nếu bắt buộc phải chuyển đổi, họ sẽ có thể nhanh chóng chuyển sang dùng LINE, một ứng dụng nhắn tin phổ biến ở Nhật, hay ứng dụng nhắn tin khác, nhưng đối với thế hệ cũ trước đây thì việc thay đổi ứng dụng không phải là dễ dàng với họ.

Tuy vậy, nhiều nhà phân tích nhận định sự bất tiện này có thể là khởi đầu của một sự thay đổi tốt hơn cho người dùng trên nhiều khía cạnh: các cuộc trao đổi và thông tin cá nhân sẽ được bảo mật hơn khi chuyển sang ứng dụng khác; tránh nguy cơ bị ĐCSTQ thao túng thông tin; cũng như người dân Trung Quốc sẽ có được nhận thức mới về sự kiểm duyệt của chính quyền nhà nước, từ đó gây áp lực để thay đổi.

Tencent, công ty có vốn hóa thị trường trên 600 tỷ USD, cho biết hôm thứ Sáu (7/8) rằng họ đang cố hiểu đầy đủ về lệnh hành pháp mới này. Cổ phiếu của công ty đã giảm gần 6% trong phiên giao dịch cùng ngày trên Sàn giao dịch Chứng khoán Hồng Kông.

TikTok cho biết họ “bị sốc” trước lệnh của Nhà Trắng và xem xét kiện chính quyền ông Trump.

Lê Vy (theo NYT, ET)

Xem thêm: